| Hotline: 0983.970.780

Khởi đầu diesel sinh học từ cây Jatropha

Thứ Ba 25/06/2013 , 10:32 (GMT+7)

Viện Hoá học công nghiệp VN hoàn thành đề tài cấp Nhà nước công nghệ SX dầu sinh học biodiesel đã mở ra một hướng làm ăn kinh tế mới cho người nông dân qua trồng cây nguyên liệu Jatropha.

Trước sự cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch, ô nhiễm môi trường do sử dụng nguồn nguyên liệu truyền thống, phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học được xem là giải pháp thích hợp đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Viện Hoá học công nghiệp VN hoàn thành đề tài cấp Nhà nước công nghệ SX dầu sinh học biodiesel đã mở ra một hướng làm ăn kinh tế mới cho người nông dân qua trồng cây nguyên liệu Jatropha.

Ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025” và Quyết định số 1842/QĐ-BNN-LN của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về nghiên cứu, phát triển và sử dụng cây cọc rào (Jatropha Curcas L.) làm nguyên liệu chế biến dầu biodiesel.

CHƯƠNG MỚI CỦA DẦU SINH HỌC

Người dân cả nước hầu hết đều nghe và biết tới sản phẩm xăng sinh học E5 (xăng pha 5% etanol), song với sản phẩm dầu sinh học B5 (dầu diesel pha 5% biodiesel) vẫn còn khá mới mẻ. Theo PGS.TS Vũ Thị Thu Hà, Viện Hóa học công nghiệp VN, trong những năm qua, Viện tiến hành một loại đề tài, dự án cấp TCty, cấp Bộ và Nhà nước nhằm hoàn thiện công nghệ SX biodiesel, triển khai SX thử nghiệm dầu sinh học gốc (biodiesel-B100) theo công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc.

Năm 2007, Viện Hóa học công nghiệp VN (Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu) được giao thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Đánh giá hiện trạng công nghệ SX và thử nghiệm nhiên liệu sinh học từ mỡ cá nhằm góp phần xây dựng tiêu chuẩn VN về biodiesel”.

Mục tiêu, đánh giá hiện trạng công nghệ SX biodiesel ở VN, hoàn thiện công nghệ SX biodiesel từ mỡ cá quy mô 2.000 kg/mẻ, tạo ra nhiên liệu sinh học B100 đạt tiêu chuẩn VN. Từ tháng 5 - 6/2013, Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu (Viện Hóa học VN) và Cty CP Đại Đồng - Touchwood đã cho ra đời một số lượng đáng kể Biodiesel B100 đạt tiêu chuẩn VN.


GĐ phát triển thị trường Cty Touchwood Asia thăm Trung tâm Giống của Cty tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Có một thực tế, phần lớn các Cty SX thử nghiệm biodiesel ở VN hiện đang sử dụng công nghệ xúc tác kiềm đồng thể. Công nghệ trên có nhược điểm là kén chọn nguồn nguyên liệu (cần nguyên liệu có hàm lượng axit béo rất thấp) hoặc buộc phải có bước tiền xử lý axit béo tự do khi nguyên liệu có hàm lượng axit béo tự do trên 4%; điều này khiến cho vấn đề nguyên liệu đang là vướng mắc lớn nhất cho sự phát triển công nghệ SX biodiesel tại VN.

Để khắc phục, dự án của Viện Hóa học công nghiệp VN đã lựa chọn công nghệ xúc tác dị thể liên tục độc quyền của hãng SMPOT (Hàn Quốc) sử dụng xúc tác axit trên chất mang ceramic. Công nghệ này có khả năng chuyển hóa mọi loại nguyên liệu có trị số axit khác nhau, thậm chí cả axit béo (trị số axit đến 200 mg KOH/g).

Dự án đặt ra mục tiêu chính, tận dụng nguồn nguyên liệu dầu thải và axit béo chưng cất trong quá trình SX dầu ăn, từ dầu hạt cây jatropha, hạt cao su… sẵn có trong nước để SX biodiesel gốc B100, phục vụ một phần nhu cầu nhiên liệu sinh học biodiesel B5 trong nước. 

Tiến tới triển khai dự án SX 30.000 tấn B100/năm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, dự án vừa hoàn thành giai đoạn SX thử nghiệm, mở ra một hướng mới trong việc đưa dầu sinh học vào thị trường, góp phần giải bài toán năng lượng, môi trường và cuộc sống cho người nông dân.

JATROPHA “VỆ SĨ SINH THÁI”

Sau khi Viện Hóa học công nghiệp VN hoàn thành giai đoạn 1 công nghệ SX dầu sinh học biodisel, Cty CP Đại Đồng - Touchwood vinh dự trở thành đơn vị tiên phong chịu trách nhiệm mở rộng quy mô SX dầu sinh học cũng như đưa sản phẩm ra thị trường.

Với những nỗ lực vượt bậc trong việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học vào SX, trong thời gian ngắn, Đại Đồng - Touchwood áp dụng thành công chương trình canh tác cây lâm sản hiệu quả cao và SX thử nghiệm thành công dầu diesel sinh học từ hạt Jatropa, góp phần phát triển kinh tế kết hợp với phát triển xã hội, chống biến đổi khí hậu và bảo tồn rừng tại VN.

Ông Nguyễn Hữu Chỉnh, Tổng Giám đốc Đại Đồng - Touchwood chia sẻ, hiện đơn vị đã kết hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp VN, Tập đoàn Touchwood (Úc), Cty CP Năng lượng xanh Hoa Kỳ, Viện Nghiên cứu dầu & cây có dầu (TP.HCM) trồng thử nghiệm và đại trà hàng ngàn ha cây Jatropha lấy hạt SX dầu sinh học (Biodiesel) tại các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội, Ninh Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên...

Chuẩn bị đầu tư trồng mới 220 ha cây Jatropha giống lấy hạt làm giống và nguyên liệu chế biến dầu dieselsinh học tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ngoài ra, Cty kết hợp trồng xen các loại cây đàn hương, dó trầm, tre gỗ… để chắn gió, tránh độc canh và trồng xen gừng, nghệ, cây thuốc nam và cây thầu dầu trong 3 năm đầu khi Jatropha chưa phát tán đầy đủ nhằm  tăng hiệu quả của dự án.

Theo các tài liệu khoa học, hạt Jatropha có hàm lượng dầu trên 30%, từ hạt ép ra dầu thô, từ dầu thô tinh luyện được diesel sinh học và glyxerin. Mặc dầu diesel sinh học được SX từ nhiều loại nguyên liệu: cải dầu, hướng dương, đậu tương, dầu cọ, mỡ động vật… nhưng SX từ Jatropha vẫn có giá thành rẻ nhất, chất lượng tốt.


Hệ thống dây chuyền lọc dầu sinh học của Đại Đồng - Touchwood đặt tại Viện Hóa học công nghiệp VN

Nếu 1 ha Jatropha đạt năng suất 8 - 10 tấn hạt/ha/năm có thể SX được 3 tấn diesel sinh học. Loại dầu này sẽ thay thế được 1 phần dầu diesel truyền thống đang cạn kiệt, giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, là loại dầu cháy hết và không có lưu huỳnh, thân thiện với môi trường.

Hạt Jatropha sau khi ép dầu, 30% là sản phẩm dầu, 70% là khô dầu, có hàm lượng protein khoảng 30%, dùng để chế biến phân hữu cơ quý, bánh than sưởi ấm không độc, ngoài ra nếu khử hết độc tố có thể chế biến làm thức ăn gia súc cao đạm...

Cũng theo ông Chỉnh, hiện nay vẫn còn một số hoài nghi về cây Jatropha do một số đơn vị tham gia trồng loại cây này đã thất bại. Nhưng ông Chỉnh bật mí, giống Jatropha mà Đại Đồng - Touchwood sẽ trồng tại VN (nhập từ nước ngoài) có hàm lượng dầu đạt tới 41% và năng suất sẽ đạt tới 18 tấn hạt/ha/năm nên hiệu quả kinh tế sẽ rất cao.

Mặt khác, việc trồng cây Jatropa để SX nhiên liệu được FAO khuyến khích vì không sử dụng cây lượng thực (như đậu nành, ngô, khoai, sắn…) làm nhiên liệu, vùng trồng cây Jatropa không chồng lấn với các vùng đất trồng cây lương thực nên đã giải quyết được vấn đề thiếu lương thực khi phát triển nguồn năng lượng sinh học. 

Dầu sinh học biodiesel sau khi SX thành công sẽ được pha với diesel từ dầu hóa thạch để SX nhiên liệu sinh học B5, khi sử dụng B5 không cần phải thay đổi thiết kế của máy móc, động cơ. Thậm chí, một số quốc gia đã sử dụng dầu Jatropa để SX nhiên liệu sinh học cho máy bay.

+ Giả thiết, 1 ha Jatropha đạt 10 tấn hạt/năm sẽ thu được các loại sản phẩm chủ yếu có giá trị là dầu Jatropa nguyên liệu cho SX biodiesel: 3 tấn x 700 USD/tấn = 2.100 USD; bã khô dầu: 7 tấn x 300 USD/tấn = 2.100 USD.

Như vậy, 1 ha Jatropha tạo ra giá trị khoảng 4.200 USD/năm (hơn 60 triệu đ/ha/năm), lợi nhuận thu được sẽ phân phối cho nông dân SX nguyên liệu và nhà đầu tư công nghiệp chế biến dầu.

+ Một ưu điểm khác của cây Jatropha là phủ đất cực kỳ tốt, tuổi thọ 50 năm, sinh trưởng phát triển được ở hầu hết các loại đất xấu, nghèo kiệt, đất dốc, đất sỏi đá, không cháy, gia súc không ăn.

Bởi vậy, cây Jatropha trồng trên các vùng đất dốc sẽ được coi là cây lấp lỗ hổng sinh thái ở các vùng sinh thái xung yếu miền núi, sớm tạo ra thảm thực bì dày đặc chống xói mòn, làm đường băng cản lửa, nâng cao độ phì của đất.

Không những vậy, Jatropha còn có thể trồng ở các vùng đất sa mạc hóa, bãi thải sau khai thác khoáng sản, góp phần phục hồi hệ sinh thái các vùng này. Vì vậy, cây Jatropha được đánh giá là "vệ sĩ sinh thái", tạo ra hiệu ứng to lớn về bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những 'điểm nóng' về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất