| Hotline: 0983.970.780

Khơi nguồn "vàng trắng"

Thứ Ba 08/10/2013 , 10:22 (GMT+7)

Sau 13 năm kiên trì gây dựng, nghề chăn nuôi bò sữa ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã thực sự đem lại nguồn lợi ổn định cho những người nông dân địa phương…

Tạo nền sản xuất bền vững, đem lại thu nhập cao là yếu tố quyết định để xây dựng NTM, sau 13 năm kiên trì gây dựng, nghề chăn nuôi bò sữa ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã thực sự đem lại nguồn lợi ổn định cho những người nông dân địa phương…

Vàng trắng

Mỗi ngày, nông dân ở xã Vĩnh Thịnh sản xuất khoảng 15-17 tấn sữa, trị giá hơn 2 tỉ đồng. Sữa vắt ra bao nhiêu đều được các Cty thu mua triệt để với giá cao gấp đôi so với thời điểm năm 2008-2009.

Hiện giá sữa thu mua tại Vĩnh Thịnh là 13.500 đồng/lít, trung bình mỗi hộ nuôi 5 con bò sữa sẽ thu hoạch khoảng 100 lít/ngày tương đương với 1,3 triệu đồng nếu trừ hết chi phí công chăm sóc, thức ăn, thuốc men thì lợi nhuận thu được vẫn còn 600-700 ngàn đồng, mỗi tháng thu lãi ổn định từ 18 -20 triệu đồng. Lợi nhuận ấy đã vượt xa thu nhập của nhiều người ở thành thị, còn nếu so sánh với thu nhập ở nông thôn thì đây quả thực là giấc mơ.

Là một trong những hộ chăn nuôi bò sữa đầu tiên ở Vĩnh Thịnh, gia đình anh Vũ Đức Vinh ở thôn An Lão Ngược được dân nuôi bò sữa đánh giá là có nhiều kinh nghiệm và hay gặp may mắt nhất ở địa phương. Vào những lúc cao điểm nhất trang trại bò sữa của anh Vinh nuôi tới hơn chục con, thiếu nguồn thức ăn anh phải thuê thêm mấy mẫu ruộng của người dân trong xóm để trồng cỏ.

Nhưng vì phong trào nuôi bò sữa phát triển quá nhanh, quỹ đất trồng cỏ có hạn nên anh Vinh phải bán bớt bò và chỉ duy trì một đàn 8 con bò sữa đảm bảo cho thu nhập ổn định mỗi ngày 1 triệu đồng. Một năm 365 ngày là 365 triệu đồng.

Anh Vinh cho biết, ngoài thu nhập ổn định từ sữa, nghề nuôi bò còn cho anh thu nhập từ bê cái sữa. Giá mỗi con bê cái sữa hiện nay là 13 triệu đồng nếu nuôi qua một thời gian sẽ bán được 20 triệu đồng.

Mấy năm gần đây đàn bò 8 con của anh "may mắn” liên tục đẻ ra bê cái sữa, thậm chí năm ngoái có một con đẻ sinh đôi hai bê cái sữa… nhẩm tính sơ sơ thì mỗi năm riêng tiền bán bê sữa gia đình anh đã có trên trăm triệu đồng. Như vậy, chỉ với 8 con bò sữa, mỗi năm gia đình anh Vinh đã thu lãi khoảng 460 triệu đồng…

Giá sữa cao, lợi nhuận nhiều và quan trọng là cung không đủ cầu nên mấy năm nay người dân Vĩnh Thịnh đổ xô vào chăn nuôi bò sữa. Tỉ lệ đàn bò trong xã tăng vọt từ 729 con vào năm 2008 lên tới 3193 con năm 2013.

Tuy chưa có thu nhập tốt như gia đình anh Vinh nhưng khi nói về nguồn lợi từ con bò sữa, anh Nguyễn Văn An ở thôn Khách Nhi Ngược cũng không giấu nổi kì vọng.


Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày đàn bò của anh Nguyễn Văn An cho thu lãi 400 ngàn đồng

Cách đây 5 năm, đời sống của gia đình anh An vẫn còn khó khăn, thu nhập phập phù nhưng nhờ học tập mô hình nuôi bò sữa trong xã, anh An cùng vợ bàn nhau mua một con bê cái và dần dần gây dựng lên đàn bò sữa 5 con.

 Hai tháng gần đây sản lượng sữa của gia đình anh thu hoạch ít đi, chỉ đạt trên 70 lít/ngày, vì có một con bò đang trong giai đoạn cai sữa chuẩn bị đẻ tuy nhiên mỗi ngày ít nhất anh cũng bỏ túi được 400 ngàn đồng sau khi trừ chi phí. Giờ anh An cũng là người có “của ăn, của để”, giá mỗi con bò đang thu hoạch sữa đang giao động từ 65-70 triệu đồng như vậy ít nhất đàn bò của anh bán đi cũng phải mang lại 300 triệu đồng.

