| Hotline: 0983.970.780

Ông Phạm Quang Tuyến - Tổng Giám đốc Công ty CP Supe PP&HC Lâm Thao:

Khốc liệt cuộc chiến chống lại 'phân cỏ'

Thứ Hai 05/02/2018 , 07:25 (GMT+7)

Khác với các loại phân bón giả, phân bón rởm có thể kéo cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc để dẹp bỏ thì phân bón công nghệ “cuốc xẻng” ăn theo các thương hiệu lớn lại hoàn toàn hợp pháp vì lách luật, hoành hành dữ dội nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, dân trí thấp.

Cuộc chiến với loại phân bón này dự báo sẽ rất cam go, lâu dài. Dưới đây là góc nhìn của một người trên chiến tuyến chống lại các loại phân bón ăn theo…

Ông Phạm Quang Tuyến, Tổng Giám đốc Công ty CP Supe PP&HC Lâm Thao mở đầu cuộc nói chuyện với tôi bằng một nhận định: Thị trường phân bón của nước ta thực sự đang là một cuộc chiến với tràn lan đủ loại, tốt có xấu có. Trong cả nước hiện có hơn 14 nghìn sản phẩm phân bón vô cơ lẫn hữu cơ với hơn 700 nhà máy sản xuất. Ước tính, tổng năng lực sản xuất phân bón mỗi năm tại Việt Nam đạt khoảng 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần nhu cầu của sản xuất nông nghiệp (10-11 triệu tấn). Trên thị trường xuất hiện nhiều phân bón giả, kém chất lượng mà đặc biệt nhiều là các loại NPK.

Ông Phạm Quang Tuyến-Tổng Giám đốc Công ty CP Supe PP&HC Lâm Thao

Ngành sản xuất phân bón của Trung Quốc lớn mạnh là thế mà chỉ có khoảng 200 loại NPK còn mình có hơn 1.000 loại NPK. Ai muốn sản xuất thế nào cũng được cốt là NPK hàm lượng dinh dưỡng chứ đúng ra chỉ có hàm lượng cao 40% trở lên, hàm lượng trung bình. Ở ta đang loạn thị trường phân bón thấp cấp. Vỏ bao các loại phân này có nhiều tiểu xảo, các biểu tượng, mẫu mã, hướng dẫn sử dụng giống gần như y đúc của các doanh nghiệp phân bón uy tín. Bên ngoài đẹp đẽ nhưng hàm lượng dinh dưỡng bên trong thì ngược lại, rất hạn chế. Tình trạng này khiến cho cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất phân bón làm ăn chân chính đều bị thiệt thòi.

Tình trạng “Trăm hoa đua nở” khiến cả Nhà nước lẫn nông dân đều thiệt thòi, không được lợi lộc gì vì nhà nước nhiều sản phẩm thì khó quản lý còn  nông dân nhiều sản phẩm thì hoa mắt chóng mặt không biết chọn loại gì. Nông dân muốn tìm mua phân bón tốt nhưng gặp khó vì đại lý làm cho thị trường méo mó, giả tạo. Họ cất phân bón tốt đi không muốn bán hoặc bán chỉ làm chất dẫn để đẩy các loại phân bón hàm lượng dinh dưỡng thấp nhưng có chiết khấu lớn.

Với hàng giả, hàng rởm thì công an, quản lý thị trường còn vào cuộc để dẹp bỏ nhưng đấu tranh với các loại hàng ăn theo như thế này sẽ rất khó khăn?

Đúng thế! Bởi Việt Nam chưa có bộ quy chuẩn sản phẩm cho phân bón nên chúng phát triển tràn lan đủ loại, khó quản lý chất lượng khi được trộn thủ công bằng xoong, chổi, xẻng, hầu hết ăn theo các thương hiệu lớn, có uy tín. Theo tôi, quy chuẩn cho ngành sản xuất phân bón phải giống như quy chuẩn xi măng kiểu mác PC bao nhiêu, doanh nghiệp nào sản xuất sai quy chuẩn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

Chất lượng phân bón đang rất khó phân biệt

Thị trường của các loại “phân cỏ” ăn theo các thương hiệu lớn thường ở vùng nào thưa ông?

Các loại “phân cỏ” ăn theo này trải dài trên khắp cả nước nhưng phổ biến nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Công ty chúng tôi chỉ quản lý mấy chục đại lý cấp 1. Dưới đại lý cấp 1 là hàng ngàn đại lý cấp 2. Dưới đại lý cấp 2 là hàng vạn đại lý cấp 3. Chúng tôi không thể với tay xuống tận đại lý cấp 2, cấp 3 được.

Nhiều nhà phân phối trước đây theo thị trường sẵn có đã núp dưới danh nghĩa anh em họ hàng để sản xuất ra các loại phân bón dạng ăn theo rồi bán. Do không có ai cảnh báo cho người nông dân nên cứ thấy giống bao phân loại tốt là họ mua dù hàm lượng dinh dưỡng bên trong chỉ bằng 1/2 nhưng giá lại bằng 2/3. Bà con bị các chiêu trò làm cho lúng túng, không biết cách nhận biết nhất là các chiêu trò của các đại lý cấp 3. Khi lợi nhuận cao họ sẵn sàng bất chấp tất cả.

Phần lớn các loại “phân cỏ” dạng trên đều kém chất lượng. Có nhiều người đang hiểu sai về hàm lượng dinh dưỡng của phân bón. Hàm lượng dinh dưỡng này phải là hữu hiệu chứ còn phân bón NPK có thành phần từ đá vôi cũng có. Loại đó cây trồng không hấp thu được nhưng nhà sản xuất cũng vẫn cứ in đàng hoàng hàm lượng dinh dưỡng trên vỏ bao chỉ để đánh lừa, trục lợi trên lưng người nông dân.

Để đấu tranh với các loại phân bón ăn theo này, Lâm Thao đang tìm cách làm khác đi như logo in to ra, thay đổi mẫu mã, mở rộng các hội nghị đầu bờ đến tận thôn xã để tuyên truyền cách nhận biết nhưng quan trọng hơn là phải liên tục cải tiến chất lượng để luôn là tốt nhất.

Chúng tôi nghiên cứu thổ nhưỡng theo đặt hàng của các đại lý để sản xuất riêng phân bón cho từng vùng, từng loại cây trồng khác nhau như cam Cao Phong, khoai tây Thái Bình, bưởi Đoan Hùng, cà phê Tây Nguyên…cũng như hướng dẫn cụ thể giai đoạn nào thì bón lót, giai đoạn nào thì bón thúc. Làm sao để khi bón phân không chỉ giúp tăng chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn cải thiện chất đất, hạn chế tối đa sâu bệnh. Các thửa ruộng không dùng phân bón đúng cách sẽ rất nhiều sâu bệnh bởi dinh dưỡng thiếu cân đối.

Chúng tôi hàng năm liên tục tạo mở hàng ngàn các hội nghị đầu bờ, mô hình trình diễn để nhân rộng các cách bón phân khoa học đồng thời đẩy lùi nạn phân rởm, phân giả, phân ăn theo. Đặc biệt là năm 2018, Lâm Thao sẽ cho ra đời NPK-S hàm lượng cao đi từ ure hóa lỏng có thể dùng cho nhiều loại cây trồng. Hiện nay phân bón hàm lượng cao có rất ít cơ sở ăn theo, làm nhái được vì trộn hàm lượng thấp thì họ có thể bằng cuốc xẻng nhưng hàm lượng cao phải đầu tư rất lớn, công nghệ hiện đại nên họ không thể đuổi kịp. Phân bón hàm lượng trung bình như NPK-S 5.10.3-8 đang có hàng ngàn loại nhưng NPK 16.16. 8-6 cả nước chỉ có vài chục loại là vì thế. Bởi vì NPK-S 5.10.3-8 của Lâm Thao đã đi vào sâu vào lòng dân nên càng bị làm giả nhiều vì chỉ cần xô, chổi, xẻng là phối trộn được nguyên liệu cùng phụ gia. Hàm lượng dinh dưỡng càng thấp thì lợi nhuận của doanh nghiệp dạng này lại càng cao.

Ảnh: D.Đ.T

Sản xuất phân bón hàm lượng cao là cách gián tiếp để chống lại nạn ăn theo các thương hiệu uy tín, đồng thời thay đổi thói quen sử dụng của bà con vì năng suất cao hơn, mang vác nhẹ nhàng hơn. Với 55 năm tồn tại và phát triển, Lâm Thao làm gì cũng bài bản. Bởi thế mà Supe lân của chúng tôi đã xuất khẩu đi trên 10 nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand, Malaysia…với số lượng 7-8.000 tấn xuất khẩu mỗi năm. Khó tính như Nhật Bản mà vẫn dùng phân bón Lâm Thao thì làm sao mà bà con trong nước lại có thể không tin tưởng? 

Theo ông có cách nào để cho thị trường phân bón đỡ hỗn loạn?

Nghị định 108 của Chính Phủ là định hướng đúng đắn khi quy định doanh nghiệp sản xuất phân bón phải tiến hành khảo nghiệm mới được cấp phép, các đại lý bán phân bón phải có trình độ, được đào tạo, có điều kiện ràng buộc cụ thể nếu không sẽ bị đóng cửa. Nghị định này mang tính tích cực sẽ giúp người dân dễ chọn lựa hơn nhưng lộ trình thực hiện của nó theo tôi là hơi dài. Phải đưa nó vào cuộc sống sớm hơn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm