| Hotline: 0983.970.780

Khó khăn trong việc "rèn" con

Thứ Sáu 27/12/2013 , 10:21 (GMT+7)

Thực sự cháu không biết định hướng cho con kiểu gì, kèm cặp nó ra sao trong hoàn cảnh vợ chồng đi làm cả ngày, chỉ bên con buổi tối.

Cô Dạ Hương kính mến!

Vợ chồng cháu có công việc tương đối, có nhà riêng và có 2 con, cả trai lẫn gái. Lá thư này cháu không xin ý kiến cô về chuyện tình cảm mà là chuyện làm thế nào để dạy con được như chúng cháu.

Chúng cháu là thế hệ 7X, sau 1975. Tuổi thơ thật khổ sở vì bao cấp. Bố mẹ cháu quyết đi Nam, để lại phần lớn gia tộc ngoài Bắc. Cũng không tìm được chỗ tốt ngân hàng, bưu điện hay điện lực như người ta nhưng cũng ổn cả. Bố cháu là công nhân bậc cao, mẹ là văn thư, chuyển vào thì chỉ bố đi làm, mẹ nghỉ sớm. May là bố mẹ cháu chỉ có hai con như chỉ tiêu, cháu là chị cả, lấy chồng, tự lập, em cháu ở với bố mẹ trong ngôi nhà chung cư chỉ khá hơn hồi ở Bắc là ít lồng sắt hơn.

Gia đình chồng cháu cũng là dân đi Nam sớm. Anh tháo vát nên sau khi cưới, chúng cháu nhanh chóng mua được nhà tập thể cũ. Hai đứa con lần lượt ra đời, nay đứa lớn đã lớp 6 còn đứa con gái nhỏ thì lớp 2. Việc học của các con ở trường, như cô biết, nặng nhọc ở tiền bạc, học thêm mà còn sợ bạo lực học đường nữa. Con cháu là con trai dậy thì sớm, mới lớp 6 mà nó đã vỡ giọng, ngủ riêng phòng, hay đóng cửa và rất khó kiểm soát.

Từ khi nó vào lớp 6, vợ chồng cháu suốt ngày phục vụ đưa đón đến bở hơi tai. Đưa đi học chính, vì không có bán trú nên cháu đón từ trường về cơ quan, vạ vật buổi trưa, cơm căng tin, rồi xế chiều lại đưa nó đến cô chủ nhiệm học thêm. Phải cho học để có thể nhờ cô chăm cả buổi chiều. Tiền học thêm không nhiều nhưng nếu cả cấp II như thế thì cháu nghĩ cả hai vợ chồng loay hoay quá khổ với sự học của nó. Rồi đưa em gái của nó sẽ vào cấp hai, anh nó lên cấp III, có 2 đứa con mà sao nặng hơn ngày xưa người ta có một bầy con thế cô?

Vấn đề là nó mê truyền hình, khi ở nhà nó ít chịu học, chỉ ôm ti-vi. Rồi đứa em của nó sẽ học anh, cũng như vậy nữa và đòi mỗi đứa một cái ti-vi. Đến lúc nào đó chúng cháu sẽ cho nó học trên Internet, làm sao biết nó sẽ không xem bậy bạ trên đó hở cô? Chưa chi mà cháu thấy bất lực, toán khó bố mẹ không giúp được, văn cũng không chỉ dẫn được, tiếng Anh thì các cháu chịu thua.

Thực sự cháu không biết định hướng cho con kiểu gì, kèm cặp nó ra sao trong hoàn cảnh vợ chồng đi làm cả ngày, chỉ bên con buổi tối. Mà việc học của nó lại xa lạ với cha mẹ, không giúp được trong khi ti-vi và máy tính thì đầy thứ hấp dẫn.

Rất mong cô bày cho cháu kinh nghiệm với con trong thời buổi quá phức tạp này.

Cô đừng in email của cháu

Cháu thân mến!

Cô cũng thấy như cháu, bây giờ các gia đình trẻ đều có 2 con mà sao nuôi và dạy chúng quá khổ sở như vậy. Chắc cháu cũng như các con của cô, tuổi thơ thiếu đói nhưng yên bình, đi bộ hoặc tự đi xe đạp để đi học, học ít chơi nhiều, học chán thì tha thẩn ngoài sân ngoài phố không sợ đụng xe, bị rủ rê hay bị bọn xấu bắt đi cưỡng hiếp. Bây giờ thì sợ đủ thứ trên đời.

Phải công nhận việc học nó khiến mọi chuyện căng thẳng. Nếu việc học nó là cái ao thì chung quanh cái ao ấy đầy những thứ ô nhiễm, đáng sợ. Con cái chúng ta ngụp lặn trong không khí ao tù mà ngoi lên, bước lên mép ao thì cũng chẳng an toàn gì. Làm sao? Không biết làm sao cả khi mà xe máy là hung thần, con người không có vỉa hè để lèn chân? Gì nữa, để con ở nhà buổi chiều một mình thì có thể nó mở cửa cho người giả vờ quen vào cướp bóc, hoặc nó ôm ti-vi mà không chịu học. Gì nữa, không cho nó đi học thêm thì cô chủ nhiệm giận, còn phụng sự cho việc đó (cũng là một cách gửi con một buổi) thì hai vợ chồng cứ loay quay mãi cho đưa đón, chán, bực, và lâu ngày thành căm phẫn, căm thù tất cả.

Cô cũng không biết cách nào nếu như chúng cháu không có ông bà nội ngoại để nhờ, hoặc không thuê được người giúp việc ở nhà trông coi con cái, nhà cửa. Tiền là một việc, có thuê được người tốt không, là một việc khác nữa. Thôi thì, nhà nhà đều khổ, khổ với sự học, khổ với đi lại, khổ với khám chữa bệnh, mình chạy trời sao khỏi nắng.

Riêng với việc rèn con, cô nhắc, các cháu phải lấy mình làm gương soi cho con. Bố mẹ đừng có mê ti-vi, bố mẹ phải nói với nhau những điều cẩn trọng và tốt đẹp (con nó nghe và hiểu hết đấy), bố me ăn xài, đối xử, con nó cảm nhận được hết. Và hãy nhớ, chưa biết đọc sách thì nên tập thói quen đó, nếu như đã có nếp ấy thì nên duy trì để đứa con nó thu nhận được từ sách vở. Chỉ có sách mới “trị” được ti-vi và ghiền máy tính.

Với đứa lớp 6, tập cho nó đọc chưa muộn, đứa lớp 2 kia tập yêu sách là vừa. Rồi cháu sẽ thấy, con mình nghiện sách thì mình dễ an tâm, lên cấp III nó sẽ thành một đứa vị thành niên khác hẳn: Tự lập, tự suy nghĩ, biết phân tích, biết điều và cả biết tiết kiệm nữa. Sách là vị thầy không bao giờ lạc hậu.

Đừng bi quan, như cô nhắc, nếu ngay cả mình còn chưa chuẩn, chưa đúng, chưa hay thì nên sửa từ chính mình rồi hãy lo sửa sang con cái.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.