Một nhà yến cao tầng được xây trên đất nông nghiệp |
Theo ghi nhận của PV, chỉ riêng địa bàn TP Bạc Liêu đã có hàng trăm nhà nuôi chim yến, đặc biệt có những khu dân cư tập trung cả chục cơ sở dẫn dụ, gây nuôi chim yến san sát nhau, gây tiếng ồn vang rền cả khu vực. Tuy nhiên, theo các ngành chức năng của tỉnh thì đến nay vẫn chưa có ban hành quy định cụ thể về nuôi chim yến.
Sóc Trăng cũng được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều điều kiện để phát triển nghề nuôi chim yến. Tính đến tháng 9/2018, trên địa bàn tỉnh có khoảng 220 nhà yến, trong đó gần 70 nhà yến chuyên dụng và khoảng 150 nhà nuôi yến kết hợp với nhà ở. Tuy nhiên điều đáng quan tâm là phần lớn nhà yến lại tập trung ở thành thị, khu vực đông dân cư (57%), có nguy cơ gây ô nhiễm tiếng ồn lớn.
Hầu hết, các tỉnh có hoạt động nuôi chim yến đang chờ Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn mới về quản lý nuôi chim yến. Đến nay, một số tỉnh tiếp tục vận dụng Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT, ngày 22/7/2013 của Bộ NN-PTNT “Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến” và các văn bản có liên quan để quản lý...
Hiện tại, nghề dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn các tỉnh ở ĐBSCL vẫn diễn biến theo hướng tự phát và khó kiểm soát. Chỉ một số tỉnh, thành phố trong khu vực đã có qui định tạm thời về nghề dẫn dụ và gây nuôi chim yến. Trong khi đó, hầu như chưa cơ sở nào xin phép nuôi yến, mà họ chỉ dừng lại ở việc xin giấy phép xây dựng, cải tạo công trình nhà ở, rồi "cải biên" nội thất thành nhà nuôi yến.
Nhà nuôi yến phát triển nhiều ở khu dân cư tập trung |
Sở NN-PTNT Bạc Liêu được UBND tỉnh giao tham mưu, xử lí vấn đề này thừa nhận: “Thực tế phong trào dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá nhanh và hiện tỉnh vẫn chưa có văn bản pháp lý quy định vùng nuôi, dẫn dụ chim yến. Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan tiến hành tổ chức khảo sát thực tế về âm thanh, tiếng ồn và giám sát dịch bệnh tại các cơ sở dẫn dụ, gây nuôi yến tại một số nơi...”.