| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 27/10/2015 , 07:15 (GMT+7)

07:15 - 27/10/2015

Khi pháp nhân tham nhũng

Việc đưa ra để lấy ý kiến góp ý của toàn dân vào Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi đã kết thúc vào ngày 14/9. 

Trả lời câu hỏi của PV Đài Truyền hình Việt Nam trong chuyên mục “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” tối ngày 25/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, đã nhận được 7 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia, nhiều vấn đề nhận được sự đồng thuận rất cao.

Trong đó có những quy định về xử phạt nghiêm khắc hơn, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đấu tranh phòng chống một số loại tội phạm đang được coi là giặc nội xâm trong xã hội như tội phạm về chức vụ, tội phạm tham nhũng.

Chẳng hạn, dự thảo BLHS bổ sung nguyên tắc xử lý là người giữ chức vụ càng cao thì xử phạt càng nặng, mở rộng phạm vi xử lý tội tham ô, nhận hối lộ ra cả khu vực ngoài nhà nước, bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với các tội phạm tham nhũng, bổ sung quy định pháp nhân cũng phải chịu TNHS về tội tham nhũng, nhận và đưa hối lộ.

Người giữ chức vụ càng cao thì xử phạt càng nặng. Hoàn toàn đúng. Vì người giữ chức vụ cao là những người hiểu biết đầy đủ về pháp luật cũng như hiểu biết rất rõ về hậu quả của việc vi phạm pháp luật, khác hẳn với người dân thường.

Đã hiểu biết đầy đủ mà còn vi phạm, thì việc vi phạm đó chắc chắn là cố ý. Thông thường trước nay, trong những phiên tòa xét xử các tội phạm về chức vụ, các HĐXX luôn luôn lấy thành tích trong quá trình phấn đấu (như bằng khen, huân huy chương) của người phạm tội như một căn cứ để chiếu cố, để giảm nhẹ một phần hình phạt.

Với việc bổ sung nguyên tắc xử lý như trên của BLHS sửa đổi, thì tình trạng đó sẽ được chấm dứt hoàn toàn, khiến người phạm tội phải nhận những hình phạt tương xứng với mức độ của tội danh mà họ gây ra.

Còn quy định pháp nhân cũng phải chịu TNHS về tội tham nhũng, nhận và đưa hối lộ? Cũng hoàn toàn đúng. Nhưng vấn đề là: Căn cứ nào để xác định pháp nhân có những hành vi trên? Bởi pháp nhân là một doanh nghiệp hay một tổ chức, bao gồm hàng trăm con người.

Trong đó chỉ những người lãnh đạo cao nhất mới có thể, và có điều kiện để tham ô, để nhận và đưa hối lộ (như Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc hay Vũ Quốc Hảo chẳng hạn). Mà đã tham ô, nhận hối lộ là để bỏ túi riêng chứ chẳng ông lãnh đạo nào lại bỏ số tiền đó vào quỹ chung của pháp nhân cả.

Trong chuyên mục “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” tối ngày 25/10, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã trả lời PV Đài Truyền hình Việt Nam rằng: “Thực tế, nhiều quyết định quan trọng, trong đó có quyết định dẫn đến hành vi phạm tội do tập thể, do hội đồng thành viên, hội đồng quản trị hoặc đại hội cổ đông thông qua, nếu chỉ quy TNHS cho cá nhân có thể lợi dụng lồng ghép vào ý kiến tập thể”. Xin hỏi, có hội đồng thành viên, hội đồng quản trị hay đại hội cổ đông nào lại thông qua những quyết định phải tham ô bao nhiêu? phải đưa hối lộ cho ông A, ông B… mỗi ông bao nhiêu tiền không?

Một vấn đề nữa cũng cần phải đặt ra là: Khi đã xác định được pháp nhân có những hành vi trên rồi, thì việc xử lý TNHS sẽ thế nào? Xử lý người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó hay xử lý toàn bộ nhân sự của pháp nhân?

Đó chính là điều cần làm rõ trong đường lối xử lý.

Bình luận mới nhất