| Hotline: 0983.970.780

Khơi dậy sức mạnh nguồn cội

Thứ Năm 06/04/2017 , 07:30 (GMT+7)

“Đồng bào - hai tiếng thiêng liêng lắm! Nó xuất phát từ truyền thuyết Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng nở ra trăm con. Hai tiếng đồng bào đi sâu vào trong tâm hồn của người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử trường tồn của dân tộc", Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an).

17757887-800758026742866-1064588264-n173608741
Thiếu tướng Lê Văn Cương


Sức mạnh dân tộc thấm sâu vào trái tim, khối óc người Việt

Thưa Thiếu tướng! Câu ca "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giổ Tổ mùng 10 tháng 3" gợi lên điều gì trong ông?

Mỗi người dân Việt Nam khi nghe câu ca ấy đều cảm thấy thiêng liêng và nhận thấy mình càng phải có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc. Câu ca ấy chạm đến đáy lòng nơi sâu kín nhất của tâm hồn người Việt. Cảm giác đó tựa như trong đêm thanh vắng nghe được tiếng chuông chùa ngân lên, gợi lên nỗi nhớ về nguồn cội. Chúng ta dù ở cương vị nào, ở trong hay ngoài nước cũng không thể quên ơn cha ông ta đã đặt nền móng trường tồn cho dân tộc.

Thời đại nào thì sức mạnh dân tộc cũng có vì chúng ta có “nguồn cội, gốc rễ” như thế. Qua những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, hai chữ “đồng bào” vẫn thiêng liêng với con Lạc cháu Hồng. Thiếu tướng có bình luận gì về sức mạnh cội nguồn dân tộc Việt Nam mà ông chứng kiến, nghiên cứu?

“Đồng bào”, hai tiếng thiêng liêng lắm. Nó xuất phát từ truyền thuyết Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng nở ra trăm con. Hai tiếng đồng bào đi sâu vào trong tâm hồn của người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử trường tồn của dân tộc. Lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời Hùng Vương đến nay trải qua khoảng 2.700 năm dựng nước và giữ nước, trong đó có khoảng 1.200 năm sống trong trạng thái căng thẳng đối phó với giặc ngoại xâm. Từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt đều mang lại niềm tự hào vẻ vang cho dân tộc.

Chúng ta biết rằng, thế kỷ XIII, gót chân quân Nguyên rải khắp Mạc Tư Khoa, Bắc Âu, Trung Á, Thái Lan… thế mà đặt chân đến đất Việt đã bị nhà Trần đánh cho tan tác…

Thời đại Hồ Chí Minh, sau Cách mạng tháng 8/1945 lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á là 9 năm kháng chiến trường kỳ với trận Điện Biên Phủ 1954 chấn động địa cầu; vang dậy núi sông bằng đại thắng mùa xuân năm 1975 như một khúc khải hoàn ca.

Chính những trận quyết chiến chiến lược trong chiều dài lịch sử 2.700 năm có thể thấy lòng yêu nước tạo nên sức mạnh dân tộc thành một phản ứng tự vệ mang tính bản năng của người Việt. Xương chất thành núi, máu chảy thành sông không mặc nhiên hai từ đồng bào này nó gắn liền cố kết chặt chẽ như thế.

Trong suốt 1.200 năm chiến tranh, nhiều quốc gia lớn mạnh hơn chúng ta cả về sức mạnh quân sự, tiềm lực kinh tế gấp 30 - 50 lần nhưng đều thua cuộc khi đối mặt với nhân dân Việt Nam. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó.

Điều gì làm nên niềm tự hào đó thưa Thiếu tướng?

Đấy chính là cội nguồn của sức mạnh dân tộc. Triết lý của người Việt Nam là lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Chính chủ nghĩa yêu nước đã cắm rễ sâu vào trong bản năng và tình cảm người Việt Nam, đến mức độ các tôn giáo ngoại nhập vào đây cũng chấp nhận lòng yêu nước của Việt Nam.

11-11-14_nh-16
Con Lạc cháu Hồng nổi trống nhớ ngày giỗ Tổ

Chúng ta nên nhớ rằng, đạo Ky-tô giáo đã hình thành hơn 2.000 năm lan tỏa khắp hành tinh, thịnh hành ở 150 quốc gia vùng lãnh thổ nhưng vào Việt Nam mới gọi là kính Chúa và yêu nước. Trên hành tinh này không ở đâu có điều đó. Ky-tô giáo, công giáo muốn tồn tại ở Việt Nam bị khúc xạ thông qua lòng yêu nước. Xin khẳng định, Ky-tô giáo không thể đè bẹp lòng yêu nước. Muốn tồn tại ở Việt Nam dứt khoát, chức sắc và giáo dân phải chấp nhận đặt trên giá đỡ là yêu nước.

