| Hotline: 0983.970.780

Khổ vì con

Thứ Năm 08/04/2010 , 10:49 (GMT+7)

Tôi góa chồng từ năm bốn mươi lăm tuổi, có cả thảy 5 người con, ba trai hai gái. Chúng nó đều đã có gia đình hết cả. Những đứa làm nông thì nghèo khó, vợ chồng quanh năm cắn đắn nhau...

Chị Dạ Hương thân mến!

Tôi góa chồng từ năm bốn mươi lăm tuổi, có cả thảy 5 người con, ba trai hai gái. Chúng nó đều đã có gia đình hết cả. Con trai đầu thì lấy vợ ở khác huyện rồi ở rể bên ấy, đứa gái thứ hai có chồng xa, đứa trai thứ ba ở đầu làng, đứa gái thứ năm làm việc cùng chồng trên thị xã, đứa con trai út hiện ở gần tôi nhất.

Những đứa làm nông thì nghèo khó, vợ chồng quanh năm cắn đắn nhau. Tôi biết và rất thông cảm vì tôi dù từng tham gia Hội Phụ nữ xã thì cũng là nhà nông cả đây thôi. Nhưng sao tôi thấy tuổi già của tôi u buồn quá.

Như bao người, tôi có mấy sào ruộng hiện đã giao lại hết cho con trai út canh tác. Vườn thổ cư tôi cũng chia nửa cho chúng quây hai nhà hai hàng rào cây xanh cho con dâu tôi nó thấy chúng nó có chủ quyền, độc lập. Trong vườn tôi vẫn giữ cây chanh cây ổi cây khế cây bưởi của thời bố nó, tôi nuôi gà nuôi ngan nuôi lợn quần quật y như thời mình còn trẻ. Việc ấy không có gì đáng phàn nàn, tôi chưa đến bảy mươi, còn làm lụng được là còn khỏe mạnh, già mà ngồi một chỗ mau theo ông theo bà lắm đúng không chị?

Gần đây tôi thấy mình vướng nhiều bệnh, như khó thở, sưng khớp rồi đau bại một bên vai. Đứa con gái trên thị xã phóng về bảo bán vườn mẹ lên ở với vợ chồng chúng nó nhưng tôi rất sợ cảnh nhà phố xá chị ạ. Lại nữa tôi cũng không dành dụm được gì, nếu có bán đây thì cũng bán cho con út nhưng chúng nó chỉ muốn lấy không chứ không ra tiền đâu. Con dâu tôi ghê gớm lắm chị ạ, cái sự ghê gớm này có kể cả ngày cũng không hết. Đến lúc chuyện bệnh tật và trị liệu của tôi được thảo luận ở ngày giỗ của bố chúng nó mới đây thì tôi mới nói ra được những nguyên do vì sao tôi ở riêng như vậy, chăn nuôi như vậy mà không dư dả gì.

Là vì tôi phải chi viện cho thằng con cả ở rể khi nó cầu xin mẹ, nó cả mà không nhận được gì từ bố mẹ, lại con đông, học hành kém. Tôi cũng không thể làm ngơ với mấy đứa cháu ngoại ở xa, mỗi năm nó về giỗ hay về hè bà cũng đâu có tiễn bằng tay không được. Rồi đứa con thứ ba èo ọt từ nhỏ, nó lại không có sức khỏe và đầu óc của anh cả nữa, cứ thế tiền như gió vào nhà trống ấy chị ạ.

Đấy, đấy là nỗi niềm của tôi khi bệnh tật đuổi ở sau lưng rồi. Tôi mong được chị chia sẻ và cho một lời khuyên.

Xin chị đừng ghi tên và địa chỉ lên báo

Chị thương mến!

Tôi nhớ một lần ở bệnh viện thị xã quê tôi. Lần đó tôi về quê nuôi con dâu sinh, ở phòng đợi tôi nhìn thấy một bà cụ cỡ bảy mươi hơn, đi với một đứa cháu trai nhỏ. Hai bà cháu đều chân không dép, hiền lành nhưng rất nghèo. Hỏi ra thì bà vô đó chờ mổ cắt dạ con bị sa do hồi trẻ làm lụng quá. Hỏi thêm, sao cháu trai nhỏ xíu đi nuôi chứ không con gái con dâu gì cả? Thì ra bà có mười đứa con nhưng không ai chăm sóc, đứa con trai đầu đã “cử” con trai của mình nghỉ học để đi nuôi bà!

Chị thấy tinh cảnh của bà mẹ ấy bi đát không? Một mẹ nuôi 10 con được nhưng mười đứa con không lo nổi cho một mẹ già, thói thường là vậy. Nước mắt chảy xuôi mà. Không phải ai cũng tích cóp được cho mình trong khi cháu mình đói, con mình khổ. Có hai câu thơ rất đáng nhớ là “Tiền của con là tiền của nó/ Tai vạ của nó mới là của mình”. Hai câu này chí lý ở chỗ khi con nó giàu thì nó hưởng nhưng khi nó gặp sự cố trong đời thì mình phải gánh cùng, thế thôi. Bệnh tật, tai nạn, phá sản, tù đày, bất hạnh hôn nhân… bố mẹ nào cũng không đứng ngoài được.

Ai rồi cũng bệnh tật chung thân thì mới chết được. Chị còn làm lụng được là còn phúc đức cho các con đấy. Dĩ nhiên rồi sẽ 79, rồi sẽ 83 và những cái ngưỡng khác. Lúc ấy hẵng hay. Chị nên đi lên con gái thị xã để khám tổng quát và điều trị những bệnh rõ ràng đi đã. Không nghe chúng nó mà bán nhà đất đang ở, sống chết có số, con thì có rể, biết mình có sống được với rể không nữa. Con trai thì có vợ, con gái có chồng nó, ít phụ thuộc vào chúng là hay nhất, tự do muôn năm chị ạ. Vả lại, nguyện vọng của con út cũng không đáng bị lên án, có điều chúng nó hưởng mấy sào ruộng rồi, lại muốn nốt nửa vườn thổ cư nữa đâu có được. Chị hãy ở yên chỗ đó, bắt đầu dành dụm tiền cho bệnh tật, thể dục tại nhà, nếu còn mát tay thì chăn nuôi để có tiền phòng thân. Rồi mình sẽ qui tiên, có bọc lót cho những đứa nghèo mãi đâu mà chị cứ dúi tiền cho bọn kia hoài vậy.

Chị vẫn còn khỏe, còn sáng suốt và bệnh thế cũng chưa nhiều. Hãy lạc quan và can cường, chị nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm