| Hotline: 0983.970.780

Khởi động sớm vụ đông 2015: Chuyển biến, nhưng còn chậm

Thứ Năm 20/08/2015 , 09:02 (GMT+7)

Cùng với sự vươn lên của nhiều sản phẩm cây vụ đông có giá trị kinh tế cao ở miền Bắc, nhiều mô hình liên kết với sự góp mặt của DN, gắn SX với tiêu thụ, chế biến đang dần hình thành./ Chờ quyết sách mạnh mẽ

Tuy nhiên, sự chuyển biến này còn khá chậm chạp.

Thêm nhiều mô hình liên kết

Hôm qua (19/8), hội nghị đánh giá kết quả SX vụ đông 2014, triển khai kế hoạch năm 2015 đã được Bộ NN-PTNT tổ chức cùng các tỉnh phía Bắc. Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương đã rà soát lại tình hình SX vụ đông giai đoạn 5 năm 2010 – 2014.

Theo đó, mặc dù với đặc thù khó khăn về điều kiện tích tụ đất đai, lực lượng DN còn yếu và mỏng, tuy nhiên với sự vào cuộc của các địa phương và nhiều chính sách hỗ trợ, SX vụ đông ở phía Bắc đã có những chuyển biến tích cực.

Tại vùng SX vụ đông chủ lực ĐBSH, nhiều tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa… đang xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình liên kết có tính SX hàng hóa.

Hà Nam là tỉnh khá tiêu biểu cho xu hướng này, khi diện tích rau có giá trị kinh tế cao đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm, từ khoảng 1.500 ha vào năm 2010 lên hơn 3.700 ha vào năm 2014, và dự kiến sẽ vẫn giữ ở con số gần 3.000 ha ở vụ đông 2015.

Đề án Phát triển cây vụ đông hàng hóa của UBND tỉnh Hà Nam giai đoạn 2014 – 2015 đến thời điểm này được đánh giá là khá thành công, với sự ra đời của khá nhiều mô hình liên kết SX.

Vụ đông 2014, tỉnh này đã thí điểm thực hiện 8 mô hình điểm về cây hàng hóa quy mô trên 210 ha, trong đó có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà chua với Cty TNHH Hội Vũ, giá sàn 5.000 đ/kg. Với năng suất bình quân 1,3 – 1,4 tấn/sào, đã mang lại cho người dân thu nhập trung bình từ 10 – 11 triệu đồng/sào (tương đương 286 – 310 triệu đồng/ha), cao hơn 3 lần so với các cây trồng truyền thống. Năm 2014, Hà Nam cũng đã mạnh dạn hỗ trợ thực hiện 646 mô hình SX nấm ăn, có sự phối hợp với các DN và cơ sở đăng ký bao tiêu sản phẩm, đưa quy mô số hộ SX mặt hàng này tăng trên 10 lần so với trước.

Tại Thanh Hóa, từ vụ đông 2014, nhiều mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và DN đã bắt đầu đi vào ổn định. Nhiều cây trồng như ngô ngọt, đậu tương rau, cải bó xôi XK… tại huyện Hậu Lộc đã được ký hợp đồng liên kết bao tiêu với Cty CP Thực phẩm XK Đồng Giao; các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Như Thanh, Nga Sơn..., nhiều Cty như Cty XNK Rau quả Biên Giới, các Cty tại Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương… đã ký hợp đồng bao tiêu ớt, dưa chuột, khoai tây, bí xanh số lượng lớn và ổn định; các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống… đã được nhiều Cty bò sữa đăt hàng SX bao tiêu ngô làm thức ăn cho bò… Trong đó, một số sản phẩm vụ đông có giá trị rất cao như rau đậu từ 70 – 80 triệu đồng/ha, khoai tây 60-70 triệu đồng/ha, đặc biệt nhiều mô hình trồng ớt XK thu lãi từ 300 – 400 triệu đồng/ha.

Không chỉ vùng ĐBSH, tại một số địa phương vùng Trung du MNPB như Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái…, nhiều mô hình liên kết SX cũng đã bắt đầu được triển khai hiệu quả.

16-50-38_dscf9160

Tại Phú Thọ, mô hình liên kết SX dưa chuột Nhật, dưa chuột bao tử, ớt với Cty CP Chế biến XK G.O.C, Cty TNHH Dũng Đạt, Cty TNHH Phát triển kinh doanh thương mại Tân Trường Sơn đã phát triển lên quy mô trên 50 ha tại các huyện Cẩm Khê, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy với thu nhập ổn định cho người SX từ 3-5 triệu đồng/sào…

Thu hút DN vẫn vấp

Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, tại hội nghị hôm qua, ý kiến của nhiều địa phương cho rằng, cái khó nhất để tăng giá trị cho vụ đông vẫn đang nằm ở vấn đề thu hút DN. Bởi tiềm năng vụ đông miền Bắc lớn, nhưng DN lại đang quá ít và đa số là DN nhỏ.

Ông Mai Nhữ Thắng, PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa, địa phương đã đưa được khá nhiều DN vào liên kết SX vụ đông thời gian cho rằng: Diện tích vụ đông của Thanh Hóa từng rất lớn, nhưng gần đây chỉ đang xoay quanh khoảng 50 nghìn ha, bởi xu hướng không nên chạy theo việc mở rộng diện tích, mà trước hết phải tập trung tăng giá trị và lợi nhuận cho nông dân tại các diện tích đã có bằng các giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc hỗ trợ SX nên tập trung nhiều hơn cho hỗ trợ thu mua bao tiêu sản phẩm, vận chuyển, đặc biệt là hỗ trợ thuê đất, tạo quỹ đất cho DN giúp họ hình thành được vùng SX đạt yêu cầu.

Đồng tình với quan điểm này, bà Đoàn Thị Chải, PGĐ Sở NN-PTNT Hưng Yên kiến nghị: Để đưa nhanh vụ đông lên SX hàng hóa, nhất định phải có bàn tay của chính quyền cũng như hành lang pháp lí nào đó cho việc tích tụ, gom đất cho DN.

“Thực tế ở Hưng Yên có rất nhiều DN có nhu cầu liên kết với dân để tập hợp đất để SX lớn. Thế nhưng có khi DN tập hợp được 50 – 60 ha rồi, chỉ cần dăm ba hộ không đồng ý hợp tác là lại thành công cốc, họ lại phải đi tìm nơi khác, cứ loanh quanh vậy. Bởi đất là của dân, ai thích liên kết với DN hay không là quyền của họ” – bà Chải cho biết.

Bà Vũ Thị Hà, PGĐ Sở NN-PTNT Hải Dương thì cho rằng, bên cạnh rào cản đất đai, nhiều chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư cho DN hiện nay gần như không thể thực hiện trên thực tế, khiến nhiều DN chưa mặn mà khi quyết định đầu tư liên kết SX.

Điển hình, theo bà Hà, như Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hoặc Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch có rất nhiều ưu đãi về vốn, đất đai, lãi suất, thiết bị… cho DN khi đầu tư vào nông nghiệp, tuy nhiên quy mô yêu cầu của dự án quá lớn, thủ tục thẩm định rất rườm rà nên khi về địa phương thì bế tắc.

Trồng trọt 6 tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại, vì vậy vai trò của vụ đông 2015 là hết sức quan trọng trong việc đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành trồng trọt năm 2015 và cả năm 2016. 

Vì vậy, chủ trương của Bộ NN-PTNT tiếp tục coi đây là vụ SX chính, phải phấn đấu đạt được mục tiêu cụ thể như Cục Trồng trọt đề ra là đạt giá trị vụ đông từ 24-25 nghìn tỉ đồng, giá trị SX trung bình đạt 50 – 55 triệu/ha.

Trong xây dựng kế hoạch SX vụ đông, các địa phương cần đặc biệt quan tâm tới yếu tố giá trị SX của các đối tượng cây trồng và thị trường tiêu thụ để cân đối SX linh hoạt. Một số đối tượng cây vụ đông như ớt, rau đậu có giá trị rất cao, nhưng lại giới hạn về thị trường, khó mà cùng một lúc chuyển ngay hàng loạt sang trồng được. 

Ngược lại, ngô hay đậu tương chẳng hạn, mặc dù chưa tạo ra giá trị gia tăng cao, chỉ dưới 30 triệu/sào, tuy nhiên thị trường lại rất sẵn, không bao giờ là thừa. Vì vậy, vấn đề là làm sao có cách tiếp cận bằng các gói kỹ thuật nhằm giảm giá thành, giảm đầu tư cho các cây trồng giá trị thấp này để cân bằng SX. Để làm điều này, vai trò của khuyến nông là rất quan trọng. 

Khuyến nông phải làm sao tổ chức mô hình để giảm được giá thành, tăng giá trị, từ đó tạo hiệu ứng giúp dân tăng diện tích.

(Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh)

 

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất