| Hotline: 0983.970.780

Khi UBND huyện “to” hơn chính phủ

Thứ Hai 16/01/2012 , 11:13 (GMT+7)

Vụ nổ mìn và súng trong cuộc cưỡng chế tại Hải Phòng cho đến nay vẫn làm "nóng" dư luận xã hội. Nguồn cơn bắt đầu từ đâu?

Vụ nổ mìn và súng làm 6 công an, bộ đội bị thương trong cuộc cưỡng chế thu hồi đầm nuôi thủy sản của kỹ sư Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) ngày 5/1/2012, do UBND huyện Tiên Lãng tổ chức, cho đến nay, vẫn đang làm “nóng” dư luận xã hội. 

Hiện trường vụ cưỡng chế tại Hải Phòng

Hành vi trên của những chủ đầm là không thể chấp nhận được. Nhưng, vì sao đang là những công dân hết sức hiền lành, lương thiện, bỗng chốc họ trở thành tội phạm? Muốn trả lời câu hỏi đó thì như thi hào - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã nói, là phải xem xét cả một quá trình lâu dài, bởi “họa phúc có nguồn, phải đâu một buổi” (họa phúc hữu môi phi nhất nhật).

Sau khi sự việc xẩy ra, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và một số người có chức có quyền ở Hải Phòng đã lên tiếng giải thích trước công luận về vụ cưỡng chế. Nhưng càng giải thích, càng biện minh thì càng lộ rõ những vi phạm pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng trong việc quản lý đất đai, nguồn gốc trực tiếp dẫn đến phản ứng tiêu cực của những người dân.

Năm 1993, UBND huyện Tiên Lãng giao đất hoang hóa ven biển xã Vinh Quang cho một số hộ dân để cải tạo, nuôi trồng thủy sản. Lúc đó, việc giao đất được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật sau: 1/ Luật Đất đai năm 1993, theo điều 50 của luật này thì: “Việc quản lý, sử dụng đất mới bồi ven biển do Chính phủ quy định”. 2/ Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ “hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 1993” trong đó ghi thời hạn giao đất là 20 năm, nếu đất được giao trước ngày 15/10/1993 thì thời hạn thống nhất tính từ ngày 15/10/1993, đất được giao sau ngày 15/10/1993 thì tính từ ngày giao. 3/ Về hạn mức giao đất mới bồi ven biển, Chính phủ cũng quy định rõ tại điều 13 quyết định 173-TTg ngày 21/12/1994 của Thủ tướng Chính phủ: “Hạn mức giao đất từ 2 đến 10 ha”.

Thế nhưng Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã tự cho mình cái quyền được giao đất với thời hạn rất tùy tiện, người được giao 5 năm, người được giao chỉ 2 năm… Hộ Đoàn Văn Vươn được giao 14 năm. Về hạn mức, năm 1993 hộ ông Vươn được giao 21 ha, năm 1997 được giao thêm 19,3 ha nhưng 19,3 ha này lại ghi thời gian giao là năm 1993, trái hoàn toàn với Luật Đất đai năm 1993, nghị định 64/CP của Chính phủ và Quyết định 173-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì sao một chủ tịch cấp huyện lại có thể ngang ngược đến như vậy? Tiên Lãng là một vùng đất riêng, có luật pháp riêng?

Năm 2007, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi diện tích đầm của ông Đoàn Văn Vươn vì “hết thời hạn giao đất” (theo quy định tại nghị định 64/CP thì diện tích 21 ha của ông đến năm 2013 mới hết thời hạn, còn diện tích 19,3 ha thì đến năm 2017 mới hết thời hạn). Quyết định thu hồi của UBND huyện căn cứ vào khoản 10 điều 38 Luật Đất đai (đất được nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn).

Vì quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng được phát ra năm 2007, nên phải căn cứ vào Luật Đất đai năm 2003 và nghị định 181 ngày 29/10/2004 của Chính phủ “hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003”. Khoản 1 điều 34 nghị định này quy định: Khi hết thời hạn sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, sử dụng trực tiếp đất nông nghiệp do được nhà nước giao được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn đã quy định (20 năm), trừ trường hợp nhà nước sử dụng đất đó vào mục đích quốc phòng, an ninh, xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng…

Những người nổ mìn, xả súng làm bị thương 6 người thi hành công vụ, rồi đây sẽ bị xử lý nghiêm về hình sự. Nhưng còn những người tự cho mình cái quyền đứng trên cả luật pháp và Chính phủ, ngang nhiên vi phạm những quy định của pháp luật về quản lý đất đai, hủy hoại tài sản của công dân, đẩy họ vào bước đường cùng, dẫn đến việc chống đối, thì sao?

Trong các trường hợp phải “trừ” của khoản 1 điều 34 nghị định 181 không có trường hợp đất được nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn được quy định tại khoản 10 điều 38 Luật Đất đai cả. Như vậy, căn cứ khoản 1 điều 34 nghị định 181, thì hết năm 2013, ông Đoàn Văn Vươn được tiếp tục sử dụng 21 ha đầm thêm 20 năm nữa và năm 2017 tiếp tục được sử dụng 19,3 ha đầm thêm 20 năm nữa. Việc UBND huyện Tiên Lãng căn cứ vào khoản 10 điều 38 Luật Đất đai để ra quyết định thu hồi đất của ông Vươn là hoàn toàn trái pháp luật.

Chưa hết, trong vụ cưỡng chế đó, UBND huyện Tiên Lãng còn phá tan ngôi nhà của gia đình ông Vươn, nằm ngoài diện tích đất mà UBND huyện có quyết định thu hồi. Lời giải thích của ông Chủ tịch UBND huyện về lý do phá nhà là vì đó là “nơi trú ngụ của đối tượng chống cưỡng chế”, hoàn toàn không thuyết phục. Theo luật sư Trần Vũ Hải, thì việc phá nhà đó đã đủ yếu tố cấu thành hành vi cố ý hủy hoại tài sản của công dân.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất