| Hotline: 0983.970.780

Khốn đốn trong vòng xoáy tả lợn Châu Phi

Thứ Tư 03/04/2019 , 13:10 (GMT+7)

Với nông dân Zhang Shiping và Bai Fuqin ở đông bắc Trung Quốc, dịp Tết Nguyên đán vừa qua không có gì đáng để họ ăn mừng.

13-39-32_nh1
Những con lợn tại một trang trại nhỏ ở huyện Xương Đồ, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Từ khi dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tấn công một trang trại ở thành phố Thẩm Dương lân cận hồi tháng 8 năm ngoái, ông bà Zhang - Bai đã phải trả khoản nợ khoảng 300.000 nhân dân tệ (44.710 USD), gấp 10 lần số tiền họ kiếm được trong một năm chăn nuôi thuận lợi, theo Reuters.

Dịch bệnh đã lây lan qua hàng nghìn km, chủ yếu tấn công vào các trang trại nhỏ tại quốc gia sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới và gây nên biến động chưa từng có đối với ngành chăn nuôi trị giá một tỷ USD của Trung Quốc.

Dù trang trại của Zhang không bị nhiễm, các biện pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan do chính phủ ban hình cũng khiến ông gặp không ít khó khăn.

Bắc Kinh đã cấm vận chuyển lợn sống ra khỏi các tỉnh bị nhiễm bệnh từ tháng 9 năm ngoái như một phần trong “cuộc chiến trường kỳ” chống lại căn bệnh có thể phải mất nhiều năm để diệt trừ tận gốc.

Các biện pháp hạn chế, ngăn ngừa đã gây tê liệt thương mại, đặc biệt ở tỉnh đông bắc Liêu Ninh, nơi phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu thịt lợn. Giá lợn tại tỉnh đã giảm mạnh, hồi tháng hai xuống dưới 4 nhân dân tệ/kg, mức thấp nhất trong một thập kỷ, dù đó là tháng cao điểm tiêu thụ thịt lợn vì năm mới âm lịch sắp đến.

Ông bà Zhang - Bai mới bán được 30 con lợn, lỗ khoảng 800 tệ mỗi con vì lợn đã quá hạn xuất chuồng nhưng họ vẫn phải chi tiền mua thức ăn bởi không lò mổ nào chịu tiếp nhận. Họ vẫn còn 50 con chưa thể xuất chuồng và đã quá béo.

“Chúng tôi khó lòng tồn tại được”, bà Bai nói. Trang trại của bà nằm ở huyện Xương Đồ, cách thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, hơn hai tiếng lái xe.

Bai và ba nông dân khác ở Xương Đồ cho biết họ sẽ không tiếp tục nuôi lợn nữa dù biết họ không có quá nhiều lựa chọn tại khu vực mà tốc độ tăng trưởng thuộc vào hàng chậm nhất Trung Quốc.

Hàng chục nghìn người giống như họ đang từ bỏ các trang trại nuôi lơn sau nhiều tháng liên tiếp giá cả sụt giảm và những lệnh cấm của chính phủ khiến khả năng tiêu thụ thịt lợn ì ạch.

“Tôi đã trải qua nhiều thăng trầm trong ngành chăn nuôi lợn. Nhưng chưa bao giờ khó khăn như năm nay”, Sun Hongbo, một chủ trang trại khác ở Xương Đồ, nói và thêm rằng ông sẽ từ bỏ chăn nuôi lợn mãi mãi.

“Ngay cả nếu bạn muốn nuôi lợn, chính phủ sẽ không cấp vốn bởi bạn đã để mất tiền. Các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi cũng sẽ không cho bạn ứng thức ăn. Vậy nuôi bằng cách nào?”, ông chia sẻ.

Các biện pháp chính sách Trung Quốc đưa ra nhằm kiềm chế DTLCP chủ yếu có lợi cho những trang trại lớn với tiêu chuẩn vệ sinh cao hơn so với các trang trại nhỏ lẻ. Một thông báo của chính phủ ngày 27/12 đã nới lỏng quy định đối với việc vận chuyển lợn ra khỏi vùng nhiễm bệnh nhưng chỉ áp dụng cho các trang trại quy mô, có tổ chức.

Một quy định khác cấm việc sử dụng thực phẩm thừa làm thức ăn cho lợn đã đẩy chi phí tăng đáng kể đối với không ít nông dân.

“Chính phủ không khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đó là định hướng của họ”, Wang Chuduan, giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, bình luận.

Bắc Kinh đã liên tục kêu gọi gia tăng quy mô và công nghiệp hóa ngành chăn nuôi để cải thiện hiệu quả cũng như chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, đối với một số khu vực, điều này có thể mang đến những gánh nặng.

Nông dân Han Yi tại huyện Xương Đồ cho lợn ăn (Ảnh: Reuters)

Sản lượng lợn ở đông bắc Trung Quốc những năm gần đây gia tăng nhanh chóng trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách đưa các trang trại chăn nuôi gia súc ra khỏi những vùng dân cư đông đúc và gần hơn với khu vực sản xuất ngũ cốc ở phía bắc, qua đó mang lại nguồn doanh thu thiết yếu cho những nền kinh tế địa phương vốn trì trệ.

Xương Đồ, với dân số khoảng một triêu người, sản xuất 1,6 triệu con lợn vào năm 2016 và 2,66 triệu tấn ngô, đã tự định vị để hưởng lợi từ chính sách kể trên. Nhưng DTLCP đã chặn đứng, thậm chí đảo ngược, xu thế này. GDP của Liêu Ninh năm 2018 tăng 5,7%, không đạt chỉ tiêu do tỉnh đặt ra.

“Tôi nghĩ lộ trình mở rộng sẽ khác trong vài năm tới, đầu tư vào vùng đông bắc sẽ ít hơn”, Pan Chenjun, nhà phân tích tại ngân hàng Rabobank, Hà Lan, suy đoán.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc khẳng định sẽ nỗ lực để giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với những lĩnh vực khác của nền kinh tế, xã hội. Song các nông dân Xương Đồ cho hay họ chưa thấy bất kỳ dấu hiệu hỗ trợ nào từ chính phủ, trong khi tình hình kinh tế đang ngày càng tồi tệ.

Nông dân Xương Đồ không có nhiều lựa chọn. Bai, một nông dân không biết chữ, dự định sẽ đi rửa bát đĩa thuê trong các thành phố lớn sau tết. Bà không thể tiếp tục nuôi lợn nữa.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất