| Hotline: 0983.970.780

Khó khăn 'vây ráp' người nuôi cá trên sông Thái Bình

Thứ Ba 31/03/2020 , 13:10 (GMT+7)

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu ra cho sản phẩm cá lồng bè trên sông Thái Bình (Hải Dương) bị sụt giảm nghiêm trọng.

Người nuôi cá đang gặp khó khi nhu cầu đầu ra sụt giảm tới 2/3. Ảnh: Kế Toại. 

Người nuôi cá đang gặp khó khi nhu cầu đầu ra sụt giảm tới 2/3. Ảnh: Kế Toại. 

Trong khi, các khoản nợ ngân hàng, đại lý thức ăn chăn nuôi kèm theo lãi suất hằng tháng cứ thế chồng lên nhau.

Nông dân ngắc ngoải

Vài năm trở lại đây, nghề nuôi cá trên sông Thái Bình, đoạn chảy qua thành phố Hải Dương ngày một sôi động. Hàng trăm lồng cá dày đặc như mắc cửi xuất hiện ven sông, dọc các xã An Châu, Thượng Đạt (nay sáp nhập thành xã An Thượng) và phường Nam Đồng (thành phố Hải Dương).

Ông Nguyễn Văn Thiềm, hộ nuôi cá lồng bè tại xã An Thượng cho biết, từ năm 2018 ông bắt đầu nuôi cá trên sông Thái Bình. Ngoài ông Thiềm, 7 hộ dân nữa cùng tham gia, tạo thành nhóm hộ cùng nhau nuôi cá lồng bè vơi trên 80 lồng cá, chủ yếu là cá lăng chấm, chép, điêu hồng…

Theo ông Thiềm, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, các hộ nuôi đều ngắc ngoải, sống dở chết dở. Trước nay, đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, nên khi dịch bệnh, người nuôi bất lực.

Theo người dân, 2 năm trở lại đây, nguồn nước không còn dồi dào, cộng với ô nhiễm khiến nghề nuôi cá lồng ngày càng trở nên khó khăn. Có những đợt, nước đen ngòm, cá chết trắng mặt lồng, vẫn phải chấp nhận.

Minh chứng rõ nhất, ông Thiềm cho biết, trước đây thương lái thường đánh xe 5 tạ vào “ăn” đầy hàng. Nhưng khoảng 1 tháng nay, mỗi xe chỉ nhập 1 tạ cá. Cách đây 3 tuần, nhà ông Thiềm kéo hai lồng, tổng trọng lượng cá khoảng 6 tấn. Nhưng đến nay, số cá ế trong lồng vẫn còn khoảng 4 tấn.

“Trước đây, 6 tấn cá như vậy, chúng tôi chỉ bán trong 5 ngày là hết veo. Nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19, cất lồng lên mà bán 3 tuần vẫn còn ế 2/3. Chúng tôi không biết phải làm sao”, ông Thiềm lo lắng.

Không những vậy, giá bán cá cũng đang giảm từng ngày theo diễn biến của dịch bệnh. Giá cá lăng chấm loại to, hiện đã tụt xuống dưới 60 nghìn đồng/kg. Sản phẩm cá điêu hồng còn bi đát hơn, gần như không xuất được con nào. Các hộ nuôi cá cho biết, cá điêu hồng đa phần phục vụ đình đám, nay do dịch bệnh, không tụ tập đông người nên nhu cầu gần như không còn.

Chất lượng nguồn nước ngày một xấu cũng khiến người nuôi cá khó khăn. Ảnh: Kế Toại. 

Chất lượng nguồn nước ngày một xấu cũng khiến người nuôi cá khó khăn. Ảnh: Kế Toại. 

