| Hotline: 0983.970.780

Khi Vinamit không mua mít Thái

Thứ Ba 18/12/2007 , 07:00 (GMT+7)

Mít là loại cây xóa đói giảm nghèo của nông dân. Từ khi công nghệ chế biến mít phát triển, cây mít được trồng đại trà và hình thành một số vùng chuyên canh. Cho đến nay, chỉ tính riêng vùng Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ đã có khoảng hơn 10.000 ha mít.

Mít nghệ: Cung không đủ cầu

Theo tính toán của các chuyên gia thì 1 ha đất trồng được trên 200 cây mít (loại mít nghệ thuần). Từ 3-5 năm tuổi, mít thu hoạch 80-100 trái/năm. Với trọng lượng khoảng 10kg/quả, 1 ha mít thu hoạch 140 tấn quả/năm sau khi đã trừ hao hụt. Tính giá thị trường hiện nay, các công ty chế biến đang thu mua mức giá khoảng 1.800-2.000 đồng/kg mít quả thì 1ha mít cho doanh thu gần 300 triệu đồng. 80% sản lượng mít trái được bán làm nguyên liệu cho Vinamit và các công ty sản xuất trái cây sấy khác. Các đối thủ cạnh tranh của Vinamit xuất hiện ngày càng nhiều. Ngoài các đơn vị cũng sản xuất trái cây sấy nhỏ lẻ trong nước còn có các công ty nước ngoài như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… Nếu như giá sàn năm 2003 là 6.000 đồng/kg mít múi thì năm nay, giá sàn đã là 10.000 đồng/kg. Nhiều nơi như tại Bình Dương giá mít múi lên 14.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Lân Hùng, TTK Hội các ngành sinh học VN

Ông Nguyễn Lâm Viên- TGĐ Cty CP Vinamit cho biết thị trường mít còn phát triển mạnh. Vinamit đang có dự án đầu tư vùng nguyên liệu tại Đắk Lắk với diện tích trên 20.000 ha ở Easúp và một nhà máy tại đây với công suất 20.000 tấn/năm. Trong năm tới, Vinamit có kế hoạch hỗ trợ 1/3 vốn mua cây giống ban đầu cho nông hộ khi mua giống của Cty, số vốn còn lại sẽ được trả dần khi bán sản phẩm thu hoạch cho nhà máy.

Ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam nhận xét:  Lâu nay chúng ta trồng trọt chỉ nghĩ mục đích trước mắt là bán tươi ra chợ hoặc cho thương lái. Ngày nay, muốn kinh tế nông nghiệp phát triển lâu dài, đầu tư phải nghĩ đến đầu ra. Thị trường ta hiện nay chỉ tiêu thụ có 10% sản lượng mít tươi. 90% còn lại làm nguyên liệu cho thực phẩm sấy khô. Công nghiệp chế biến sấy khô lại chỉ thích hợp với loại mít nghệ thuần chủng. Mít nghệ chậm được thu hoạch hơn mít Thái 1 năm, nhưng thời gian thu hoạch lại lâu hơn nhiều năm.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, giám đốc phát triển vùng nguyên liệu Vinamit cho biết, Cty đang tiếp tục vận động bà con nông dân đầu tư trồng mít với chính sách bao tiêu trái 8 năm. Diện tích trồng mít của nông dân mà Cty đã ký hợp đồng bao tiêu mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất của Vinamit.

Mít Thái lại "dội chợ"!

Những tiếng ca thán bắt đầu dậy lên tại một số điểm thu mua mít ở Tây Ninh, Bình Phước khi mít giống Thái Lan bị “dội chợ”. Tại trạm thu mua, anh Nguyễn Đức Độ, đội trưởng đội thu mua nguyên liệu của Vinamit đã phải treo bảng thông báo: “Không mua mít Thái”, dù mít giống Thái Lan từng là nguồn cung cấp nguyên liệu đều đặn cho Vinamit. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, giám đốc phát triển vùng nguyên liệu Vinamit đã phải đề ra cách xử lý mua mít múi Thái mang đến lần đầu với giá… 3.000 đồng/kg (trong khi mít nghệ được mua với giá từ 10.000-12.000 đồng/kg). Ông Hoàng cho biết: Cty mua rồi bỏ, không sử dụng được nhưng vì không muốn bà con đã cất công ngồi lột vỏ, bóc múi mà bị trả về.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Trọng Nhân, giám đốc điều hành sản xuất nhà máy Vinamit cho biết: Những năm gần đây, trên thị trường cây giống xuất hiện loại mít Thái Lan. Chỉ sau 18 tháng, mít Thái đã cho thu hoạch trái. Mít Thái sai quả với những trái to, múi mọng và giòn ngọt đã nhanh chóng làm nông dân say lòng. Nhưng mít giống Thái Lan đưa vào sấy, do không có lớp lụa bọc múi nên nhanh chóng mất vị ngọt và hút dầu cao. Sau 3 tháng bảo quản, thì mít sấy giống Thái nhanh chóng mất màu, không còn màu vàng ngon mắt. Nếu thu hoạch mùa mưa, mít Thái ngậm nước nên vị càng nhạt.

Thực tế, khá nhiều hộ nông dân tại Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai… trồng mít Thái. Hiện nay, thị trường Đồng Nai, nơi mít Thái được trồng nhiều nhất vẫn chưa xao động bởi mít tươi đang được đưa đi tiêu thụ khá tốt về miền Tây. Thế nhưng, khi thị trường ăn tươi bão hòa, đặc biệt vào mùa mưa, khi mít Thái bị nhạt vì ngậm nước… sẽ là lúc phải lo nghĩ đến đầu ra của mít Thái.

Đưa giống mít Thái về Việt Nam ban đầu từ các đơn vị nghiên cứu khoa học của ĐH Nông Lâm, Trung tâm Cây ăn quả miền Đông và cả Vinamit. Tuy nhiên, khi các đơn vị này còn đang khảo nghiệm để xác định mức phù hợp trong công nghệ chế biến (chủ yếu là sấy khô) thì các công ty giống cây trồng các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre, Vĩnh Long… đã nhanh chóng nhập về và đưa ra thị trường. Cứ nghĩ giống Thái Lan là tốt, bà con nông dân đã nhanh chóng tiếp nhận và đầu tư trồng cây mít Thái trong vườn, trang trại của mình.

Được biết giống mít mà Vinamit chọn lựa cho đầu tư lâu dài là giống mít nghệ thuần chủng mà “cây tổ” đã được chọn lọc kỹ qua các Hội thi chọn giống trong những năm qua (do Viện Nghiên cứu KHKT Nông Lâm Tây Nguyên hỗ trợ). Đặt vấn đề, liệu Việt Nam có thể tạo ra giống mít nghệ mà thời gian được thu hoạch cũng như năng suất tốt hơn hiện nay không? Ông Nguyễn Lân Hùng khẳng định: Do từ trước đến nay vai trò cây mít trong nền kinh tế không lớn nên chưa được các nhà khoa học chú ý. Nay nếu đặt bài toán cho họ, chắc chắn các nhà khoa học sẽ làm được.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.