| Hotline: 0983.970.780

Khó xây dựng NTM vì mất đất canh tác

Thứ Năm 17/05/2012 , 10:17 (GMT+7)

Hòa Liên - một trong 4 xã miền núi của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) - đang đối mặt với khó khăn gay gắt trong việc ổn định đời sống và xây dựng NTM.

Hộ nông dân chuyển sang buôn bán khi đất canh tác bị thu hồi nhưng ế ẩm

Là một trong 4 xã miền núi của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), diện tích tự nhiên 3,8 km2, dân số trên 13 nghìn người với 3425 hộ, Hòa Liên như đại công trường với nhiều dự án đang triển khai. Hơn 1500 hộ nằm trong diện giải tỏa, hàng trăm ha đất nông nghiệp đã san lấp, địa phương này đang đối mặt với khó khăn gay gắt trong việc ổn định đời sống và xây dựng NTM.

Hồi các dự án chưa về trên đất Hòa Liên, xã miền núi này có 507 ha đất canh tác lúa. Nước tưới ổn định từ hồ Hòa Trung, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của người dân. Không thể làm giàu từ đất, song thu nhập từ lúa, khoai cũng giúp bà con Hòa Liên ổn định đời sống, thôn xóm từng bước thay da đổi thịt và cũng trù phú như các nơi khác.

Hiện nay, Hòa Liên chỉ còn hơn 300 ha đất canh tác, trong đó 70 ha của thôn Trường Định vừa kém màu mỡ vừa không chủ động nước tưới, 17 ha tuy chưa nằm trong quy hoạch nhưng ảnh hưởng từ các dự án đang bỏ hoang. Nghề trồng hoa ở thôn Vân Dương 1 vừa khẳng định ưu thế về thu nhập đang có nguy cơ không thể duy trì do giải tỏa. Sau khi hơn 200 ha đất canh tác bị thu hồi, hàng nghìn lao động đang lâm vào cảnh không có việc làm. Việc giải tỏa đền bù nhà cửa còn khá nhiều vướng mắc, chưa bàn giao mặt bằng, tái định cư chậm triển khai, từ đó hàng nghìn hộ còn lâu mới an cư lạc nghiệp.

Theo khảo sát của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Hòa Vang, hiện nay Hòa Liên là một trong 2 xã chỉ đạt 6/19 tiêu chí, thấp nhất huyện. Đạt thấp cũng phải, bởi gần 2/3 số thôn ở xã này nằm trong diện giải tỏa. Ngay cả vấn đề quy hoạch NTM xã này cũng gặp khó khăn nhất. Đâu đâu cũng san lấp mặt bằng, các khu đô thị mới đã và đang hình thành, các khu công nghiệp quy mô lớn sẽ xây dựng, liệu rồi nay mai vùng này có là nông thôn nữa để mà quy hoạch. Với thực trạng đó, chắc chắn Hòa Liên là địa phương khó đạt các tiêu chí về xây dựng NTM.

Việc làm, thu nhập cho người lao động đã và đang là vấn đề nan giải nhất ở Hòa Liên hiên nay. Ông Võ Như Cường, trưởng thôn Quan Nam 5, cho biết: thôn có 215 hộ đều thuộc diện giải tỏa trắng. Bao đời nay, bà con chỉ biết mưu sinh từ đồng ruộng. Nay ruộng không còn biết làm gì để có thu nhập. Lớp trẻ còn có điều kiện đi đây đó kiếm việc, lao động lớn tuổi đành chịu. Trước đây, hộ nào cũng có dăm ba sào ruộng, chăn nuôi thêm heo gà, nguồn thu khá ổn định cho đời sống gia đình. Còn nay, ai cũng rỗi mà như ngồi trên đống lửa. Tiền đền bù 38 triệu đồng/sào ruộng, chi tiêu ít bữa là hết. Ông cho biết thêm: Hầu hết bà con ở đây chưa đồng tình với giá đền bù đất ở và vật kiến trúc. Mặt tiền đường Nguyễn Bá Phát mà chỉ 260 nghìn đồng/m2 là quá thấp. Đây là nguyên nhân hầu hết hộ dân chưa nhân tiền đền bù, bàn giao mặt bằng.

Làm cách nào để tháo gỡ khó khăn ở Hòa Liên, đẩy nhanh công cuộc xây dựng NTM? Ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã, cho rằng: hiện tại thu nhập của hàng nghìn hộ đã mất cân đối sau khi đất canh tác bị thu hồi. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ trên và các cơ quan chức năng, thu nhập đời sống của đại bộ phận hộ dân trong xã sẽ đối mặt với khó khăn gay gắt.

Trao đổi về giải pháp, ông Thu cho rằng: Trước mắt huyện Hòa Vang và thành phố cần khẩn trương quy hoạch vùng trồng hoa, vùng chăn nuôi tập trung để địa phương đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, chú trọng thâm canh số diện tích đất nông nghiệp còn lại. Hiện nay, một số khu vực đang gặp khó khăn về nước tưới do kênh mương đi qua vùng san lấp mặt bằng. Về giải quyết việc làm, với lao động trẻ sẽ động viên họ xin việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp. Về lâu dài, chuẩn bị cho nhân lực các khu công nghiệp sẽ hình thành trên địa bàn xã, cơ quan chức năng cần ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên địa phương phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, để nhiều người được nhân vào làm việc. Bên cạnh đó, xã sẽ triển khai chuyển đổi ngành nghề, nhất là phát triển lĩnh vực TM-DV. Với lao động lớn tuổi sẽ mở mang hoạt động trồng nấm, trồng rau, hoa… Để chống ngập úng vào mùa mưa, các đơn vị thi công dự án khẩn trương khơi thông dòng chảy và xây dựng hệ thống kênh thoát theo thiết kế.

Đó là một giải pháp đúng nhưng thực hiện được hay không lại là một chuyện còn nan giải!

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất