| Hotline: 0983.970.780

Khởi động sớm vụ đông 2015: Chờ quyết sách mạnh mẽ

Thứ Tư 19/08/2015 , 07:35 (GMT+7)

Ngược với bức tranh cây ưa ấm, các loại cây trung tính và ưa lạnh lại đang có sự tăng trưởng rất đều đặn trong cơ cấu vụ đông./ Khởi động sớm vụ đông 2015

Giai đoạn 5 năm 2010 – 2014, trong khi các loại cây vụ đông ưa ấm truyền thống như ngô, đậu tương, khoai lang... có xu hướng giảm mạnh hoặc chững lại, thì nhóm rau, đậu lại đều đặn tăng cả về diện tích và giá trị.

Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có những quyết sách mới cho SX vụ đông giai đoạn tới.

Thời của cây ưa lạnh?

Hôm nay (19/8), Bộ NN-PTNT cùng các tỉnh phía Bắc sẽ tổ chức hội nghị bàn kế hoạch triển khai SX vụ đông 2015. Tại hội nghị này, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương sẽ tập trung đánh giá tổng quan về SX vụ đông giai đoạn 5 năm 2010 – 2014, trên cơ sở đó đề ra quyết sách cho giai đoạn tới, mà bản lề là vụ đông 2015.

Theo kết quả tổng hợp, phân tích của Cục Trồng trọt, giai đoạn 2010 – 2014, SX vụ đông ở các tỉnh phía Bắc có sự biến động theo xu hướng tăng trưởng trở lại trong vài năm gần đây.

Liên tiếp trong 3 năm 2010 – 2012, diện tích vụ đông toàn miền Bắc đã giảm dần từ 464,6 nghìn ha năm 2010 xuống 413,3 nghìn ha năm 2011 và 407,6 nghìn ha năm 2012.

Tuy nhiên từ năm 2013, SX vụ đông có tín hiệu lạc quan khi diện tích có xu hướng tăng trở lại với 413,6 nghìn ha, đến năm 2014 đạt 422,4 nghìn ha.

Sự khôi phục diện tích vụ đông một phần nhờ diện tích ngô tăng trở lại. Nếu như năm 2010, diện tích ngô đông miền Bắc lên tới 148 nghìn ha thì hai năm sau đó đã tụt sâu xuống chỉ còn 126 nghìn ha, tuy nhiên đến vụ đông 2014 lại vực dậy ở mức hơn 138 nghìn ha.

Ngoại trừ ngô có xu hướng lấy lại được đà SX, trong cơ cấu cây vụ đông nhìn chung đang có sự chuyển dịch rõ rệt giữa các nhóm cây trồng theo hướng tăng dần các loại cây ưa lạnh và trung tính như rau, củ, hoa màu có giá trị, trong khi các nhóm cây ưa ấm truyền thống giá trị thấp có xu hướng giảm hoặc chững lại.

Trong các cây ưa ấm, đậu tương là cây chỉ đứng sau ngô, nhưng gần như trượt dài về diện tích suốt 5 năm qua, giảm từ 82,1 nghìn ha năm 2010 xuống 52 nghìn ha năm 2011; 42 nghìn ha năm 2012 và tới 2014 chỉ còn khoảng 32 nghìn ha. Cùng chung số phận, diện tích khoai lang vụ đông năm 2010 còn ở mức trên 52 nghìn ha, đến vụ đông 2014 chỉ còn chưa tới 39 nghìn ha.

Ngược với bức tranh cây ưa ấm, các loại cây trung tính và ưa lạnh lại đang có sự tăng trưởng rất đều đặn. Ấn tượng nhất là nhóm rau các loại sau 5 năm diện tích tăng 26 nghìn ha, trung bình mỗi năm tăng thêm 5 nghìn ha. Năm 2014, diện tích rau đạt cao nhất trong 5 năm qua với con số 176,4 nghìn ha.

Trong đó, ĐBSH vẫn là vựa rau vụ đông, đạt 94,1 nghìn ha, tỉnh có diện tích rau lớn là Thái Bình khoảng 19 nghìn ha, Hải Dương trên 17 nghìn ha, Hà Nội gần 15 nghìn ha.

Các vùng khác cũng có sự tăng trưởng ổn định về diện tích rau như Trung du MNPB đạt 47,9 nghìn ha (so với 34 nghìn ha năm 2010), Bắc Trung bộ đạt 34,4 nghìn ha (so với 29,6 nghìn ha năm 2010). Ngoài rau, khoai tây cũng là cây trồng vẫn duy trì được chỗ đứng trong cơ cấu cây vụ đông với diện tích tương đối ổn định từ 19 – 22 nghìn ha/năm.

Sự gia tăng mạnh mẽ về giá trị SX một phần giải thích cho nguyên nhân vì sao nhóm cây ưa lạnh lại vươn lên áp đảo trong những năm qua.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, đến vụ đông năm 2014, giá trị SX vụ đông toàn miền Bắc ước khoảng 20 nghìn tỉ đồng, trong đó nhóm cây ưa lạnh gồm khoai tây và rau đậu các loại đã đóng góp khoảng trên 13 nghìn tỉ đồng (chiếm 65% về tổng giá trị), tuy nhiên nhóm cây này lại chỉ chiếm khoảng 46% về diện tích.

Trong 5 năm qua, nhóm cây rau đậu liên tục tăng về giá trị/diện tích, một số cây như khoai tây hiện nay đạt 90 - 100 triệu đồng/ha, rau đậu 65 - 75 triệu đồng/ha, ớt 350 - 450 triệu đ/ha. Trong khi đó, giá trị của ngô vụ đông 5 năm vẫn chỉ dao động ở mức 25-27 triệu đồng/ha, đậu tương xấp xỉ 20 triệu đồng/ha.

Mắt xích cốt lõi chuyển đổi cơ cấu

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, mùa mưa ở Bắc bộ năm 2015 có khả năng kết thúc sớm hơn so với bình thường. Mùa đông năm 2015 được dự báo là mùa đông lạnh.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích trà mùa sớm, mùa cực sớm có khả năng thu hoạch cuối tháng 9, đầu tháng 10 chiếm tỷ lệ khá. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cơ bản để gia tăng diện tích cây vụ đông toàn vùng, nhất là nhóm cây ưa lạnh.

14-52-49_kt5
Khoai tây vẫn thuộc nhóm cây chủ lực vụ đông

Trong bối cảnh toàn ngành nông nghiệp đang quyết liệt thực hiện tái cơ cấu, định hướng của Cục Trồng trọt là phát triển vụ đông 2015 với tinh thần tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Theo đó, các địa phương cần chỉ đạo phát triển vụ đông như một vụ chính quan trọng, và là một mắt xích cốt lõi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là phát triển vụ đông trên đất lúa, với tinh thần xác định vụ đông là vụ góp phần quan trọng vào tăng trưởng của toàn ngành trồng trọt trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Nhóm cây chủ lực sẽ vẫn được xác định gồm ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây, rau đậu các loại. Trong nhóm cây ưa ấm, ngô vẫn xem như cây chủ lực bằng việc thay đổi quan trọng trong canh tác ngô sau lúa, nâng cao năng suất ngô bằng các gói kỹ thuật đồng bộ ở các vùng quan trọng gồm ĐBSH và trung du MNPB.

Đối với nhóm cây ưa lạnh, chủ trương tiếp tục đa dạng hóa các nhóm cây khác, rải vụ, đặc biệt đẩy mạnh các đối tượng cây mới có thị trường tiêu thụ, XK như dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến và các loại nấm ăn, nấm dược liệu, coi nấm như một loại cây trồng ở vụ đông...

Đặc biệt chú trọng cho các vùng SX rau đậu tập trung, tăng cường ứng dụng GAP cơ bản, VietGAP trong sản xuất rau an toàn.

Một số chỉ tiêu cụ thể theo Cục Trồng trọt: Nâng tổng diện tích gieo trồng vụ đông toàn miền Bắc khoảng 430-440 nghìn ha (tăng khoảng 10-20 nghìn ha so với vụ đông 2014; trong đó ĐBSH 208,9 nghìn ha, trung du MNPB 113,6 nghìn ha và Bắc Trung bộ 116,2 nghìn ha).

Nâng tổng giá trị SX lên khoảng 23 – 25 nghìn tỉ đồng (giá tại thời điểm), tăng từ 3 – 5 nghìn tỉ đồng so với vụ đông 2014; nâng giá trị SX trung bình lên 50 - 55 triệu đồng/ha, tăng 3 – 8 triệu đồng/ha so với vụ đông 2014...

Theo định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, một số nhóm cây được ưu tiên tăng diện tích so với vụ đông 2014 bao gồm: Ngô tăng từ 138,1 nghìn ha lên 139,7 ha; đậu tương từ 32,9 nghìn ha lên 37 nghìn ha; khoai tây từ 19,5 nghìn ha lên 21,1 nghìn ha; duy trì diện tích rau các loại ở mức trên 170 nghìn ha, tương đương năm 2014.

Một số khuyến cáo kỹ thuật

Khoai tây: Thời vụ tập trung từ 15/10 - 20/11, tốt nhất 25/10 - 15/11, không nên trồng muộn vì thiếu ánh sáng, nhiệt độ quá thấp, âm u mưa phùn làm bệnh hại phát triển, ảnh hưởng đến năng suất. Lựa chọn các giống khoai tây chủ lực như Diamant, Sinora, Solara, PO3, Atlantic, Eben, Marabel, Esprit, Aladin... 

Hiện lượng giống trong nước được bảo quản trong kho lạnh khoảng 7 - 8 nghìn tấn (hơn 350 kho lạnh), các địa phương cần rà soát lượng khoai tây giống cân đối cho SX, chủ động liên hệ với các DN NK giống từ châu Âu (Đức, Hà Lan...).

Bí xanh, bí ngô, dưa chuột, ớt: Cần áp dụng kỹ thuật làm bầu (bí, dưa chuột), ươm cây con (ớt) và chăm sóc cây con tốt. 

Đối với bầu bí, dưa chuột nên áp dụng kỹ thuật trồng gối bằng cách rạch lúa để đặt bầu trước khi thu hoạch lúa. Lựa chọn các giống bí xanh như: Bí xanh số 1, bí xanh Đài Loan, bí đao chanh...; giống bí đỏ: F1-125, F1 979, bí đỏ Nhật Bản, bí đỏ Cô Tiên...

Đậu tương: Kết thúc gieo đậu tương trước ngày 5/10; SX đậu tương đông trên đất 2 lúa cần triệt để thực hiện phương châm "gặt đến đâu, trồng đậu tương đến đó; trồng càng sớm, năng suất càng cao". 

Áp dụng rộng rãi làm đất tối thiểu, gieo thẳng, gieo bằng máy, gieo vào gốc rạ, làm rãnh thoát nước đối với trồng đậu tương trên đất 2 lúa...

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.