| Hotline: 0983.970.780

Khởi tố vụ án khai thác khoáng sản tại bãi thải Đông Cao Sơn, Cẩm Phả

Thứ Năm 13/06/2024 , 22:16 (GMT+7)

QUẢNG NINH Công ty Thiên Nam đã vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản xảy ra tại bãi thải Đông Cao Sơn, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả.

Công ty Thiên Nam bốc xúc, thu gom đất đá thải mỏ tại bãi thải Đông Cao Sơn làm ảnh hưởng đến kỹ thuật tầng thải và gây nguy cơ hỏng hệ thống thoát nước tầng thải. Ảnh: Cường Vũ

Công ty Thiên Nam bốc xúc, thu gom đất đá thải mỏ tại bãi thải Đông Cao Sơn làm ảnh hưởng đến kỹ thuật tầng thải và gây nguy cơ hỏng hệ thống thoát nước tầng thải. Ảnh: Cường Vũ

Ngày 27/5/2024, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C05) - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản xảy ra tại bãi thải Đông Cao Sơn, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh của Công ty Cổ phần Thiên Nam và các đơn vị liên quan theo điều 227 BLHS 2015.

Quá trình điều tra, xác minh bước đầu, C05 xác định: Công ty Cổ phần Thiên Nam đã tiến hành khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ than tại bãi thải Đông Cao Sơn từ năm 2016 đến ngày 31/01/2024 để thực hiện Dự án thu hồi, chế biến đá cát kết tại các vị trí đầu tầng bãi thải Đông Cao Sơn, phường Mông Dương. Tính đến ngày 31/01/2024, Công ty Cổ phần Thiên Nam đã khai thác, thu hồi, chế biến và bán được 1.832.537,8 m3 đất đá thải mỏ và vật liệu xây dựng tại địa điểm nêu trên. Trong đó, Công ty Cổ phần Thiên Nam đã thu hồi và bán trực tiếp 582.137,9 m3 đất đá thải mỏ (không qua hệ thống nghiền của Dự án) cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để phục vụ san lấp mặt bằng.

Ngày 29/5/2024, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định về việc chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền. Ngày 30/5/2024, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cùng vật chứng đến cơ quan cảnh sát điều tra, công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam có loạt bài điều tra, phản ánh những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng trong thời gian dài của Dự án thu gom đá cát kết tại bãi thải Đông Cao Sơn của Công ty Cổ phần Thiên Nam.

Xét về mặt chủ trương, dự án này của Thiên Nam giải quyết được phần nào khó khăn về diện đổ thải, giảm bớt chi phí bảo vệ môi trường của ngành than, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn của Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh.

Bởi hiện tỉnh Quảng Ninh đang tồn hơn 1 tỷ m3 đất đá thải mỏ của các đơn vị ngành than và trung bình hàng năm các mỏ phát sinh thêm khoảng 150 triệu m3 nữa. Trong khi đó, nhu cầu vật liệu đắp, san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là hơn 788 triệu m3, trung bình 130 triệu m3/năm.

Để tìm hướng đi cho đá thải mỏ vùng Quảng Ninh và đáp ứng nhu cầu san lấp trong tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang tích cực đề xuất, xin chủ trương được bán đá thải mỏ ra ngoài cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng, giúp giảm gánh nặng về chi phí trông coi bãi thải, đồng thời tạo nguồn thu lớn cho TKV và địa phương.

Đất đá thải mỏ được vận chuyển, tập kết ra cảng Cẩm Y (Cẩm Phả) sau đó đưa lên tàu đi tiêu thụ, san lấp mặt bằng cho một số dự án địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Cường Vũ

Đất đá thải mỏ được vận chuyển, tập kết ra cảng Cẩm Y (Cẩm Phả) sau đó đưa lên tàu đi tiêu thụ, san lấp mặt bằng cho một số dự án địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Cường Vũ

Như đã nêu ở trên, mục đích của dự án là rất tốt nhưng quá trình triển khai lại chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục. Do đất đá thải mỏ là khoáng sản đi kèm nên việc thẩm định, phê duyệt sử dụng đất đá thải mỏ được làm chặt chẽ như việc cấp phép khai thác một mỏ khoáng sản. Công ty Cổ phần Thiên Nam vi phạm khi chưa ký kết được hợp đồng cung cấp nguyên liệu với Công ty than Cọc Sáu, chưa báo cáo Bộ Tài nguyên - Môi trường đối với việc khai thác khoáng sản đi kèm theo quy định tại khoản 6 Điều 20 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Thiên Nam sử dụng đất vượt ranh giới được thuê, sử dụng vào ranh giới của Công ty than Cọc Sáu để tập kết nguyên vật liệu, đưa máy móc, thiết bị vào thu hồi đất đá thải trong ranh giới quản lý của Công ty than Cọc Sáu.

Trước khi xảy ra việc C05 khởi tố vụ án, UBND TP Cẩm Phả đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, yêu cầu Công ty than Cọc Sáu quản lý chặt chẽ khoáng sản đi kèm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong ranh giới quản lý theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 8770 và Văn bản số 2236; báo cáo Bộ Tài nguyên - Môi trường để xem xét giải quyết việc khai thác, thu hồi khoáng sản đi kèm theo quy định tại khoản 6 Điều 20 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.

Đối với Công ty Cổ phần Thiên Nam, phải thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, phối hợp với Công ty than Cọc Sáu để xây dựng, ký kết hợp đồng cung cấp nguyên liệu, có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác có liên quan theo quy định của pháp luật. UBND TP Cẩm Phả yêu cầu: Hoạt động của các đơn vị chỉ được tiếp tục sau khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý và nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định hiện hành.

Về phía Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đã có văn bản gửi TP Cẩm Phả và các sở ngành, khẳng định Dự án thu hồi, chế biến đá cát kết của Công ty Cổ phần Thiên Nam hiện nay chưa hoàn thiện xong các thủ tục pháp lý theo quy định của Bộ Tài nguyên - Môi trường và các văn bản chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh. Do vậy, Tập đoàn đề nghị UBND TP Cẩm Phả yêu cầu Công ty Cổ phần Thiên Nam dừng ngay việc bốc xúc thu gom đất đá thải và rút toàn bộ thiết bị ra khỏi ranh giới quản lý của Công ty than Cọc Sáu.

Đồng thời, đề nghị UBND TP Cẩm Phả chủ trì, mời các đơn vị có liên quan và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm việc, họp bàn các giải pháp, biện pháp hỗ trợ Công ty than Cọc Sáu trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực. 

Xem thêm
Tạm giữ đối tượng ném đá ô tô quân sự

Công an huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang đang tạm giữ hình sự Lưu Văn Mạnh, sinh năm 1979 đã ném đá vào nhiều ô tô và làm bị thương một chiến sĩ công an.

Khởi tố 3 đối tượng làm giả tài liệu để tham gia đấu thầu

Các đối tượng đã làm giả văn bản của cơ quan Nhà nước để chứng minh năng lực nhằm tham gia đấu thầu một số hạng mục công trình ở Quảng Nam.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm