| Hotline: 0983.970.780

Khi mẹ chồng là phụ nữ đơn thân

Thứ Bảy 09/11/2019 , 08:40 (GMT+7)

Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu xưa nay vốn đã nhiều sóng gió. Nhưng đặc biệt là ngày càng nhiều những bà mẹ đơn thân nuôi con một mình.

Làm dâu những gia đình này khó hơn nhiều so với những gia đình đầy đủ cả hai cha mẹ.

Ảnh minh họa.

Bởi vì những phụ nữ không có chồng, thường tập trung tất cả tình cảm và hy vọng vào con. Thậm chí có người coi con như toàn bộ ý nghĩa cuộc đời mình, như một tài sản vô giá. Vì thế khi con lớn lên bắt đầu có người yêu, nhiều người bị chấn thương nghiêm trọng về tâm lý, do tình cảm mẹ con bị chia sẻ. Trước nay con chỉ có mẹ, bây giờ nó lại yêu một người khác, nhiều khi nó yêu vợ hơn cả mẹ, khiến mẹ cảm thấy như bị phản bội khi tình cảm của con nghiêng về phía vợ hơn.

Một bà mẹ gần 60 tuổi xin tư vấn trực tiếp chuyên gia tâm lý. Nghe chuyện bà kể hàng tiếng đồng hồ thấy rất đáng thương nhưng có lẽ thương nhất là anh con trai của bà gần 30 tuổi, dường như bất lực trước cảnh mâu thuẫn giữa mẹ và vợ. Không hiểu bà ghét con dâu vì lý do gì nhưng hỏi kỹ ra thì trước hết cô là người nhà quê, trong khi mẹ là gái Hà Nội gốc.

Bà than phiền là có những bà bạn có con gái thành phố xinh tươi duyên dáng nhưng nó không yêu, lại yêu con bé này, nhà ở cách Hà Nội mấy trăm cây số.

Giữa lúc đó cô này có thai đã 4 tháng mà bà vẫn kiên quyết nếu con lấy nó thì mẹ sẽ từ con, trong khi nhà gái liên tục giục cưới vì cái thai ngày càng to. Cực chẳng đã, anh ta phải tổ chức đám cưới giấu mẹ. Nhưng nhà gái yêu cầu phải có cha hoặc mẹ chú rể đến xin cưới.

Bí quá, anh ta đành lần mò tìm đến người cha đã bỏ mẹ con anh từ mấy chục năm nay và lập gia đình khác lâu rồi. Chắc hẳn ông bố có những lúc ân hận nên khi thấy con trai tìm đến nhờ bố đại diện nhà trai đi hỏi vợ cho con, ông rất sốt sắng nhận lời ngay lập tức. Nào ngờ tin đó đến tai bà mẹ, bà kể: "Như một lưỡi dao nó đâm thẳng vào trái tim tôi. Tôi ngã gục ra sàn nhà bất tỉnh”.

May có hàng xóm sang cấp cứu kịp thời và báo cho anh con trai về săn sóc mẹ. Thế là đám cưới bị hoãn lại, mẹ thì ốm, nhà gái thì giục giã khiến anh quẫn trí thẫn thờ như mất hồn, không thể làm việc được, cơ quan phải cho đi điều dưỡng. Khi anh ta có những dấu hiệu rối loạn tâm thần, bà mẹ mới vội vàng đến gặp chuyên gia tâm lý.

Trái lại nếu một người con trai luôn nghe lời mẹ, không dám làm một điều gì trái ý mẹ kể cả việc kết hôn thì khi anh ta có một gia đình, người vợ lại sẽ hách dịch, độc đoán như bản sao của mẹ anh ta, theo quy luật. Vì bản thân anh ta không thể quyết định một điều gì trong cuộc sống.

Từ lúc nhỏ, anh ta đã không được “thiết kế” cho một cuộc sống độc lập mà luôn phải phụ thuộc vào mẹ hoặc vợ. Có khi trong trái tim mình, anh ta luôn uất ức với mẹ và đến khi có vợ anh ta chuyển nỗi uất ức đó sang người bạn đời. Cuộc sống gia đình luôn căng thẳng, làm sao hạnh phúc được.

Nói thế không có nghĩa rằng khi một đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi bà mẹ đơn thân sẽ không thể có một cuộc sống hạnh phúc. Vấn đề là người mẹ đơn thân cần làm gì để con mình và người vợ trẻ của nó tránh khỏi bi kịch nói trên?

Trước hết, cậu bé cần một hình ảnh tích cực vể người cha của mình. Người mẹ không nên nhắc đến chồng cũ như một hình ảnh xấu xa, bởi vì muốn hay không cậu bé sẽ trở thành một người đàn ông, và anh ta cần một hình mẫu để trở thành người đàn ông đích thực. Người mẹ nên cho đứa trẻ biết thế nào là một gia đình hoàn hảo, không nên để con tin rằng cuộc sống chỉ có hai mẹ con là một ví dụ điển hình của một gia đình lý tưởng. Ý nghĩ đó sẽ ảnh hưởng không tốt khi anh ta có gia đình riêng.

Khi con trai bạn có người yêu và quyết định bắt đầu một một cuộc sống riêng, bạn không nên gây khó khăn hoặc phản đối sự lựa chọn của con. Nếu bạn phá bằng được mối quan hệ đó, sẽ không bao giờ đứa con tha thứ cho bạn, vì nó đã bị “cưỡng chế” tước đoạt một người thân yêu nhất của nó. Bạn cũng không nên can thiệp quá sâu vào sự lựa chọn của con.

Tất cả mọi người đều có quyền quyết định hạnh phúc của mình theo ý họ nếu không vi phạm pháp luật. Khi người con có gia đình riêng, mối quan hệ vợ chồng của con nên được tách ra khỏi mối quan hệ với mẹ, và người mẹ không nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống của họ.

Nhưng nếu nó chọn lầm người và đời nó sẽ khổ thì sao? Điều đó cũng có thể nhưng anh ta sẽ phải trả giá cho những sai lầm của mình. Không ai có thể bảo vệ con suốt cả cuộc đời của nó.

Nếu người con mãi mãi chỉ là đứa trẻ, không bao giờ trở thành người lớn, không tự giải quyết được những vấn đề của mình thì thử hỏi khi mẹ già nua hoặc không còn nữa, nó biết trông cậy vào ai trên cõi đời này? Có bà mẹ nào lại muốn con như thế?

(Kiến thức gia đình số 45)

Xem thêm
'Vết nứt' trong tâm hồn con trẻ khi gia đình tan vỡ

Ngày cha mẹ thông báo quyết định ly hôn, trái tim tôi như bị xé toạc. Cha mẹ cố gắng an ủi rằng họ vẫn yêu thương tôi, điều này tốt nhất cho cả hai.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?