| Hotline: 0983.970.780

Khổ như di dân thủy điện!

Thứ Năm 31/10/2013 , 09:45 (GMT+7)

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: Mặc dù các chủ đầu tư dự án và chính quyền các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhưng công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại một số dự án thủy điện vẫn còn nhiều bất cập.

Báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện trước Quốc hội sáng 30/10, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: Mặc dù các chủ đầu tư dự án và chính quyền các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhưng công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại một số dự án thủy điện vẫn còn nhiều bất cập.

Thông thường người ta mới chỉ thấy cái khổ nhãn tiền của cư dân tái định cư thủy điện là vào mùa mưa, thủy điện xả nước để bảo vệ đập khiến lũ chồng lũ; còn mùa nắng, nhà máy trữ nước để chạy điện nên hạ lưu khô cạn, dân không có điều kiện sản xuất, canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, có tìm hiểu sâu xa thì cái khổ ấy xem ra còn nhỏ so với những cái khổ khác!

Bất cập đầu tiên nổi lên là công tác lập, thẩm định, phê duyệt phương án và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại một số dự án chưa thực hiện đầy đủ theo đúng quy định hoặc chưa thực sự hợp lý.

Vì vậy, một số hộ dân không chịu nhận đất sản xuất do đất quá dốc, diện tích chưa phù hợp với tập quán luân canh, hoặc không nhận nhà ở hoặc chuyển đi nơi khác do đất vườn quá nhỏ không đủ để trồng cây, chăn nuôi gia súc, chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số.


Di dời nhà dân lên khu tái định cư (Ảnh: Tuổi trẻ)

Đặc biệt, không ít dự án tái định cư thủy điện đang được triển khai theo quy trình ngược. Đó là xây dựng những khu tái định cư, đưa dân vào ở rồi mới tính đến các yếu tố đất sản xuất, tìm việc làm cho họ (!?). Nhiều dự án tái định cư thủy điện được xây dựng theo kiểu đối phó, không đảm bảo chất lượng, thiếu nước sạch. Người dân không có đất sản xuất phải phá rừng đầu nguồn để canh tác.

Chưa hết, người đứng đầu ngành Công thương còn đề cập trước Quốc hội một bất cập khác: Trên cùng một tỉnh có nhiều dự án cùng triển khai nhưng áp dụng các cơ chế bồi thường, hỗ trợ khác nhau đã gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng, làm tăng chi phí, chậm tiến độ, giảm hiệu quả, phát sinh thắc mắc, khiếu nại của người dân.

Việc lồng ghép công tác di dân, tái định cư với các dự án khác theo chương trình phát triển KT-XH của địa phương cũng chưa được quan tâm đồng bộ, gặp khó khăn, vướng mắc do nguồn vốn ngân sách chưa kịp thời bố trí theo tiến độ yêu cầu. Việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân tái định cư cũng còn bất cập về sự phù hợp với trình độ, độ tuổi, điều kiện thực tế và tập quán của người dân.

Một ví dụ là tại công trình Bản Vẽ (Nghệ An), tuy con em diện tái định cư được ưu tiên nhận vào làm việc tại các cơ sở công nghiệp trên địa bàn nhưng do tuổi, trình độ không phù hợp nên chỉ giải quyết được khoảng 10 - 15% số lao động.

Khó, khổ như vậy, nên không có gì lạ khi thu nhập của nhân dân tái định cư tại các dự án thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Bản Chát, Bản Vẽ, Khe Bố, A Vương và Sông Tranh 2… đạt vỏn vẹn 6,6 triệu đồng/người/hộ/năm, tức là thuộc hàng “út ít” ngay tại các địa phương của mình, chứ chưa so với mặt bằng chung cả nước!

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất