| Hotline: 0983.970.780

Khó trăm bề

Thứ Tư 31/07/2013 , 10:31 (GMT+7)

Công cuộc xây dựng NTM ở các huyện miền núi Nghệ An đang gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách...

Công cuộc xây dựng NTM ở các huyện miền núi Nghệ An đang gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách; trong đó phải kể đến đường giao thông, quy hoạch vùng SX, nâng cao thu nhập... Việc áp dụng 19 tiêu chí NTM là áp lực rất lớn đối với lãnh đạo các địa phương và người dân.

Trên thực tế tiêu chí giao thông đòi hỏi mức đầu tư rất lớn, mỗi km đường bê tông cần khoảng 1 - 1,5 tỷ đồng nên nhiều xã khó vượt qua "cửa ải" này. Trong khi đó ở các xã miền núi việc huy động người dân góp tiền làm đường còn gặp khó khăn, mức thu nhập của bà con thấp, tỷ lệ hộ nghèo và hộ thuộc diện chính sách chiếm tỷ lệ khá cao.

Ngoài ra, một số xã không bố trí được vốn đối ứng vì nguồn ngân sách hạn hẹp nên đến nay tỷ lệ đường giao thông được cứng hoá đạt rất thấp. Ngay cả xã được chọn điểm xây dựng NTM cũng gặp phải không ít khó khăn trong tiêu chí này.

Xã Huồi Tụ của huyện Kỳ Sơn được chọn làm điểm xây dựng NTM, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2015, đến nay tiến độ triển khai mới chỉ cơ bản đạt 2 tiêu chí (y tế và an ninh trật tự xã hội) mà các tiêu chí này đã có sẵn, 17 tiêu chí còn lại chưa thực hiện được.

Lý giải cho vấn đề này, lãnh đạo xã khẳng định, do đặc thù là một xã miền núi nghèo, địa hình phức tạp đồi núi đất, đá sỏi gập ghềnh, dân cư thưa thớt, xã vốn hình thành vốn không có quy hoạch, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ nên khi triển khai gặp khó khăn và thách thức trong việc thực hiện các tiêu chí, nhất là giao thông. Dân lo miếng ăn đã chật vật, Nhà nước phải cứu đói huống chi là góp tiền, trong khi tiêu chí nào cũng cần tiền nên mọi thứ đều trông chờ vào nguồn vốn của nhà nước.

Tương tự ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương cũng là xã chọn điểm xây dựng NTM. Sau hai năm rưỡi triển khai, chính quyền xã đã nỗ lực huy động sức dân, mọi nguồn lực, kinh phí hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ nhưng xem ra vẫn quá khiêm tốn. Tam Quang chỉ mới bê tông, cứng hóa được một phần đường trục xã, thôn bản.


Giao thông là một trong những tiêu chí khó đạt nhất ở miền núi

Theo ông Hồ Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: “Hiện xã tập trung thực hiện tiêu chí cận đạt như giao thông nông thôn, vì đây là điều kiện, tiền đề, nếu thực hiện tốt tiêu chí này thì các tiêu chí khác sẽ tốt hơn”.

Một nguyên nhân nữa khó thực hiện tiêu chí giao thông ở các xã miền núi là do nhiều bản quy hoạch, cách bố trí hạ tầng các tuyến giao thông ở các xã miền núi cũng chẳng khác đồng bằng.

Cùng với tiêu chí giao thông, tiêu chí nâng cao thu nhập cho nhân dân là tiêu chí phản ánh mức độ thành công của chương trình. Cơ sở vật chất ở các địa phương còn yếu và thiếu; SXKD nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp, 80% người dân lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và phần đông là hộ nghèo, hộ chính sách.

Vì vậy, các địa phương đang rất lúng túng tìm hướng phát triển SX phù hợp để nâng cao thu nhập cho người dân. Trong khi đó, đối với vùng sâu vùng xã đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm thấp, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào  trồng trọt và chăn nuôi. Trồng trọt thì trông chờ vào thiên nhiên, chăn nuôi thì gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh và giá cả thị trường. Còn cây nguyên liệu thì không được giá như mong muốn.

Bởi vậy, đối với vùng miền núi, thu nhập là tiêu chí khó đạt nhất trong các tiêu chí xây dựng NTM. Mặc dù thời gian qua một số huyện cũng xác định thu nhập là tiêu chí khó nên đã thúc đẩy hướng phát triển kinh tế là trồng rừng, trồng cỏ và phát triển chăn nuôi... Tuy nhiên, cái khó là cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiệu quả chưa cao, không bền vững và khó tạo thu nhập ổn định.

Ngoài ra, hàng loạt các tiêu chí khác như thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện, nhà ở dân cư, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hoá, trạm xá… khá chậm do thiếu vốn đầu tư và khó đạt chuẩn theo tiêu chí quốc gia.

Ở huyện Con Cuông, về y tế trước đây có 7 xã đạt chuẩn Quốc gia nhưng giờ tiêu chí mới thì toàn huyện không có xã nào được chuẩn. Đặc biệt với tiêu chí chợ nông thôn ở các xã miền núi, chưa phù hợp vì có xã gần trung tâm huyện, e rằng nếu xây dựng chợ sẽ không phát huy được hiệu quả như mong đợi, gây lãng phí trong khi đó không xây thì không đủ tiêu chí như chợ Yên Khê (huyện Con Cuông), chợ Cẩm Sơn (huyện Anh Sơn)...

Đối với giáo dục theo quy định phải 8 lớp mới đạt chuẩn quốc gia, nếu như vậy thì những trường học ở một số xã vùng sâu, vùng xa khó có thể đạt được do con em ở xa nên các trường phải chia tách thành nhiều điểm trường. Hay việc dồn điền đổi thửa cũng không thực hiện được vì đất ruộng ở đây không bằng phẳng, dân không đồng tình khi triển khai.

Bên cạnh đó, nhu cầu về nguồn nhân lực để đầu tư thực hiện mục tiêu chương trình lớn ở cũng rất thiếu. Cán bộ phụ trách đa số là kiêm nhiệm nên còn lúng túng trong khâu triển khai thực hiện. Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM càng về sau sẽ càng khó khăn hơn.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, diện tích rộng, đồng bào dân tộc đa phần là hộ nghèo... rõ ràng việc áp dụng những tiêu chí chung về xây dựng NTM đối với địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chưa phù hợp nếu áp dụng tiêu chí giống nhau cho mọi địa bàn, miền xuôi cũng như miền núi, vùng dân tộc đa số cũng như vùng dân tộc thiểu số.

Vì thế, rất cần một cơ chế đặc thù để các huyện miền núi còn nhiều khó khăn có thể thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM phù hợp với đặc thù của mình.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.