| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 18/08/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 18/08/2015

Khi EVN bị xóa bỏ độc quyền

Bằng quyết định số 8266/QĐ-BCT mới đây của Bộ Công thương, thế độc quyền mua bán, phân phối điện của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức bị xóa bỏ.

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được hình thành qua các giai đoạn sau: Từ năm 2016 là giai đoạn vận hành thí điểm bước 1 thị trường bán buôn điện cạnh tranh; từ năm 2017-2018, vận hành thí điểm bước 2, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ chính thức hoàn chỉnh từ năm 2019.

Và khi thị trường điện chính thức cạnh tranh, các nhà phát triển điện có công suất trên 30 MW được trực tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh với đơn vị mua buôn.

Còn các nhà máy thủy điện có công suất từ 30 MW trở xuống được quyền lựa chọn tham gia thị trường điện khi đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng.

Như vậy là, thay vì tất cả các nguồn điện trên cả nước bắt buộc phải bán điện cho duy nhất một đơn vị được độc quyền mua, trực thuộc EVN là Cty mua bán điện quốc gia, với mức giá được Bộ Công thương đưa ra, sau đó Cty mua bán điện quốc gia phân phối lại cho các Tổng công ty điện lực rồi đến tay khách hàng như trước đây, thì nay, các nhà phát triển điện có thể trực tiếp bán điện cho các Tổng công ty theo giá thị trường, với điều kiện có lợi nhất cho mình, bù đắp được chi phí và có lãi.

Các Tổng công ty cũng có quyền lựa chọn mua điện của những nhà phát triển điện rồi phân phối lại cho các khách hàng của mình theo giá thị trường, mà không phải phụ thuộc vào Công ty mua bán điện quốc gia, với mức giá được Bộ Công thương ấn định.

Sẽ có 5 Tổng công ty là Tổng công ty điện lực miền Bắc, miền Nam, miền Trung, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, được tham gia thị trường điện cạnh tranh.

Cái nút thắt lớn nhất trong thị trường điện được cởi bỏ. Thế độc quyền bị mất, đồng nghĩa với việc EVN không thể một mình một chợ, tự tung tự tác với giá điện, mà hậu quả là hàng chục năm qua giá điện chỉ tăng chứ chưa một lần giảm.

Và cứ mỗi lần lỗ do đầu tư ngoài ngành, bỏ tiền xây biệt thự, sân gôn… thì EVN lại đề xuất tăng giá điện, rồi hết xây dựng thang giá điện 6 bậc lại thay bằng thang giá điện 3 bậc, mà cuối cùng thì người dùng điện vẫn thiệt. Nay, với nhiều đơn vị bán buôn, sự lựa chọn của khách hàng sẽ được mở rộng hơn, và cùng với nó là giá cả điện sẽ được xác định hợp lý hơn, chất lượng dịch vụ cũng sẽ ngày càng tốt hơn.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, thì đây là thời điểm và cơ hội để đổi mới thể chế, thiết lập trật tự thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

Phải thiết lập các tổ chức, cơ quan chuyên trách, độc lập để xây dựng và duy trì trật tự thị trường, như cơ quan giám sát điện, cơ quan kiểm soát độc quyền. Ngay cả phía tư vấn quốc tế, mới đây cũng đề nghị cần sớm xóa bỏ vị trí mua điện duy nhất của EVN vào năm 2019.

Tất nhiên là EVN có phản ứng, muốn kéo dài lộ trình này. Bởi lộ trình hình thành thị trường điện cạnh tranh càng kéo dài bao nhiêu, thì EVN càng có lợi bấy nhiêu. Tuy nhiên, ý muốn của EVN là một chuyện, còn sự đòi hỏi của xã hội lại là chuyện khác: Sẽ đến lúc mọi hình thức độc quyền trong xã hội sẽ bị xóa bỏ.

Bình luận mới nhất