| Hotline: 0983.970.780

Khốn khổ vì nguồn nước ô nhiễm

Thứ Sáu 08/11/2013 , 09:51 (GMT+7)

Vài năm trở lại đây, cuộc sống của người dân thôn Xuôi Ngành, xã Tam Hợp (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) gần như bị đảo lộn hoàn toàn do ô nhiễm nguồn nước.

Vài năm trở lại đây, cuộc sống của người dân thôn Xuôi Ngành, xã Tam Hợp (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) gần như bị đảo lộn hoàn toàn. Nguồn nước sinh hoạt bỗng dưng đổi màu vàng quánh, bốc mùi khiến người dân không thể ăn uống hay tắm giặt.

Ngập trong rác

Thôn Xuôi Ngành chỉ cách trung tâm thị trấn Hương Canh của huyện Bình Xuyên chưa đầy 2 km. Tại đây tập trung khá nhiều các Cty chuyên sản xuất (SX) gạch ngói. Con đường từ thị trấn vào Xuôi Ngành bụi mù mịt, ổ voi, ổ gà chằng chịt. Trước khi nguồn nước bị ô nhiễm, người dân ở đây vẫn dùng nước giếng khơi, nước mưa để phục vụ sinh hoạt.

Ông Nguyễn Xuân Trường, thôn Xuôi Ngành, cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, cả thôn không ai dám sử dụng nguồn nước kể trên nữa. Dòng nước trong mát bỗng ngả vàng, có mùi tanh không ai dám ăn. “Một số người sau khi tắm bị nổi mẩn, ngứa ngáy, mụn mọc khắp người nên chúng tôi rất sợ”, ông Trường cho biết.


Bãi rác khổng lồ trên Đầm Xuôi

Cũng theo ông Trường, nguyên nhân chính dẫn tới việc nguồn nước ô nhiễm là do chất thải từ Cty CP Prime Hoa Cương đóng ngay tại thôn. Chỉ cách nhà dân khoảng mấy bước chân là toàn bộ khu rác thải của Cty này.

Dẫn chúng tôi đi tham quan, ông Trường cho biết, bãi rác này trước kia vốn là một cái đầm tên là Đầm Xuôi. Bình thường thì đầm ngập nước, trong xanh, rất nhiều cá nhưng chỉ cần tháo nước là người dân có thể trồng lúa, rau cần như bình thường. Tổng diện tích đầm khoảng 2 km2, điều hòa cho hàng trăm hộ dân thôi Xuôi Ngành. Khi về đóng tại đây, Cty CP Prime Hoa Cương đã mua lại toàn bộ đầm này. Đến nay, khoảng 80% diện tích Đầm Xuôi đã ngập trong rác.


Cá trên trắng trên mặt nước

Rác của Cty này ngay sát nhà dân, chặn đứng nguồn nước chảy từ đầm vào các hộ. Trên mặt bãi rác được phủ một lớp đất bột, túi nilon bay tung tóe. Nói đoạn, ông Trường dùng tay bới nhẹ lớp đất mặt, ở dưới là vô vàn mảnh gạch, sứ. Đây toàn bộ là rác thải của Cty CP Prime Hoa Cương đổ ra từ khi về “đóng đô” tại đây.

Tuy bị chắn nhưng nguồn nước từ đầm vẫn thẩm thấu qua bãi rác, chảy thành dòng vào nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân. Những dòng nước này bốc mùi rất khó chịu. Nhiều khúc, cá chết nổi trắng mặt nước.

Chắt chiu từng giọt nước

Chị Nguyễn Thị Lý, thôn Xuôi Ngành, cho biết, nhà chị có 4 người, mọi sinh hoạt liên quan đến nước hằng ngày đều phải đi xin, cực vô cùng. Khi chúng tôi tìm đến nhà, chị vừa đi gội đầu nhờ một nhà thôn bên. Lúc về, chị Lý không quên xin nửa bình nước để vo gạo nấu cơm.

“Chú thấy đấy, tôi vừa đi gội đầu nhờ về, tắm giặt cũng vậy. Nước giờ ô nhiễm lắm, còn ai dám dùng đâu”, chị Lý chia sẻ. Xin nhiều cũng ngại, giờ gia đình chị phải đi mua từng bình nước sạch ngoài đại lí để rửa rau, nấu cơm. Mỗi bình giá 10 nghìn đồng, một ngày có khi nhà chị dùng hết 4 bình.

“Ở nông thôn, chú tính xem, một ngày hết 40 nghìn tiền nước thì sống làm sao?”, chị Lý buồn rầu nói.


Chị Nguyễn Thị Lý đi xin từng bình nước về nấu cơm

Không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm, khói bụi từ Cty CP Prime Hoa Cương thải ra cũng khiến cho người dân khốn khổ. Bà Đặng Thị Thanh, thôn Xuôi Ngành vừa bịt miệng vừa nói chuyện vì khói, bụi. Bà Thanh cho biết, ban ngày, xe tải chở đất đá ra vào bụi bay mù mịt. “Ban đêm, Cty xả ra cái mùi gì đó như thuốc sâu, ai ngửi đều thấy khó thở, hoa mắt chóng mặt”, bà Thanh kể.

Không hiểu vì lí do gì, nhà bà Thanh nhiều người bỗng dưng mắc các chứng bệnh liên quan đến hô hấp. Riêng bà Thanh quanh năm bị ho, sổ mũi, uống thuốc triền miên.

Ông Nguyễn Xuân Trường cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, các hộ dân đã làm đơn kiến nghị lên xã, Cty nhưng bãi rác vẫn nằm chình ình, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

“Chúng tôi gửi khoảng 50 lá đơn nhưng vẫn không được giải quyết. Cứ có đoàn kiểm tra xuống thì Cty tạm dừng hoạt động, cả thôn mừng rỡ vì không có khói bụi. Nhưng đoàn đi một cái là xe tải, máy móc lại chạy ầm ầm, khói bụi mù mịt”, ông Trường tỏ vẻ ngán ngẩm.

Cty vô can?

Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện Cty CP Prime Hoa Cương. Ông Phạm Quang Hiếu, Trưởng phòng Tổ chức Cty, cho biết, đơn vị này đã nắm được ý kiến phản ánh của người dân từ nhiều năm trước. Khu vực Đầm Xuôi được Cty mua lại với ý định xây nhà ở cho CBCNV nhưng chưa thể tiến hành vì lí do kinh phí. Và nay, khu đầm này bị “hô biến” thành bãi rác thải khổng lồ.

“Cách đây 2 năm, đoàn kiểm tra của Sở TNMT, Cảnh sát Môi trường tỉnh, đại diện UBND xã, Phòng TNMT huyện đã lấy mẫu nước xét nghiệm. Kết quả là nguồn nước ở đây vẫn ở mức cho phép, không bị ô nhiễm”, ông Hiếu nói.


Nước ngấm qua bãi rác, chảy vào nguồn nước sinh hoạt của dân

Nguồn nước thải của Cty sau khi xử lí được xả ra hồ nước rộng 6.000 m2, cách Đầm Xuôi một con đường. Khi chúng tôi đề nghị được đi xem hệ thống xử lí chất thải, ông Hiếu lấy lí do nội quy Cty và từ chối. Cũng theo ông Hiếu, việc nguồn nước của nhiều hộ dân bị ô nhiễm không liên quan đến Cty.

Trước đó một ngày, chúng tôi đã hẹn trước đặt lịch làm việc với UBND xã Tam Hợp. Sáng hôm sau, khi đến UBND xã, lãnh đạo xã báo đang họp, 11h trưa mới rảnh để làm việc. Hơn 11h trưa, chúng tôi quay lại thì khung cảnh UBND xã Tam Hợp vắng tanh, cửa phòng đều khóa ngoài.

Gọi điện lại cho Chủ tịch UBND và một cán bộ môi trường xã thì không nghe máy, sau đó tắt máy luôn. Một nhân viên văn phòng xã cho biết, sau khi họp giao ban xã, toàn bộ lãnh đạo xã đã… lên huyện họp tiếp? Tuy nhiên, khi chúng tôi qua Văn phòng UBND huyện Bình Xuyên, nữ cán bộ văn phòng ở đây cho biết, từ sáng tới giờ không có cuộc họp nào cả.

Đã hàng chục năm nay, người dân thôn Xuôi Ngành vẫn phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm. Đại diện Cty CP Prime Hoa Cương thì nói không liên quan, lãnh đạo xã thì tránh mặt báo chí. 50 lá đơn gửi đi, 50 lần người dân chờ đợi rồi thất vọng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất