| Hotline: 0983.970.780

Khởi động sớm vụ đông 2015

Thứ Ba 18/08/2015 , 07:35 (GMT+7)

Tình hình vụ đông 2015 có gì khác biệt, xu hướng cây trồng chủ lực, đặc biệt là triển vọng tiêu thụ, giá cả ra sao? Chúng tôi xin trích đăng một số nhận định có tính tham khảo.

Mặc dù 1 tháng nữa, vụ đông 2015 ở miền Bắc mới bắt đầu, tuy nhiên nhằm sớm chủ động SX, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, Bộ NN-PTNT sẽ sớm tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch vụ đông 2015, tạo đột phá.

Tình hình vụ đông 2015 có gì khác biệt, xu hướng cây trồng chủ lực, đặc biệt là triển vọng tiêu thụ, giá cả ra sao? Chúng tôi xin trích đăng một số nhận định có tính tham khảo.

Theo ông Nguyễn Trọng Khanh – Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm, khảo sát ở các tỉnh vùng ĐBSH cho thấy vụ mùa 2015, cơ cấu giống lúa có sự dịch chuyển rất khác biệt so với mọi năm.

Các giống lúa chất lượng, dài ngày tăng rất mạnh, diện tích các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn nhìn chung không đáng kể. Tỉ lệ diện tích lúa mùa thu hoạch xong trước 20/9 để giải phóng đất cho cây vụ đông ưa ấm như ngô, đậu tương, khoai lang… sẽ rất ít.

Vì vậy, nhiều khả năng lúa mùa sẽ thu hoạch đại trà vào trà chính từ khoảng 5 – 10/10, kéo theo diện tích cây vụ đông ưa lạnh gồm các loại rau như khoai tây, cải bắp, dưa chuột, cà chua, cà rốt, su hào… có thể sẽ tăng mạnh, kỳ thu hoạch sẽ tập trung vào khoảng trung tuần tháng 11 đến tháng 12/2015. Điều này khiến sức ép tiêu thụ cũng sẽ căng thẳng hơn mọi năm.

Bí tăng, dưa giảm?

Trong các giống rau ưa lạnh, những năm gần đây bí xanh là cây đang nổi lên khi diện tích tăng khá ổn định, canh tác dễ, đầu tư thấp. Đặc biệt bí xanh không ảnh hưởng nhiều bởi sức ép thời vụ do có thể bảo quản lâu ngày sau khi thu hoạch, có thể vận chuyển đường dài từ Bắc vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ thuận lợi.

Về giá cả, bí xanh năm nào rẻ cũng từ 3 nghìn đồng/kg, nếu trồng sớm có thể có giá trên 10 nghìn đồng/kg, trừ đầu tư nông dân có thể lãi chấp nhận được, từ 3-4 triệu đồng/sào.

Đây cũng là sản phẩm có thời vụ thu hoạch đúng vào dịp phục vụ cho nhu cầu chế biến bánh kẹo, mứt phục vụ Tết Nguyên đán nên chưa thấy năm nào ế ẩm. Hiện tại, nhiều cơ sở tại Hải Dương, Bắc Giang… cũng đã đầu tư kho lạnh quy mô lớn để trữ bí xanh, họ mua vào chính vụ với giá 3 nghìn đồng/kg, đầu năm sau hết rau vụ đông bán giá tới 7 – 8 nghìn đồng/kg.

Hiện diện tích bí xanh vụ đông ở ĐBSH khoảng 7 – 8 nghìn ha, tập trung chủ yếu tại nhiều tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội…

Các giống bí xanh do Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm (Viện CLT-CTP) cung cấp mỗi vụ khoảng từ 2 – 3 nghìn ha, trong đó triển vọng nhất đang là giống Bí xanh số 2 và Bí Thiên Thanh. Vụ đông 2014, hai giống bí xanh này tăng đột biến diện tích, và trước thềm vụ đông 2015 cũng đang được nhiều địa phương đặt hàng hạt giống với số lượng lớn.

Cụ thể, Hà Nội đã ký hợp đồng với Viện hỗ trợ giống cho khoảng trên 300 ha tại các huyện Phúc Thọ, Thường Tín: Hà Nam đã đăng ký hơn 100 ha kiêm bao tiêu sản phẩm cho một số vùng trồng tại Bình Lục; Hải Dương dự báo khoảng 300 ha tại các huyện Gia Lộc, Nam Sách…

Ngoài ra nông dân tại các vùng trồng bí xanh tập trung tại Đông Hưng (Thái Bình); Lương Tài, Gia Bình (Bắc Ninh); Yên Khánh (Ninh Bình)… cũng đã liên hệ đăng ký mua giống với số lượng hàng trăm ha/vùng. Mặc dù bí xanh chủ yếu tiêu thụ nội địa, nhưng là cây trồng có triển vọng mở rộng, có thể tăng ít nhất từ 15 – 20% diện tích so với năm trước ở vụ đông 2015.

Dưa chuột, nhất là dưa chuột bao tử và các giống dưa chuột phục vụ chế biến XK những vụ đông trước đây từng là cây “làm mưa làm gió” ở nhiều vùng, nhất là Hà Nam, Bắc Giang, Hải Dương.

Tuy nhiên từ 2014, cùng với khó khăn trong XK, giá dưa chuột bao tử từ 7.000 đ/kg đã rớt xuống chỉ còn 800 – 1.000 đ/kg. Vì vậy trước thềm vụ đông 2015, tâm lí nông dân vẫn đang rất dè dặt với cây trồng này. Hiện các hợp đồng bao tiêu dưa chuột tại Hà Nam cho vụ đông 2015 vẫn chưa thấy các DN ký kết.

Các vụ đông trước đây, Viện CLT-CTP có hai giống dưa chuột là PC4 và PC5 đáp ứng được các tiêu chuẩn như đặc ruột, hàm lượng chất thô cao, chiều dài, độ to quả… đáp ứng được các tiêu chí để chế biến XK.

Đây là các giống từng được ký hợp đồng cung ứng với một số DN như Cty Chế biến Nông lâm sản XK Đức Lộc (Hải Dương), Cty Chế biến Nông sản thực phẩm Hải Dương, Cty Chế biến Nông sản thực phẩm Hưng Yên… với diện tích hàng trăm ha để phục vụ muối mặn XK sang Đài Loan, Nhật Bản.

Tuy nhiên vụ đông 2015, tình hình vẫn khá ảm đạm nên nhiều khả năng diện tích dưa chuột phục vụ XK sẽ giảm. Tuy nhiên, diễn biến về diện tích dưa chuột trong vụ đông tới cũng còn phụ thuộc vào “kế hoạch kín”của các Cty. Bởi hiện nay các DN XK vẫn đang phải phụ thuộc vào nguồn giống dưa chuột do các nhà NK yêu cầu.

Theo đó, lượng giống do các nhà NK đưa sang Việt Nam chiếm tới 2/3 lượng giống dưa chuột tại các vùng trồng phục vụ XK, chỉ có 1/3 là giống nội địa.

Ẩn số khoai tây

Khoai tây vụ đông sau một giai đoạn có xu hướng tụt giảm về diện tích, đang có xu hướng ổn định dần về diện tích.

Bước vào vụ đông 2015, nguồn giống khoai tây do Viện CLT-CTP cung ứng khoảng trên dưới 3.000 tấn, tương đương khoảng 60 – 70% lượng giống toàn vùng ĐBSH, hiện đã cơ bản có các hợp đồng hoặc đăng ký mua giống của các DN, đơn vị. Điều này cho thấy khoai tây sẽ vẫn có diện tích ổn định trong vụ đông tới.

Đặc biệt, cùng với sự có mặt của một số Cty như Orion, Pepsico đưa vào hoạt động NM chế biến sản phẩm từ khoai tây ở phía Bắc (Bắc Ninh), đã bắt đầu hình thành được các vùng liên kết tiêu thụ khoai tây tại phía Bắc.

Vụ đông 2014, Cty Orion phối hợp với Viện CLT-CTP liên kết với một số xã huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) xây dựng vùng khoai tây phục vụ chế biến với quy mô 6 ha, có yêu cầu mẫu mã, chất lượng khá nghiêm ngặt. Vụ đông 2015, Cty này đã cam kết nâng diện tích mô hình tại đây lên 30ha và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Tương tự, Cty Pepsico cũng đã đăng ký xây dựng cánh đồng khoai tây lớn tại nhiều vùng ở Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình…

Nhu cầu về khoai tây phục vụ chế biến còn rất lớn, tuy nhiên cũng như nhiều sản phẩm rau vụ đông khác, việc không tổ chức được quy mô và yêu cầu rải vụ đang là khó khăn nhất.

Thời gian qua, hàng chục DN Hàn Quốc đã làm việc đặt hàng với Viện CLT-CTP để cung ứng sản phẩm rau, củ số lượng lớn. Tuy nhiên, oái oăm nhất là họ yêu cầu nguồn hàng phải ổn định.

Ví dụ: Tập đoàn Sam Sung từng nhiều lần có nhu cầu mua số lượng lớn các loại rau để cung ứng cho nội bộ hệ thống NM của họ ở Việt Nam và cả nhiều nơi trong khu vực Đông Nam Á. Họ hỗ trợ xây dựng mặt bằng, hệ thống kho lạnh, chế biến…

Tuy nhiên, đơn cử như cải bắp, họ bắt buộc mỗi tuần phải đáp ứng được 100 tấn, trong vòng 4 tháng liên tục và chất lượng mẫu mã không được vênh nhau quá nhiều.

Trong khi đó tại Hải Dương là nơi SX cải bắp chuyên nghiệp nhất, “trùm” SX bắp cải giỏi nhất tỉnh cũng chỉ dám cung cấp với số lượng đó với thời gian tối đa trong một tháng rưỡi. Đây là điều rất đáng suy nghĩ khi phát triển cây vụ đông ở ĐBSH.

Cà chua bi cũng là một giống cây vụ đông có nhiều triển vọng. Mỗi kg cà chua bi các vụ đông trước đây thường có giá tới 20 – 25 nghìn đồng. Với năng suất chỉ cần 8 – 9 tấn/ha, mỗi sào nông dân thu lãi dễ dàng từ 15 – 20 triệu đồng, cao gấp đôi so với cà chua quả to.

Hiện Viện CLT-CTP có hai giống cà chua bi rất sáng giá là Hoàng Anh 1, Hoàng Anh 2 có quả vàng, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, một số đơn vị như Học viện Nông nghiệp cũng có giống cà chua bi quả đỏ rất được ưa chuộng. Dự báo, diện tích cà chua bi sẽ tiếp tục tăng trong vụ tới, nhất là tại Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương.

 

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất