| Hotline: 0983.970.780

Khổ vì màng phủ ni lông rởm

Thứ Tư 17/04/2013 , 12:25 (GMT+7)

Người dân trồng rau, hoa ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang rất bức xúc trước tình trạng nhà kính bị xuống cấp nhanh vì các loại màng phủ ni lông kém chất lượng.

Người dân trồng rau, hoa ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang rất bức xúc trước tình trạng nhà kính bị xuống cấp nhanh vì các loại màng phủ ni lông (plastic) kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng và gây thiệt hại kinh tế...

TẢ TƠI NHÀ KÍNH, NHÀ LƯỚI

Chúng tôi có mặt tại làng hoa truyền thống Vạn Thành (phường 5, TP Đà Lạt) chứng kiến những dãy nhà kính trồng hoa chưa hết thời gian bảo hành đã xuống cấp, chỉ còn trơ khung, màng phủ ni lông rách nát tơi tả bay phần phật trước gió.

Ông Nguyễn Công Hóa, số 85B Vạn Thành, phường 5 bức xúc: “Những tấm màng phủ ni lông này khi mua thấy trên bao bì nhà SX để thời hạn bảo hành chất lượng 3 năm, nhưng đưa về sử dụng mới chỉ được hơn 1 năm đã hư mất. Chỉ vì nhà SX ham lợi nhuận mà để người nông dân phải gánh chịu hậu quả thiệt thòi như thế này”.

Theo ông Hóa, với mỗi sào hoa nông dân phải đầu tư rất nhiều tiền, tính từ ngày trồng đến khi ra hoa phải mất cả năm trời. Thực tế, suốt năm đầu người trồng chưa có thu hoạch nhưng vẫn phải đầu tư chăm bón phân đều. Đồng thời phải sử dụng màng ni lông để làm nhà kính che phủ bớt tia cực tím của ánh sáng mặt trời và tránh mưa nhiều sẽ làm hư bông.

Ông Hóa cho hay, tính ra việc đầu tư mỗi nhà kính với giá thành bèo nhất cũng phải lên tới 150 triệu đồng, nhưng tuổi thọ chỉ được hơn 1 năm đã hỏng. Điều đáng lo là không chỉ là nhà kính bị xuống cấp mà cả vườn hoa đầu tư tốn kém bao năm cũng bị hư hỏng.

Tương tự, ở kế bên là vườn hoa của gia đình ông Vũ Hoàng Anh (số 58, Vạn Thành) nhà kính và màng phủ ni lông cũng đã hỏng, rách nát te tua đang bỏ mặc phơi giàn khung trước nắng gió.

Đứng trong vườn, ông Anh than vãn: “Không biết người ta làm ăn kiểu gì mà lỡ lừa bán cho chúng tôi màng phủ ni lông sử dụng chưa hết hạn bảo hành đã nát như mớ giấy vụn nhúng nước thế này. Khi bà con bức xúc phản ánh thì họ chỉ viện đủ lý do thoái thác trách nhiệm. Nói cho cùng thì trời mưa đất chịu, trăm dâu đổ đầu người dân cũng phải chịu thôi, chứ có thấy ai được đền bù thiệt hại bao giờ đâu?”.


Chủ vườn bức xúc về chất lượng màng phủ ni lông rởm

Gia đình ông Anh sau nhiều năm mới gom đủ vốn mua sắm được màng phủ ni lông lắp đặt cho nhà kính trồng hoa hết khoảng gần 200 triệu đồng. Thực tế vẫn còn nhiều “món” cần phải đầu tư cho cả khu vườn nhưng không thể một lúc gia đình lo xong hết được nên đành chấp nhận lấy ngắn nuôi dài. Ấy vậy mà, gặp cảnh nhà kính nát quá nhanh do mua phải màng phủ rởm khiến ông đang điên đầu chẳng biết kêu ai.

Chúng tôi hỏi: Để đầu tư có hiệu quả, những người trồng hoa lâu năm ở đây phải tính toán, lựa chọn các loại vật tư SX như thế nào để tránh được rủi ro đáng tiếc? Ông Anh lắc đầu phân trần: Thực ra dân cũng chẳng biết được hàng nào tốt thật hay tốt giả để mà lựa chọn, vì các nhà SX đều khẳng định “hàng tôi tốt, mắm tôi ngon, con tôi đẹp” cả, chứ ai nhận hàng hóa của mình xấu bao giờ?

Nhưng khi mua về sử dụng thì bà con mới tá hỏa vì đã “rinh” phải hàng kém chất lượng. Ngành chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng và chấn chỉnh hành vi SX, buôn bán gian dối để dân được nhờ…

NGUY CƠ MẤT TRẮNG

Làng hoa Thái Phiên, TP Đà Lạt có nhiều diện tích rau, hoa mới trồng và sắp cho thu hoạch bị ảnh hưởng lớn tới năng suất; thậm chí nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ nguy cơ bị mất trắng vì chất lượng màng phủ nhà kính. Đứng trước dãy nhà kính trồng hoa cẩm chướng, cát tường của mình, chủ vườn Phan Thanh Hùng (phường 11) rầu rĩ: “Dù gia đình tôi chỉ vừa mới đầu tư làm dãy nhà kính này được mấy tháng trời, vậy mà đã rách bươm như thế này, thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.

Những năm trước, nghe nhiều người giới thiệu sản phẩm màng phủ nhà kính của Cty TNHH Sinh thái Năng lượng (nhà phân phối sản phẩm màng ni lông của Hàn Quốc, đóng tại Đà Lạt), tham khảo giá cả thấy hợp lý, bao bì quảng cáo bền chắc, chế độ bảo hành 1 năm nên anh Hùng cùng một số bà con quyết định mua về sử dụng.

Tuy nhiên, khi bỏ tiền ra mua gần 700 kg màng phủ ni lông của Cty này đem về dựng nhà kính chỉ sau mấy tháng, toàn bộ 3.000 m2 nhà kính rách tả tơi, bục nát. Để chứng minh, anh Hùng kéo chúng tôi ra xem thực tế, chỉ cho xem những tấm ni lông rách, chỉ còn trơ lại bộ khung. Không còn màng che phủ, hết nắng chiếu đến gió lùa vào làm những luống hoa cát tường bị gãy đổ hàng loạt, có những luống đang chết dần vì sâu bệnh.

Theo người trồng hoa ở Thái Phiên, không có mái che, màng phủ ni lông thì hoa trồng trong nhà kính rất dễ bị lây nhiễm sâu bệnh. Nếu không được xử lý kịp thời sự cố màng phủ thủng rách, nhiều diện tích rau, hoa có thể mất trắng.

Nhiều hộ  đã báo cho nhà phân phối biết, đồng thời dùng biện pháp thủ công lấy băng keo dán chỗ thủng lại để tránh cho côn trùng có hại “tấn công” rau, hoa, cũng như tránh nắng mưa làm ảnh hưởng đến cây trồng. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn không có hiệu quả vì chỉ thời gian ngắn là các chỗ thủng khác xuất hiện, rồi toàn bộ diện tích màng phủ bị bục nát.

+ Bà Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Lâm Đồng:

Nhà kính bị xuống cấp nhanh và tình trạng này kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn cho người trồng rau, hoa. Hiện toàn tỉnh có trên 5.000 ha diện tích nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa CNC, phần lớn phải sử dụng ni lông làm nhà kính.

Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng ni lông kém chất lượng gây tổn thất cho nông dân Đà Lạt, nhưng việc giải quyết hậu quả chưa được triệt để. Nhiều nhà vườn đã kiến nghị cơ quan chức năng nhưng vẫn chờ hướng giải quyết.

+ Ông Đoàn Văn Quỳnh, chủ vườn hoa Anh Quỳnh (44B, Vạn Kiếp, phường 8, TP Đà Lạt):

Màng phủ ni lông trước đây có nhiều nước SX, nhưng mấy năm gần đây rộ lên sản phẩm của Trung Quốc tràn ngập thị trường. Có nhiều trường hợp mua phải hàng rởm về sử dụng chỉ được thời gian ngắn đã hư hỏng. Khi tìm theo địa chỉ để bắt đền thì Cty này đã trốn về Trung Quốc. Hiện chất lượng màng phủ ni lông trên thị trường không được đồng đều khiến người dân vẫn phải chịu sự rủi ro cao.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.