| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 27/08/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 27/08/2015

Khi lãnh đạo 'lười' tiếp dân

Từ “lười” tiếp dân, xa dân đến coi thường dân, khinh dân chỉ là một khoảng cách rất mong manh.

Báo cáo kết luận về việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng (từ năm 2011 đến tháng 6/2014) mới được Thanh tra Chính phủ công bố, cho biết lãnh đạo một số địa phương như TP. HCM, Long An, Thừa Thiên - Huế rất “lười” tiếp... công dân.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP. HCM và các Phó chủ tịch chỉ tiếp công dân 15/42 ngày theo quy định của pháp luật, đạt 35%. Thanh tra “điểm” tại 8 sở, ngành của TP, thấy giám đốc và phó giám đốc, trưởng và phó trưởng ngành chỉ tiếp công dân tổng cộng 88 ngày, đạt 30,7% số ngày phải tiếp theo quy định.

 Cũng vậy, thanh tra 11 quận, huyện, chủ tịch của 11 quận, huyện đó chỉ tiếp công dân tổng cộng 226 ngày, đạt 25% số ngày phải tiếp dân theo quy định.

Đối với Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các đơn vị , địa phương, nên một số sở và UBND cấp huyện chưa thực hiện công tác tiếp dân theo đúng quy định.

Việc tổ chức tiếp công dân của một số giám đốc Sở chưa đúng quy định, việc mở sổ tiếp công dân ghi chép không đầy đủ. Chủ tịch một số huyện chưa tổ chức tiếp dân theo định kỳ, sổ ghi chép việc tiếp dân còn sơ sài…

Tại Long An, tình hình cũng không khá hơn, khi tính từ ngày 1/1/2011 đến 30/6/2013, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ tiếp công dân được 13/30 ngày theo quy định của pháp luật…

Thời xưa, những ông vua, những vị quan thanh liêm, trung thực, tận tụy với dân thường vi hành để gặp dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, và kịp thời xử lý những kẻ cường hào áp bức dân lành, với mong muốn “tận hang cùng ngõ vắng không còn một tiếng hờn giận, oán sầu”.

Ngày nay, để tạo điều kiện cho lãnh đạo gần dân, hiểu được dân hơn, có thể chia sẻ nỗi khổ với dân, và quan trọng hơn là từ đó tìm ra những biện pháp hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ những khó khăn của dân, Chính phủ đã có quy định hàng năm, lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chức năng bắt buộc phải dành một số ngày theo định kỳ hàng tháng để tiếp dân, giải quyết dứt điểm những việc mà họ đề nghị hay khiếu nại, tố cáo.

Nhưng qua báo cáo trên, thấy ở một số địa phương, công tác này bị xem nhẹ hay chỉ được tiến hành một cách rất hình thức. Phải chăng đó chính là nguyên nhân có những vụ việc hàng chục năm vẫn chưa giải quyết xong, và người dân vẫn cứ ùn ùn kéo về thủ đô với những lá đơn vượt cấp?

Nói như nhà thơ Bùi Hoàng Tám, thì bệnh “lười” tiếp dân chỉ là một trong những biểu hiện của thói quan liêu. Từ “lười” tiếp dân, xa dân đến coi thường dân, khinh dân chỉ là một khoảng cách rất mong manh.

Trả lời phỏng vẫn của báo chí, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Đức Hạnh tỏ ra rất băn khoăn về chế tài xử lý đối với những vị lãnh đạo “lười” tiếp dân này.

Còn băn khoăn gì nữa, cũng nói như nhà thơ Bùi Hoàng Tám, với một thể chế luôn luôn đặt dân lên trên hết. Tất cả là “của dân, do dân, vì dân”, thì với những ông cán bộ “lười” tiếp dân như thế, cách xử lý tốt nhất là hãy…Trả họ về làm dân.

Bình luận mới nhất