Anh Đinh Văn Tọa mới tham gia nuôi cá từ đầu năm 2019 với 6 lồng cá điêu hồng. Rất may, trong năm đã xuất bán được 15 tấn, thu về 600 triệu đồng. Sau đó, gia đình anh chuyển sang nuôi cá lăng. Theo anh Tọa, khoảng tháng 10 năm nay, nếu thuận lợi, gia đình sẽ xuất bán 30 tấn cá lăng. “Đấy là với điều kiện dịch bệnh giảm, nếu cứ như hiện nay thì hàng ế chỏng là chết. Nghĩ tới thôi là rùng mình”.

Khó khăn bủa vây con cá

Theo các hộ nuôi cá, điều họ lo sợ nhất hiện nay là các khoản nợ cùng lãi suất ngày một dày lên. Dù không bán được cá, thì hằng ngày vẫn phải cho cá ăn, chăm sóc như thường.

Giá cám tăng theo dịch bệnh, trong khi người nuôi cá nguy cơ không còn được mua chịu. Ảnh: Kế Toại. 

Giá cám tăng theo dịch bệnh, trong khi người nuôi cá nguy cơ không còn được mua chịu. Ảnh: Kế Toại. 

Ông Thiềm cho biết, gia đình đã đầu tư vài tỷ đồng “thả nổi” trên sông Thái Bình, phải thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng, đầu tư sản xuất. Dù cá có bán được hay không, hằng tháng vẫn phải trả đủ lãi ngân hàng.

Riêng số tiền thức ăn chăn nuôi, ông Thiềm nhẩm tính, khi cá đạt trọng lượng, mỗi tháng sẽ tiêu tốn trên dưới 100 triệu đồng. Những năm trước đây, các đại lý cám thường cung cấp trước, lấy tiền sau khi bán cá.

“Đã có một số hộ tài chính eo hẹp không còn được các đại lý cám cho nợ. Họ bắt thanh toán tiền mặt mới bán cám. Nhóm hộ chúng tôi sắp tới chắc cũng vậy”, ông Thiềm thở dài.

Anh Tọa thì cho biết, do mới nuôi nên anh mới đầu tư gần 1 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng gần 300 triệu đồng. Sau khi thu hoạch lứa điêu hồng, do xoay vòng vốn để nuôi cá lăng, nên khoản nợ ngân hàng còn nguyên.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó, ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, giá cám các loại đồng loạt tăng lên, đẩy bà con gần hơn tới bờ vực phá sản.

“Vừa qua, giá cám đồng loạt tăng lên từ 200 – 300 đồng/kg. Họ giải thích là do khó khăn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc nên phải tăng giá. Nhìn thì tưởng nhẹ nhàng, nhưng mỗi lần nhập cả chục tấn cám mới thấy xót”, anh Tọa ủ rũ.

Ông Bùi Quang Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết, nghề  cá lồng bè ở địa phương vẫn mang tính tự phát, không có quy hoạch nên khó kiểm soát. Để sản xuất, người dân chỉ cần được sự  phép của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GT- VT). Chính quyền cấp xã (phường) chỉ có nhiệm vụ duy nhất là đồng ý và quản lý lượng nhân công tạm trú trên địa bàn.

Một năm người dân xuất bán bao nhiêu cá, giá trị sản xuất thế nào, xã An Thượng không có số liệu. Bởi các hộ nuôi chủ yếu có hộ khẩu nơi khác.

Người nuôi cá trên sông Thái Bình có nguy cơ phá sản nếu như thị trường tiếp tục đóng băng. Ảnh: Kế Toại. 

Người nuôi cá trên sông Thái Bình có nguy cơ phá sản nếu như thị trường tiếp tục đóng băng. Ảnh: Kế Toại. 

“Dịch bệnh vẫn còn hoành hành, chúng tôi khẳng định sẽ có khoảng 80% hộ nuôi cá phải phá sản. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương, các ngân hàng xem xét giảm lãi suất, giãn nợ giúp người dân tiếp tục sản xuất”, một hộ nuôi cá chia sẻ.

Xem thêm
Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.