Theo anh An, điều quan trọng là nghề chăn bò sữa cũng rất nhàn, nếu đã quen việc thì chỉ mất chút thời gian hai buổi sáng, chiều để vắt sữa, dọn chuồng và cho bò ăn nên có thể tranh thủ và vẫn còn cả ngày để làm công việc khác.

Kể từ ngày nghề nuôi bò sữa phát triển kèm theo đó là hàng loạt dịch vụ ăn theo như: thú y, thức ăn chăn nuôi, bò giống, đệm bò, nước rỉ trồng cỏ, vận chuyển bò và các điểm thu mua sữa. Giá nhân công lao động cũng tăng lên nên cũng có không ít cơ hội để kiếm tiền.

Khơi nguồn

Mô hình chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh đang dần lan rộng sang khắp 9 xã thuộc huyện Vĩnh Tường và cả các huyện khác như Tam Đảo, Yên Lạc… Hiệu quả kinh tế thì đã thấy rõ còn đánh giá về tính bền vững của mô hình thì ông Lê Văn Hoạt, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vĩnh Tường khẳng định, trong suốt 13 năm qua thị trường sữa ở Vĩnh Tường đã qua nhiều cuộc thử lửa nhưng vẫn liên tục phát triển vượt bậc.

Năm 2000, khi Chương trình bò sữa bắt đầu với 31 con bò tại xã Vĩnh Thịnh, số lượng ít, hoạt động thu mua khó khăn, giá sữa chỉ 2800 đồng/lít lúc ấy người nông dân ở đây đã tự bươn chải để tồn tại và tiếp tục tăng trưởng thành 230 con vào năm 2001 và 699 con vào năm 2004.

Hồi đó hoạt động thu mua sữa thông qua một HTX nhưng do mô hình thu mua này càng ngày càng bộc lộ những điểm không phù hợp, việc phối hợp thu mua với Cty sữa cũng không thuận lợi nên đến giai đoạn 2005-2007, tổng đàn bò sữa của huyện giảm chỉ còn 440 con. Việc thu mua sữa được chuyển hẳn sang cho tư nhân đảm nhiệm.

Đến năm 2008, giá sữa tăng gấp đôi tới 7.500 đồng khiến đàn bò sữa cũng tăng nhanh. Cùng năm ấy sự kiện sữa nhiễm Melamin khiến người nông dân nuôi bò bị một phen choáng váng do Cty Sữa Hà Nội  gặp khủng hoảng. Nhưng cũng nhờ thị trường sữa liên tục ổn định nên Cty Sữa Hà Nội vừa buông là huyện lập tức tìm được đối tác thay thế là Cty CP Sữa Quốc tế đứng ra thu mua.

Kể từ đó đến nay, sản lượng sữa do địa phương sản xuất ra mỗi lúc một nhiều hơn, sữa sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy và giá sữa tăng hàng năm thậm chí có tốc độ tăng giá khá mạnh bởi khi đã hình thành vùng nguyên liệu thì thị trường sữa bắt đầu có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các “đại gia” ngành sữa như: Cô gái Hà Lan, Vinamilk.

Đầu năm 2013, Cty CP Sữa Quốc tế cũng bị đánh bật ra khỏi địa bàn để nhường quyền thu mua cho Cty Sữa Cô gái Hà Lan. Hiện trên địa bàn huyện có tổng cộng 3 trạm thu mua sữa thì hai trạm thu mua lâu năm, chiếm thị phần nhiều đang bán cho Cty Sữa Cô gái Hà Lan và một trạm vừa mới thành lập từ tháng 5/2013 đang bán cho Vinamilk.

Có thể thấy, việc gây dựng đàn bò sữa ở huyện Vĩnh Tường cũng qua nhiều bước thăng trầm chìm nổi nhưng theo ông Hoạt nhờ có sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo tỉnh, huyện cùng với đó là những chương trình dự án, chính sách hỗ trợ nên người nông dân nuôi bò sữa ở huyện Vĩnh Tường luôn vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Cho đến nay mặc dù thị trường nguyên liệu sữa đã hoạt động tương đối ổn định nhưng tỉnh vẫn đang triển khai Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 3 từ 2011-2015.

Theo đó, người nông dân muốn mua bò sữa trưởng thành ngoài tỉnh sẽ được cho vay vốn 30 triệu đồng và ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất. Ngoài ra dự án còn có chính sách hỗ trợ 50% giá trị cho mỗi liều tinh bò sữa, lai tạo bò sữa giới tính để đạt tỉ lệ bê cái cao hơn…

Mục tiêu dự án đến năm 2015 tổng đàn bò sữa ở huyện Vĩnh Tường sẽ được nâng lên khoảng 4.000 con. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng của đàn bò sữa hiện nay thì đến hết năm 2015 tổng đàn bò sữa sẽ đạt 5.000 con và nếu tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ đến năm 2018, tổng đàn bò sữa của huyện Vĩnh Tường sẽ vượt 9.000 con.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.