| Hotline: 0983.970.780

Khó kiểm soát!

Thứ Sáu 02/11/2012 , 09:44 (GMT+7)

Khảo sát, ghi nhận của PV NNVN, chính những chủ bán các mặt hàng của phụ nữ cũng ngạc nhiên, lo lắng...

Dư luận đang rất hoang mang, lo lắng trước thông tin áo ngực Trung Quốc có dung dịch và thuốc lạ gây ngứa, tức ngực. Khảo sát, ghi nhận của PV NNVN, chính những chủ bán các mặt hàng của phụ nữ cũng ngạc nhiên, lo lắng...

>> Xét nghiệm mẫu áo ngực ghi nhãn tiếng Trung có chứa “thuốc lạ”
>> Áo ngực Trung Quốc chứa thuốc lạ

Đáng tiếc, hiện cơ quan chức năng vẫn bó tay, không thể kiểm soát.

Tại cửa hàng Phong Thịnh, số 21 Hàng Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội, thấy tôi như hoa mắt với đống áo ngực các loại, đủ màu xanh, đỏ, tím, trắng gọn gàng trong tủ kính toàn chữ Trung Quốc, chị bán hàng tuổi trạc 40 xởi lởi: "Em định chọn loại có đệm bằng silicon xịn hay đệm mút? Rẻ thôi, chỉ 40.000 đồng, cùng lắm 70.000 đồng là em có ngay chiếc áo đủ thích. Mua cho chị một cái lấy may nhé”. Vừa nói chị vừa lôi cả đống áo trong tủ cho tôi xem. Thấy tôi cho vẻ chần chừ, chị bán hàng tiếp tục tiếp thị: “Hay em thử dùng chiếc áo có túi silicon nâng ngực hiệu quả và tác dụng massage này xem sao. Đảm bảo sẽ thích đấy”.

“Những chiếc áo này có giống loại áo Tàu bên trong có những hạt nhựa màu trắng, gây ngứa mà báo chí đưa tin không?” - tôi hỏi. Ngước mắt nhìn với thái độ khó chịu, chị bán hàng nói giọng gắt gỏng như muốn đuổi khách: “Em mua được bao nhiêu chiếc mà hỏi nhiều thế? Bán nhiều năm loại hàng này rồi, có ai ý kiến gì về chất lượng đâu. Giá mềm lại được áo đẹp, kêu ca nhiều thế”. Nói xong, chị bán hàng quay lưng bước sang xếp lại số áo đã trót lôi ra cho tôi xem.

Tiếp tục đảo qua một số quầy hàng trong chợ Đồng Xuân, dọc phố Gia Ngư, chợ Hôm thì áo ngực có tem Trung Quốc chất cao ngất. Theo chị Lan, chủ ki-ốt 20, áo ngực có giá rẻ từ 15.000 – 30.000 đồng/chiếc thì chỉ được độn lớp mút bên trong, rất bí. Nhưng nếu mua hàng đắt hơn từ 60.000 – 90.000 đồng khách hàng có thể sở hữu ngay một chiếc áo ngực độn silicon “xịn”, mặc vào sẽ khắc phục được nhược điểm khi vòng 1 quá bé mà không cần tác động của dao kéo. Tại những khu chợ này, nhiều tiểu thương cho biết họ cũng thường mua loại áo dây nịt ngực Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không có dán nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.


Những chiếc áo này liệu có là tác nhân truyền bệnh?

Khác hẳn thái độ khó chịu của những chủ bán hàng ở các chợ lớn kia, chị Lan bán hàng mỹ phẩm ở ngõ 2 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội tỏ ra lo lắng bởi “hơn 5 năm nay, tôi toàn đánh hàng Trung Quốc để bán nhưng chưa bao giờ nghe thấy thông tin này. Tôi mới nghe còn thấy sợ nữa là khách”. “Tốt nhất em mua áo bằng mút đệm cho an toàn” - chị Lan khuyên tôi. Có chung lời khuyên trên cũng nhận được từ một số người bán hàng mỹ phẩm có tiếng ở Hà Nội như Xuân Thủy (Bạch Mai), Mỹ Lan (Hàng Da)…

Kiểm tra chất lượng: khó!

Trước hiện tượng một số địa phương phát hiện áo lót ngực phụ nữ có nguồn gốc Trung Quốc chứa chất lạ, trao đổi với phóng viên, bà Chu Thị Thu Hương, Trưởng phòng chống buôn lậu, Cục Quản lý thị trường (Cục QLTT, Bộ Công thương) cho biết trong những năm qua QLTT phối hợp cùng các cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều hàng hóa làm từ nguyên liệu vải, phần lớn đây là những mặt hàng không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Cục QLTT đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nếu phát hiện hàng hóa không đủ điều kiện kinh doanh, kiên quyết xử lý.

Cũng theo bà Hương, Thông tư số 32/2009/TT-BCT của Bộ Công thương về giới hạn cho phép đối với hàm lượng fomaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên thị trường VN. Tất cả các sản phẩm dệt may trước khi lưu thông trên thị trường đều phải được kiểm tra nghiêm ngặt. Thế nhưng chất lượng của mặt hàng áo ngực phụ nữ vẫn bị bỏ trống bởi phần lớn hàng áo lót phụ nữ đang lưu thông đều nhập lậu từ TQ về thông qua các đường mòn hoặc lợi dụng chính sách giao thương biên giới đối với bà con vùng biên.

Chỉ một số ít được kiểm định là từ các nhà nhập khẩu chính ngạch vì theo quy định ngoài tờ khai hải quan, hóa đơn chứng từ thì buộc phải có kiểm định hàm lượng Omaldehyt ở mức cho phép mới được nhập về. Thêm vào đó, việc quản lý hàng hóa nhập khẩu do nhiều đơn vị quản lý: Hải quan quản lý tại cửa khẩu; QLTT quản lý lưu thông trong nước. Rồi việc hàng hóa TQ nhập lậu và được bán với giá rất rẻ, đánh bật hàng sản xuất trong nước. Vì vậy, đại diện Cục QLTT kiến nghị, để kiểm tra được chất lượng các mặt hàng tiêu dùng Trung Quốc rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng vì một mình Cục QLTT không thể làm được.

Còn đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có nhiều người tiêu dùng đã gọi điện đến Hội phản ánh tình trạng họ sử dụng sản phẩm áo ngực chứa thuốc bị gây ngứa. Tuy nhiên, theo ông Hùng, thời điểm này, do vẫn phải chờ đợi kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng nên chưa thể có biện pháp can thiệp ngay. Khi có kết luận về thiệt hại, Hội sẽ chính thức vào cuộc.

Áo “độc”, hỏng da

Những chiếc áo ngực “nghi độc” ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người sử dụng, trao đổi với NNVN, TS Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, tỷ lệ người vào khám bệnh về da do tiếp xúc với các loại hóa chất chiếm tỷ lệ khá cao, tùy theo từng mùa. Những bệnh nhân này thường bị các biến chứng nặng mới bắt đầu nhập viện. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh viện chưa điều trị cho bệnh nhân nào mắc bệnh về da mà có liên quan đến việc dùng áo nịt ngực Trung Quốc. Song lại có nhiều bệnh nhân ngứa do mặc áo quần Trung Quốc có nhuộm phẩm màu. Hoặc do bệnh nhân mặc áo không vừa kích cỡ (quá chật) nên gây ngứa từ chính những móc sắt của áo đã được mạ bằng lớp kim loại không an toàn.

BS Nguyễn Huy Thọ, Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật hàm mặt và tạo hình, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết, silicon sử dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ rất đắt. Một cặp túi ngực có chứa silicon có giá 1.000-1.500 USD. Chính vì thế, việc các áo lót có giá chỉ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng mà có chứa túi silicon thì không thể đảm bảo được đó là silicon thật, có chất lượng.

Thông thường, tất cả các loại thuốc nhuộm ở dưới dạng tan chứa các thành phần như axit, nitơ, bazơ trung tính. Ở dạng không tan còn ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khỏe con người và rất khó phân hủy. Đối với sức khỏe con người, thuốc nhuộm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến da mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác trên cơ thể như tim, gan, thận... Với cơ địa yếu, ngay khi gặp những hóa chất có trong thuốc nhuộm sẽ có phản ứng ngay như ngứa, đỏ tấy lên mà bắt buộc phải dùng thuốc bôi da mới khỏi được.

Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào đường tiếp xúc, nếu tiếp xúc bằng tay không có ảnh hưởng gì, nhưng có thể ảnh hưởng khi tiếp xúc bằng mắt. Có những người chỉ bị dị ứng vào mùa hè nhưng đến mùa đông họ tiếp xúc cùng hoá chất đó lại không gây dị ứng hay viêm da. Thêm vào đó, khi mặc những chiếc áo lót, quần áo không rõ nguồn gốc sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe của người sử dụng. Ví dụ như dung dịch trong miếng đệm áo lót không đảm bảo, chỉ được đóng trong túi ni lông nên chỉ cần sau vài lần giặt, túi sẽ bục ra, dung dịch tràn ra ngoài, dính vào cơ thể gây dị ứng da, viêm tắc lỗ chân lông. Đặc biệt những phụ nữ đang cho con bú dễ có nguy cơ viêm, nứt đầu vú, nhiễm trùng đầu vú và có ảnh hưởng ít nhiều đến đứa trẻ nếu chúng bú phải.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.