| Hotline: 0983.970.780

Khó thu tiền nước sinh hoạt vùng cao

Thứ Hai 09/12/2019 , 08:48 (GMT+7)

Xác định nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước không thể phụ thuộc mãi vào ngân sách, tỉnh Lào Cai đã chú trọng thu tiền sử dụng nước.

Người dân ở xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình nước sinh hoạt từ 10 năm nay.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lào Cai cho biết: Từ tháng 7/2017, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành quyết định về việc thu tiền sử dụng nước và quản lý, sử dụng tiền nước sinh hoạt từ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh. Song việc triển khai tới nay gặp những khó khăn nhất định.

Theo UBND huyện Bát Xát, trong số 171 công trình nước sinh hoạt tập trung thì có 32 công trình thu được tiền sử dụng nước (chiếm 18,7%), với mức thu bình quân từ 2.000 đồng/m3; 139 công trình không thu tiền sử dụng nước theo quy định. Và từ đầu năm đến tháng 9/2019, huyện này mới thu được hơn 233 triệu đồng tiền sử dụng nước, đạt 13,3% kế hoạch.

Còn tại huyện Mường Khương, huyện 6 tháng đầu năm mới thu được 155 triệu đồng tiền sử dụng nước sinh hoạt của người dân từ 40 công trình nước sinh hoạt, đạt trên 31%.

"Tại huyện Văn Bàn, 6 tháng đầu năm 2019 mới thu được hơn 100 triệu đồng nên dự kiến cả năm thu khoảng 200 triệu đồng trong khi kế hoạch được giao là 550 triệu đồng", ông Triệu Quốc Chưởng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Bàn cho biết.

Trong khi đó, tiền sử dụng nước là một nguồn thu quan trọng để có thể duy tu, bảo trì công trình nước sinh hoạt động được lâu dài. Và nguyên nhân khó thu tiền sử dụng nước là do điều kiện vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, người dân chưa tự giác, nhất là việc tham gia đóng góp kinh phí để quản lý công trình sau đầu tư còn hạn chế. Thậm chí không đủ thù lao cho người trông coi nên việc phát hiện hư hỏng để kịp thời khắc phục gặp khó…

Một vòng luẩn quẩn khác, đó là công trình hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động chiếm tỷ lệ cao một phần do công tác vận hành và do ảnh hưởng của thiên tai kết hợp công trình sử dụng lâu.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, năm 2018, toàn tỉnh được giao thu tiền sử dụng nước sinh hoạt đối với 708 công trình, số tiền là 9,8 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ thu được 153 công trình, với gần 2,1 tỷ đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức cuộc họp đánh giá thực trạng quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn và kết quả thu tiền sử dụng nước sinh hoạt nông thôn.

Bể chứa nước sinh hoạt của thôn An Quang (xã Quang Kim, Bát Xát) mọc rêu mốc, không còn hoạt động từ lâu.
Số liệu thống kê hết năm 2018, trong số hơn 1.000 công trình cấp nước sạch tại Lào Cai có 164 công trình cấp nước sinh hoạt không hoạt động, chiếm 15,8%; 243 công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động kém hiệu quả, chiếm 23,3%.

Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho rằng, quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, nâng cao ý thức sử dụng, bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhất là việc nộp tiền sử dụng nước để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình. “Nên đưa chỉ tiêu thu tiền sử dụng nước sinh hoạt làm tiêu chí xét thi đua của các xã”, ông Khôi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, các địa phương cần tổ chức ký cam kết sử dụng và đóng tiền sử dụng nước, phải đảm bảo ít nhất 75% người dân cam kết thì mới đầu tư công trình, ngân sách nhà nước chỉ sửa chữa các công trình hết thời gian khấu hao hoặc hư hỏng do thiên tai, không sửa chữa các công trình có thời gian sử dụng ngắn hoặc hư hỏng do quản lý yếu kém; giao một số công trình cấp nước cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện quản lý vận hành để công tác này dần đi vào chuyên nghiệp…

Theo Chi cục Thủy lợi Lào Cai, hai địa phương có số công trình thu được tiền sử dụng nước sinh hoạt hơn 50% trong năm 2018 là thành phố Lào Cai (69,2%) và huyện Văn Bàn (55,4%). Các huyện Si Ma Cai 4/51 công trình (đạt 7,8%), Bắc Hà 14/133 công trình (đạt 10,5%), và ngay cả Sa Pa 11/71 công trình (đạt 15,5%)...

Xem thêm
Lợi ích của trồng rừng đạt chứng chỉ FSC

Chứng chỉ rừng FSC giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng từ 20 - 30% so với những sản phẩm cùng loại, góp phần khai mở kiến thức người trồng rừng...

Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.