| Hotline: 0983.970.780

Khốn đốn vì cá vược chết trắng đầm

Thứ Sáu 19/02/2016 , 06:35 (GMT+7)

Đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1/2016 đã khiến hàng trăm tấn cá thương phẩm cùng hàng chục vạn cá vược, cá song giống của hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình) chết hàng loạt. 

Trở lại địa phương này dịp sau Tết, đâu cũng là khung cảnh đầm ao đìu hiu, không một bóng người. Nhiều người mất Tết vì nỗi lo bị siết nợ ngân hàng. Cụt vốn, cụt cả giống, nguy cơ “trắng” thêm vụ cá vược 2016 đã hiển hiện trước mắt.

Khó khăn chồng chất

Chiều muộn, ông Lê Đức Huệ, thôn Đông, xã Thụy Hải (Thái Thụy – Thái Bình) đi đi lại lại trên bờ đầm, thỉnh thoảng liếc nhìn vô định xuống mặt nước rồi thở dài.

Cách đó không xa, vợ ông, tay cầm xô, tay cầm gậy, cố vớt những con cá vược bị chết dạt vào bờ để tránh ô nhiễm nước. Diện tích gần 3 ha đầm cá của gia đình ông Huệ này chỉ còn rong rêu, ít cá giống dở sống, dở chết còn sót lại.

Theo ông Huệ, dù có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, nhưng cả cuộc đời chưa bao giờ chứng kiến trận rét nào kinh hoàng như vậy. Cá vược có một đặc điểm là khi chết thường chìm xuống đáy, có khi cả tuần sau mới nổi lên khi xác đã rã. Ngày đầu tiên của đợt rét, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện xuống kiểm tra, ông cười tươi, các bác yên tâm, cá không sao đâu. Nhưng chỉ ngày hôm sau, không thấy cá lên ăn, ông liền lội xuống đầm, dùng chân khua khoắng. Lúc này, ông chủ đầm mới hoảng hồn, 16 tấn cá vược thương phẩm chết vón thành đống, nằm kín đáy bùn.

“Trời rét căm căm, tôi thuê người đến để vớt cá chết giá 500 nghìn đồng/ngày mà không ai dám nhận. Thế là đợi 1 – 2 hôm nước rút bớt, mấy anh em tôi dùng thuyền bơi ra vớt. Mỗi ngày vớt được hơn 2 tấn cá gì đó”, ông Huệ chua xót.

10-01-46_3
Những con cá vược giống còn sót lại trong đầm của gia đình ông Lê Đức Huệ, thôn Đông, xã Thụy Hải

Số cá chết, vợ chồng ông Huệ gom lại, bán cho một nhà máy chế biến bột cá trên địa bàn với giá 4 nghìn đồng/kg, thu hồi được 300 triệu đồng. Ngày 28 Tết, nhà máy mua không xuể, ông lại xắn quần xúc cá đổ lên xe cải tiến đem đi chôn ngoài vùng bãi.

Để vào vụ cá vược năm rồi, vợ chồng ông Huệ vay vốn cả ngân hàng, bên ngoài với số tiền lên tới 1,5 tỷ đồng. Chắc mẩm vụ này trúng lớn, dư tiền trả nợ, ai ngờ trắng tay. Theo ông Huệ, cái khó lớn nhất bây giờ là con giống, sẽ phải đi nhập từ Nha Trang hay Trung Quốc. Giá cả sẽ rất đắt, trong khi túi đã nhẵn thín. “Khó khăn lắm chú ạ, năm 2014 cả đầm cá bị ngạt khí, chết liền 16 tấn. Sang năm nay thì…”, ông Huệ thở dài.

10-01-46_4
Con cá vược thương phẩm duy nhất sống sót được ông Huệ bắt thả vào lưới

Ông Tạ Duy Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hải cho biết, hiện địa phương cũng như các chủ đầm đang ra sức liên hệ tìm nguồn cá giống nhưng chưa có tín hiệu khả quan.

Từ ngày đầm cá vược bị xóa sổ, anh Nguyễn Trọng Tuân, thôn Bình Xuân, xã Thụy Xuân (Thái Thụy – Thái Bình) như người mất hồn. Cả ngày, anh ngồi trên võng, nhìn xuống đầm, chẳng buồn chuyện trò. Vụ cá vược 2015, những tưởng 500 triệu tiền vay vốn ngân hàng sẽ được trả sạch bách. Giờ thì, gia đình anh bị thiệt hại khoảng 16 tấn cá, trong đó có hơn 2 vạn cá vược giống, lỗ trên 1 tỷ đồng. Số cá chết, gia đình anh bán tháo cho nhà máy chế biến bột cá, gỡ gạc được 100 triệu đồng.

10-01-46_1
Anh Nguyễn Trọng Tuân, thôn Bình Xuân, xã Thụy Xuân ngồi bên đầm cá như người mất hồn

“Bây giờ hết vốn, cá giống trắng rồi, ngân hàng thì chắc không cho vay nữa. Giờ phải bán bớt ao đầm hoặc vay mượn được anh em họ hàng tiếp tục nuôi, còn không đành chịu. Sắp tới vụ thả cá mới rồi, thôi thì đến đâu hay đến đó”, anh Tuân nói giọng đầy bất lực.

“Tết năm nay, anh em con cháu chẳng ai dám đến nhà chúc. Chúng nó bảo, chẳng biết chúc gì, chẳng lẽ chúc làm ăn bằng năm ngoái. Mà chúc làm ăn hơn năm ngoái càng không được. Thế là mất Tết”, ông Lê Đức Huệ, thôn Đông, xã Thụy Hải than thở.

Trong khi chúng tôi trò chuyện, vợ anh Tuân tranh thủ quấy lại nồi cháo cá vược cho… đàn chó đang sủa ầm ĩ. Chị cười miệng méo xệch: “Đời thuở, trước người không có cá vược mà ăn vì đắt đỏ, giờ thì chó cũng được ăn cá vược. Mà chó ăn lắm cũng chán. Tết nhất, cả làng, cả xóm, nhà nào cũng có cá vược…”.

Chưa có cơ chế hỗ trợ

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thái Bình cho biết, để chủ động phòng chống rét, ngay từ tháng 10/2015, Sở NN-PTNT Thái Bình đã đánh công văn đề nghị các địa phương chuẩn bị công tác phòng tránh rét cho các đối tượng thủy sản nuôi. Tuy nhiên, kết quả, cá vẫn chết trắng đầm trong sự bất lực của cả chính quyền và người dân.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Thái Bình cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới việc này do rét sâu, rét hại. Trong khi điều kiện đầm nuôi còn hạn chế. Tại Thái Thụy và Tiền Hải, việc nuôi cá vược, cá song mới chỉ dừng lại ở mức bán thâm canh. Các đầm nuôi tôm, cá nằm xen kẹp nhau.

Thời điểm cá chết cũng là lúc các đầm nuôi tôm phải tháo nước, cải tạo chuẩn bị vụ mới. Chính vì vậy, mực nước tại các đầm nuôi cá bị sụt giảm. Có những đầm, mực nước chỉ đạt 70 – 80 cm. “Chúng tôi khuyến cáo người dân phải giữ mực nước trong đầm tối thiểu là 1,5 m. Tuy nhiên, do việc quy hoạch vùng chăn nuôi chưa đồng bộ nên thực hiện là rất khó”.

Cũng theo bà Nguyệt, do được báo trước năm này sẽ có vụ đông xuân ấm, nên người dân hay chính cả lãnh đạo địa phương đều chủ quan, bị động khi đợt rét kỷ lục đổ bộ. Chi cục Thủy sản đang tiến hành tập hợp các địa chỉ cung cấp cá giống uy tín để người dân liên hệ đặt hàng.

10-01-46_5
Nồi cháo cá vược cho chó của gia đình anh Nguyễn Trọng Tuân

Ông Giang cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ nào đối với những thiệt hại của người dân. Sự hỗ trợ mới dừng lại ở việc cấp các loại hóa chất để người dân xử lý môi trường ao đầm. Đơn vị này đang tham mưu lên Sở NN-PTNT tìm ra một cơ chế hỗ trợ người dân. Đồng thời đề nghị Tổng cục Thủy sản tham mưu cho Bộ NN-PTNT đề xuất kinh phí hỗ trợ thiệt hại.

Khoanh nợ cho người dân

Về phía các đơn vị vốn vay, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Thái Bình cho biết, sẽ áp dụng biện pháp kéo dài thời hạn trả nợ đối với các khoản vay bị thiệt hại đến dưới 40%. Khoanh nợ tối đa đến 3 năm đối với khoản vay bị thiệt hại từ 40% đến dưới 80%. Khoanh nợ tối đa đến 5 năm đối với khoản vay bị thiệt hại từ 80% đến 100%. Trong thời gian khoanh nợ, người dân chưa phải trả nợ và không phải trả lãi suất. Bên cạnh đó, đơn vị này sẽ tiếp tục xem xét nhu cầu của người dân để cho vay bổ sung, cho vay mới, giúp người chăn nuôi có nguồn vốn khôi phục SX, kinh doanh, dần ổn định đời sống.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Duy Viễn, GĐ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Thái Thụy cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về những thiệt hại về thủy sản, đơn vị đã cử cán bộ xuống cùng địa phương thống kê thiệt hại, các hộ vay vốn. Theo ông Viễn, sau khi thống kê cụ thể, sẽ đưa ra biện pháp giải quyết. Nhưng với những sự việc đặc thù, để đưa ra cơ chế hỗ trợ cần phải xin ý kiến từ Ngân hàng NN-PTNT tỉnh và TW.

Thái Thụy là huyện có lượng cá bị thiệt hại nhiều nhất tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, con số mà Phòng NN-PTNT huyện này thống kê Chi cục Thủy sản nhận được ngày 16/2 mới chỉ dừng lại ở ngày 2/2. Theo đó, cả huyện có 281 tấn cá vược, 19 tấn cá song, 60 vạn cá vược giống bị chết, thiệt hại ước khoảng trên 42 tỷ đồng.

Trên thực tế, theo khảo sát của PV NNVN, con số này chỉ là một phần nhỏ so với thiệt hại của người dân. Đơn cử, chiều ngày 17/2, lãnh đạo xã Thụy Xuân (huyện Thái Thụy) cho biết, riêng xã này có tới 280 hộ bị thiệt hại. Tỷ lệ cá vược chết là 100%, cá song 50%. Tổng số tiền thiệt hại lên tới gần 68 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm