| Hotline: 0983.970.780

Khó phát hiện và xử lý sai phạm

Thứ Sáu 07/06/2013 , 10:15 (GMT+7)

Chiều 6/6, các đoàn ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật sửa đổi đó là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) và Luật đấu thầu.

Chiều 6/6, các đoàn ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật sửa đổi đó là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) và Luật đấu thầu.

Nhiều ĐBQH băn khoăn về tính khả thi nếu như Luật được thông qua mà chưa làm rõ được trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong từng khâu, công đoạn liên quan đến công việc được giao trong phạm vi hai Luật này điều chỉnh.

Bày tỏ mối băn khoăn của mình về dự án Luật THTK, CLP sửa đổi lần này, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng cách thiết kế Luật kiểu này là không ăn thua. ĐB Châu nêu ý kiến: “Còn tràn lan việc đổ xăng đi xe công. Nhiều cơ quan, kể cả cơ quan Đảng vào cuộc nhưng đâu vào đó hết. Nhiều nông lâm trường bỏ hoang đất, rất lãng phí, không giám thanh lý. Sợ thanh lý là người dân lấy mất đât”. Từ băn khoăn đó, ĐB Châu kiến nghị với Luật này nên thiết kế theo hướng xử lý hành chính. Liệt kê ra những hành vi lãng phí rồi quy vào đó mà xử lý hành chính, đền bù vật chất và kỷ luật cả mặt Đảng, chính quyền nữa.


ĐBQH Đỗ Bá Tỵ phát biểu thảo luận tại tổ về các dự án Luật được trình tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội

“Lãng phí ở đây là của công, toàn tiền chùa cả. Mong tiết kiệm không có đâu. Có anh nào tiết kiệm được đâu? Vì còn tư tưởng là có phải tiền của mình đâu? Chỉ có những bộ phận tự chủ kinh phí thì may ra họ mới có tiết kiệm được” – ĐB Châu kết thúc ý kiến.

ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái) nêu câu hỏi tại sao chúng ta chưa đạt được mong muốn về hiệu quả thực hiện chống lãng phí và thực hành tiết kiệm? Việc này không phải bây giờ mới đặt ra mà thời kỳ cụ Hồ cũng đã được bàn đến rồi. “Thấy dự thảo lần này có đề cập kỹ hơn nhưng liệu có làm được tốt hơn không, tôi thấy khó đấy. Chẳng hạn ở các điều 30, 31. Vướng chính là ở quy mô và quy hoạch. Làm nhiều công trình to nhưng có phát huy được giá trị đâu? Chợ xây rồi mà dân không vào họp. Có trường học xây dựng một nhà vệ sinh rộng 29 m2 chi hết 600 triệu đồng. Lãng phí là từ đó ra chứ ở đâu nữa” – ĐB Bình bức xúc.

Cũng theo ĐB Bình ở khoản 2, Điều 10 có đề cập đến người phát hiện ra lãng phí phải chịu trách nhiệm tính trung thực, chính xác của thông tin. ĐB Bình cho rằng: “Chỉ cần nêu là có tính trung thực, khách quan là được chứ yêu cầu chính xác thì khó lắm. Chẳng hạn người phát hiện nói ở công trình đó thất thoát 1 tỷ, trong khi chính xác là 100 triệu. Vậy đối chiếu vào luật, người phát hiện cũng vi phạm vì thông tin chưa chính xác”.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, một số ý kiến cho rằng, lãng phí còn biểu hiện ở "việc đưa ra các quyết định gây lãng phí", như quyết định đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế, xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn... Từ đó dẫn đến nhiều công trình đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn; vốn đầu tư bị chôn vào các công trình kém hiệu quả hoặc chậm đưa vào khai thác.

Vấn đề này, ĐB Đỗ Bá Tỵ (Điện Biên) nêu ý kiến: “Trong lĩnh vực xây dựng thường thất thoát ở nhiều khâu. Đặc biệt là khâu thiết kế. Đây là điều khi thanh kiểm tra ít được chú ý. Nhưng chỗ này thường xảy ra lãng phí. Chưa nói phần trăm nọ, phần trăm kia nhưng rõ ràng có nhiều chỗ còn lãng phí lắm. Làm thế nào để tránh được tiêu cực trong các khâu thanh tra, kiểm tra. Có siết chặt được việc này thì hiệu quả thực thi luật mới cao và nghiêm minh được”.

ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) thì băn khoăn trong vấn đề sử dụng ngân sách mua tài sản công. Theo quy định tài sản trên 100 triệu đồng thì phải đấu thầu. Câu hỏi đặt ra là có cơ quan trung gian không? Hay chỉ bên A và bên B tự thỏa thuận giá với nhau rồi đưa ra đấu. Cứ làm như hiện nay thì khó kiểm soát lắm.

Nhiều con trâu chui qua lỗ kim

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận (ĐBQH tỉnh Quảng Trị) đã phát biểu như vậy trong thảo luận tổ vào chiều 6/6. Bộ trưởng nói: “Rõ ràng đang có sự lẫn lộn giữa giảm chi và tiết kiệm. Đơn cử như việc mua bán ghế ở mình cứ thay thế liên hồi. Vì sao? Ở đây đúng là có trách nhiệm của người mua, người đấu thầu nhưng cái vướng ở đây chính là cơ chế trong việc định mức mua tài sản. Nếu bỏ ra nhiều để mua đồ tốt thì không có, không chỉ thế mà còn dễ bị hiểu là chưa tiết kiệm. Nhưng vì giá thành rẽ nên chưa dùng được bao lâu là phải thay thế. Mỗi lần thay thế như thế lại phải đấu thầu. Đấu thầu rồi lại có quân xanh quân đỏ. Cứ như thế nó mới lãng phí. Nói con trâu chui qua lỗ kim trong những trường hợp này rõ ràng là không sai nhưng thực tế thì có rất nhiều con trâu chui qua cái lỗ kim ấy”.

Nên nghĩ cho con cháu nữa

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đỗ Bá Tỵ (ĐBQH tỉnh Điện Biên) nói: “Vấn đề tài nguyên tôi thấy các nước họ quản lý rất chặt chẽ. Chẳng hạn như Trung Quốc, họ ít khai thác trong nước mà chủ yếu đi mua ở nước ngoài về dùng. Trong khi đó, ở Việt Nam việc khai thác tài nguyên quá tràn lan. Quản lý và giữ gìn tốt tài nguyên là nghĩ cho tương lai, cho con cháu. Khai thác lúc này cần tính đến sự chế biến để sử dụng có hiệu quả chứ cứ bán thô như hiện nay thì mất mát nhiều quá”. 

Khó phát hiện sai phạm trong đấu thầu

ĐB Đỗ Bá Tỵ cho rằng việc phát hiện sai phạm trong đấu thầu quả thực là rất khó. Vì nó xuất hiện tình trạng thông thầu trong nhiều nhà thầu với nhau. Các nhà thầu tự thống nhất với nhau trong danh mục các công trình rồi tự phân chia với nhau ai làm công trình nào rồi sau đó mới ra đấu thầu. Vì thế cần có một quy định ràng buộc về thời gian, trách nhiệm trong kết quả đấu thầu để xử lý trách nhiệm đối với những công trình làm chưa xong đã phát hiện xuống cấp, sai phạm.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tiếp nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

CẦN THƠ Những sà lan chở cát từ mỏ Bình Phước Xuân (An Giang) đã về đến Cần Thơ phục vụ thi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.