Điều này tạo nên bản chất chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam. “Đồng bào”, cộng hưởng vào nhau tạo nên sức mạnh bản năng, nó lớn dần tạo nên nhân lõi của văn hóa Việt. Đoàn kết, cộng đồng với nhau tạo nên sức mạnh dân tộc thấm sâu vào trái tim, khối óc người Việt.
 

Văn hóa là bệ phóng cho mỗi quốc gia

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn như vậy. Là một nhà nghiên cứu, ông có suy nghĩ gì với thông điệp trên của Người?

“Nước” - theo quan niệm của Hồ Chủ tịch bao gồm không gian sinh tồn của người Việt, ấy là vùng đất, vùng trời, vùng biển. Không gian ấy là hồn cốt của dân tộc 2.700 năm đã lắng đọng tạo nên những mốc son lịch sử.

“Giữ” ở đây là giữ lấy không gian sinh tồn và cốt cách văn hóa của người Việt. Mỗi chúng ta có trách nhiệm tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống sáng tạo dựng nước, giữ nước và hồn cốt rực rỡ của văn hóa dân tộc. Đây chính là hành trang hội nhập cho chúng ta.

Tôi muốn nhấn mạnh, văn hóa là bệ phóng cho mỗi quốc gia phát triển thịnh hành. Hồ Chủ tịch nói rất ngắn gọn, dễ hiểu nhưng rất thâm sâu tầm tư tưởng mà mỗi thế hệ người Việt phải có trách nhiệm với giang sơn gấm vóc.

Trong quá trình hội nhập, người Việt ra thế giới phải có phong thái đĩnh đạc, lịch lãm nhưng hết sức bao dung, nhân hậu, hòa đồng với cộng đồng quốc tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Thưa Thiếu tướng, ông có nhắc đến tâm thế hội nhập của đất nước trong xu thế toàn cầu hóa. Vậy ông đánh giá như thế nào về tâm thế của Việt Nam những năm đầu đổi mới và hiện tại?

Ai đã từng chứng kiến thời kỳ những năm 1985-1988, đất nước chúng ta trải qua một giai đoạn thấp nhất do khủng hoảng kinh tế. Lúc đấy, ngay cả lãnh đạo ra các diễn đàn quốc tế cũng ít người thăm hỏi bắt tay, chào đón, thậm chí họ còn xa lánh. Cái nỗi nhục của một nước yếu trên bàn cờ thế giới là vậy. Có những hội nghị thế giới mà lãnh đạo chúng ta lầm lũi đến dự vì họ mời với ý nghĩa ngoại giao. Đấy là tâm thế của một nước khó khăn, nội lực yếu kém.

Còn bây giờ như mọi người đã biết, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới. Chúng ta đã hội nhập sâu rộng với hàng chục định chế quốc tế. Việt Nam đã đảm đương một cách có trách nhiệm, hoàn thành tốt trọng trách một nhiệm kỳ trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Nguyên thủ Việt Nam đi ra nước ngoài tại diễn đàn quốc tế đa phương hay song phương lúc này đều tạo ra sức hút mãnh liệt, người ta chào hỏi, nghênh đón. Hiện chúng ta thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 13 quốc gia, trong số 5 Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thì có 4 đối tác chiến lược, riêng Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên rất cao.

Từ những phân tích trên, theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị những gì cho nội lực để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước trong tình hình mới?

Theo tôi, có hai nhân tố cơ bản. Thứ nhất là một nền kinh tế phát triển có sức cạnh tranh ngang ngửa với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Vào chợ của thế giới rồi mà sức cạnh tranh hàng hóa dịch vụ của mình còn quá yếu kém. Điều này làm hạn chế trực tiếp đến nội lực.

Thứ hai là nhân tố tinh thần của nội lực. Sự cố kết dân tộc trên dưới một lòng là quan trọng. Năm 1300 khi vua Trần đến bên giường bệnh thăm Trần Hưng Đạo, vua Trần có hỏi mai này tiên sinh có mệnh hệ gì thì kế sách giữ nước như thế nào? Trần Hưng Đạo bình thản đáp: “Trên dưới đồng lòng, vua tôi hòa thuận, thời bình khoan thư sức dân. Đấy là kế sách trăm năm giữ nước”. Đến giờ câu nói đó vẫn đúng.

nh-1-1110708405
Người dân cả nước nô nức về Giỗ Tổ

Về mặt cố kết tinh thần, thực ra chúng ta chưa tạo ra được sức mạnh. Vì sao? Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nghiêm khắc phê phán: “Trong khi ở nhiều nơi đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm thì có những cán bộ đảng viên chỉ lo vun vén cá nhân xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén xa hoa, thậm chí có người vô trách nhiệm với nhân dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số lợi dụng chức quyền, vơ vét, đục khoét tài sản của Nhà nước, của tập thể trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội”.

Hay nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước của dân, do dân và vì dân lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay. Đó là tư bản thân hữu, lợi ích nhóm, sân sau của gia đình, xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp phe” lớn mang lại lợi ích khủng cho một số cá nhân và phe nhóm, gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế.

Từ thực tế đó, tôi khẳng định rằng, cố kết nội bộ dân tộc đang có vấn đề. Ở đó tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí cùng với tha hóa chính trị đạo đức lối sống đã làm suy giảm lòng tin của Đảng và nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến nội lực của dân tộc.
 

Phải biết hổ thẹn với tiền nhân

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng viết “Tự hào với những gì đã làm được, nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc”.

Thực tế cho thấy những năm gần đây xuất hiện nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực khá lớn, phần nào làm xói mòn niềm tin trong nhân dân. Theo ông, chúng ta cần làm gì để nội lực mạnh lên?

Trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa, với một nền kinh tế sức cạnh tranh kém như thế này không chỉ là nguy cơ mà sự thực nó đã hiển hiện rồi, chúng ta mất cả thị phần trong nước chứ đừng nói ra nước ngoài nữa. Chúng ta đang bị nước ngoài chi phối một phần về kinh tế. Một nền kinh tế thấp kém, sức cạnh tranh thấp, lại bị chi phối thì đáng hổ thẹn lắm chứ ạ.

Chúng ta hổ thẹn về trình độ khoa học và giáo dục. Trong 300 trường đại học được xếp hàng đầu châu Á, Việt Nam không có một trường nào. Tại sao có thể để thua các nước xung quanh đây? Điều đó đáng hổ thẹn lắm chứ. Rồi nữa, ngày càng xuất hiện nhiều vụ học sinh đánh nhau, hiệu trưởng báo cáo không trung thực, giáo viên mầm non đánh bầm dập cả trẻ thơ… Số lượng giáo sư, phó giáo sư của ta nhiều hơn Thái Lan mà công trình khoa học nghiên cứu đăng tải ở thế giới lại quá ít. Gần 100 triệu con dân nước Việt đáng phải hổ thẹn với tiền nhân lắm chứ.

Nhìn sâu kỹ vào, văn hóa cũng có cái đáng hổ thẹn. Tệ nạn ma túy, mại dâm, nạo hút thai ở mình tỷ lệ cao quá. Một cái tết cổ truyền mà có đến 5-6 ngàn vụ đánh nhau với hàng ngàn ca nhập viện; lễ hội thì tranh cướp nhau ngay ở chốn thiêng liêng. Chẳng ở đâu lại có hành động găm đinh vào xốp rồi rải lên đường, ăn trộm từng vỏ thùng đựng rác, từng nắp cống trên đường. Nền văn hóa Việt Nam rực rỡ đâu rồi? Xấu hổ quá đi chứ!

Bộ máy quản lý hiện nay thì cồng kềnh, phình to ra mà hiệu quả kém. Đất nước có chưa đây 100 triệu dân mà có đến 3 triệu công chức, bình quân 40-45 người dân nuôi một công chức. Thế mà nhiều nơi vẫn để cho dân kêu ca, oán thán, bất bình, mất niềm tin. Trong khi ở Mỹ có 320 triệu dân chỉ có 2,1 triệu công chức, bình quân 160 người nuôi một công chức mà đất nước họ là một siêu cường quốc hùng mạnh.

11-11-14_nh-9
Người dân dâng hương ngày giỗ Tổ

Ở các quốc gia tiên tiến, tôi thấy văn bản của họ không có cụm từ “các cấp, các ngành”. Ở đó, trách nhiệm cá nhân được quy rất rõ ràng, trong khi Việt Nam mỗi cái việc người dân ăn thực phẩm không sạch, mất vệ sinh đến nay vẫn cứ diễn ra hàng ngày, không cột được trách nhiệm ai cả. Nhiều sai phạm lớn nhưng rồi chỉ dừng lại khiển trách, rút kinh nghiệm hoặc là án treo… Vụ nào được Trung ương chỉ đạo rốt ráo thì mới vào cuộc. Đó là những thứ rất đáng hổ thẹn với tiền nhân.

Giải pháp khắc phục: Tôi cho rằng một khi niềm tin suy giảm thì sức mạnh sẽ giảm theo. Trách nhiệm của Đảng và Nhà nước phải khắc phục được các yếu kém đó.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vừa rồi tôi cho rằng, lần đầu tiên Đảng ta có một văn bản thẳng thắn chỉ ra mạch lạc các biểu hiện suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên đồng thời đưa ra những giải pháp khá thuyệt phục đi vào cuộc sống. Đó là một quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta mà theo tôi phải quyết tâm làm cho bằng được. Đừng để lặp lại tình trạng đầu voi đuôi chuột như nhiều năm trước.

Thưa Thiếu tướng, là một nhà nghiên cứu quốc tế, ông có dự báo như thế nào về thách thức cũng như cơ hội của đất nước ta?

Tôi cho rằng thách thức trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay vẫn là không gian trên Biển Đông. Chúng ta luôn kiên trì đấu tranh bằng hòa bình và luật pháp nhưng sức mạnh vật chất và tinh thần chúng ta chưa đủ lớn. Bảo vệ Biển Đông, Việt Nam có hai điểm quan trọng. Một là, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai là, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Tôi tin rằng, với gần 100 triệu người Việt Nam, với sức mạnh và ý chí niềm tin, với truyền thống vẻ vang của dân tộc, với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục chiến thắng trên mọi mặt trận.

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Người lớn phải làm gương trước lớp trẻ

Trước những sự kiện liên quan đến Biển Đông, nhân dân ta trong đó có khá nhiều bạn trẻ đã có nhiều hành động biểu thị lòng yêu nước. Ông có điều gì muốn nói với họ?

Nói về tuổi trẻ, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau. Có nhiều người lớn tuổi nhìn nhận bạn trẻ qua lăng kính tệ nạn xã hội bị khúc xạ nên họ có hoài nghi. Tôi cho rằng, sự hoài nghi đó là có căn cứ. Riêng tôi thì có niềm tin tuyệt đối ở lớp trẻ. Có hai sự kiện gần đây làm tôi ấn tượng với lớp trẻ. Một là trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn thanh niên xếp hàng dài cả cây số khóc tiếc thương Đại tướng, tôi xúc động.

Hai là các sự kiện liên quan đến Biển Đông, nhiều diễn đàn như góp đã xây dựng Trường Sa, tình nguyện viết đơn đi bộ đội, sẵn sàng ra Trường Sa công tác của tuổi trẻ đã thể hiện tình yêu nước rất có trách nhiệm với Tổ quốc. Xã hội phát triển sôi động, có cái ngổn ngang nhưng đại bộ phận thanh niên vẫn nhận thức rõ giá trị cuộc sống và có trách nhiệm với dân tộc, đất nước.

Xét một cách tổng thể thanh niên Việt Nam không thua kém thanh niên các nước tiên tiến trên thế giới. Tôi cho rằng, người lớn phải làm gương trước lớp trẻ. Tấm gương mẫu khuôn tròn của người lớn sẽ làm cho lớp trẻ kính nể và ra sức cống hiến hơn. Tấm gương mẫu khuôn tròn sống tử tể, trách nhiệm sẽ sinh ra lớp trẻ tâm, tài cho đất nước.

Đất nước thịnh vượng tất cả ở việc cử hiền

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, một nền kinh tế yếu kém và lệ thuộc thì dễ mất tự chủ. Lệ thuộc là không có độc lập. Lòng yêu nước là bệ đỡ sức mạnh dân tộc, trong hội nhập còn phải có trí tuệ để đương đầu với mọi phong ba trận mạc, trong đó trận đánh kinh tế bắt buộc phải thắng. Do đó, yêu nước lúc này là tâm và trí tuệ.

Lê Lợi từng nói: “Đất nước thịnh vượng tất cả ở việc cử hiền. Người làm vua thiên hạ phải lo việc đó trước tiên”. Câu nói đó đúng với hàng ngàn năm trước và cả hàng vạn năm sau này.

Quá trình toàn cầu hóa thì cạnh tranh về chất xám, cạnh tranh về nhân tài là quan trọng. Quốc gia nào xây dựng được cơ chế để trọng dụng nhân tài, đưa người tài vào các vị trí quyết định chiến lược thì quốc gia đó phát triển. Tôi thấy Singapore làm điều đấy rất tốt.

Phải coi tâm và trí là rường cột cho dân tộc phát triển. Lòng yêu nước tồn tại trầm tích và được hành động đến mức nào là do trí tuệ cốt cán, trí tuệ của những nhà lãnh đạo.

 

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm