| Hotline: 0983.970.780

Không bám biển, đừng mơ giàu

Chủ Nhật 02/05/2010 , 08:30 (GMT+7)

Về mấy xã ven biển ở vùng lúa Tiền Hải (Thái Bình) hỏi chuyện làm giàu, nông dân vùng nội đồng lắc đầu cười buồn: Dân làm lúa chũng tôi cố lắm chỉ đủ ăn thôi. Còn làm giàu thì phải ra biển.

Đánh bắt hải sản tại các xã ven biển huyện Tiền Hải (Thái Bình) không thua kém nuôi trồng thủy sản ven bờ

Về mấy xã ven biển ở vùng lúa Tiền Hải (Thái Bình) hỏi chuyện làm giàu, nông dân vùng nội đồng lắc đầu cười buồn: Dân làm lúa chũng tôi cố lắm chỉ đủ ăn thôi. Còn làm giàu thì phải ra biển. 

Chỉ hộ thuần nông là nghèo

Ông Vũ Văn Thanh, người có thâm niên hơn 30 năm phụ trách mảng kinh tế thủy sản của Phòng NN- PTNT huyện Tiền Hải chỉ cho tôi vị trí của xã Nam Thịnh trên bản đồ thủy sản của huyện tấm tắc: “11 xã ven biển đều mạnh về kinh tế hơn các xã nội đồng. Nhưng muốn hiểu xem dân làm thủy sản mạnh hơn dân cấy lúa thế nào thì về Nam Thịnh khắc biết”.

Nam Thịnh nằm ngay sát nách cửa sông Ba Lạt (cửa chính sông Hồng đổ ra biển), giống như một tiểu bán đảo nhô ra biển, trước mặt là vùng bãi triều thênh thang hàng nghìn hecta. Có người bảo sở dĩ có tên huyện Tiền Hải bởi phân nửa số xã trong huyện có mặt tiền là biển. Người lại bảo các cụ xưa đặt tên cho huyện là đã ngụ ý chỉ đường cho hậu sinh biết muốn giàu thì trước tiên phải hướng ra biển, bám lấy biển...Nhớ lại thời kỳ bỏ biển bám đồng ruộng, quần quật mãi mà chẳng đủ ăn, người Nam Thịnh bảo quả là các cụ xưa tinh ý.

Dẫn tôi ra thăm vùng bãi ngao ven cửa Ba Lạt trên con đường liên xã rải nhựa phẳng lì, đủ cho xe tải 2 chiều qua lại, ông Trần Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh thú thực: “5km đường rải nhựa, rộng 6m tính đầu tư không dưới 1,5 tỉ đồng/km nhưng toàn bộ đều là kinh phí của xã tự bỏ ra cả đấy. Xã đang đặt mục tiêu hết năm nay hoàn thiện bê tông hóa nốt cho dân 100% đường liên thôn vì hiện mới chỉ đạt...90%. Hai trường Tiểu học và THCS đã đạt chuẩn quốc gia rồi. Còn trường mầm non 2 tầng năm nay cũng phấn đấu hoàn thiện cơ sở vật chất nốt để 100% trường học đạt chuẩn”.

Nghe ông Dũng nói, tôi bất ngờ quá. Kinh phí lớn vậy, xã lấy đâu tự bỏ ra? Ông Dũng bảo, không phải thu của dân đâu. Từ năm 1997 đến nay xã không bắt dân đóng xu nào cả. Đó là tiền thuế ngân sách của xã thu từ vùng bãi triều nuôi ngao của dân và nguồn thuế khác từ hoạt động SX kinh doanh thủy sản. Một năm, tổng ngân sách xã thu từ hoạt động SX, kinh doanh và chế biến thủy sản không dưới 2 tỉ đồng.

- Xã nông thôn mà thu ngân sách lớn thế, chắc phải thu ép thuế của dân dữ lắm? – tôi đùa.

-   Làm gì có. Vùng bãi triều này nhà nào ít nhất cũng 1 hecta nuôi ngao, nhà nhiều hơn chục héc. Xã không cho đấu thầu như bên xã Đông Minh mà vùng bãi do dân tự khai thác sử dụng, còn thuế là dân tự nguyện nộp, không bắt buộc ít nhiều. Năm làm ăn không trúng thì miễn. Còn như năm trúng đậm thì dân nộp cho xã dăm trăm, một triệu đồng. Từng đó gọi là họ trả công cho xã tuần tra đuổi bọn trộm ngao hay dàn xếp tranh chấp vùng bãi, thấm thía gì so với thu nhập trung bình 500-700 triệu đồng/hộ/năm từ bãi ngao. Mà toàn xã có tới gần 500 hộ có bãi ngao với hơn 460 hecta thì nguồn thu như thế thấm gì?

Để minh chứng, ông Dũng chỉ tôi vào hộ anh Trương Văn Huấn, một hộ dân nuôi ngao ở Nam Thịnh. Nhà Huấn tiện nghi chẳng thiếu một thứ gì, chỉ thiếu mỗi...ôtô. Huấn thú thực: Nhà có tổng cộng 10 hecta bãi ngao. Một năm chỉ ngồi chơi, thuê dăm bảy nhân công trông coi, nếu không dịch bệnh thì trừ tiền giống, tiền công thu lãi vài tỉ là dễ. Cũng may chín mười năm nay dân Nam Thịnh chỉ bị “dính” dịch mỗi vụ 2003, còn lại thì thắng tất nên bộ mặt dân sáng lên là dễ hiểu. Nhà tôi chưa phải giao dịch lớn, lại phải lo cho 2 đứa con học ĐH nên chưa cần ôtô làm gì. Chứ dân nuôi ngao xã này, lúc nào cũng có trong tay năm mười tỉ bạc như cánh ông Thủy, ông Thực..., muốn có ôtô lúc nào chả được. Còn nhà cửa thì anh thấy đấy, 70% nhà 2 tầng kiểu biệt thự chứ không phải nhà mái bằng như nhà tôi đâu.

Nghe Huấn kể, tôi thầm nghĩ nếu không phải là dân thành phố, thị xã thì hẳn ở vùng nông thôn Thái Bình đúng là chẳng nơi đâu giàu có như Nam Thịnh. Rời nhà Huấn, ông Chủ tịch UBND xã Trần Mạnh Dũng đúc rút: Nhà tôi bây giờ cũng nuôi ngao đấy, có 1hecta thôi nhưng mỗi năm thu 400 triệu là dễ. Đúng là không bám biển thì chẳng ngoi đầu lên được. Chẳng bù cho hồi xưa, những nhà như nhà Huấn tiếng là gần mẫu ruộng mà năm nào cũng thiếu ăn. Trong khi đó bãi triều thì bỏ hoang. Bây giờ hộ có bãi ngao như nhà Huấn chẳng thèm làm ruộng nữa mà dồn lại cho mấy hộ thuần nông làm tất. Mà cả xã này giờ chỉ còn dưới 20% là hộ thuần nông. Buồn là đa số hộ thuần nông, không có nghề biển thì cũng được xếp vào hộ nghèo tất! 

Bãi chăn vịt... 300 triệu đồng/ha

Đứng trên ngôi nhà sàn du lịch rất “mode” rìa bãi biển du lịch Đồng Châu (xã Đông Minh, Tiền Hải), lão nông Nguyễn Văn Điệp (thôn 2 xã Đông Minh) khoát tay ra bãi ngao tít tắp nhớ lại: “Thật chẳng ai ngờ cái bãi triều hoang, năm 2006 tôi còn ra đây chăn vịt, đào gion đào giắt giờ lại có giá thế. Mỗi hecta đất bãi nuôi ngao dân chuyển nhượng cho nhau trong vòng 4 năm giá 300 triệu nhưng vẫn không ai bán”.

Bãi biển Đồng Châu thì dăm năm trước vẫn toàn tràm, sú vẹt buồn thiu. Ai mà biết được bây giờ chỉ ngồi chơi thôi, mỗi năm nó cũng đẻ cho nhà ông Điệp năm sáu chục triệu. Chuyện là trước năm 2006, nhà ông Điệp còn những hơn mẫu hai ruộng, hai trâu, lợn sề lúc nào cũng dăm bảy mẹ, lại còn mấy trăm con vịt. Chuyện làm lúa nuôi lợn không nói chắc ai cũng biết lời lãi thế nào. Còn vịt thì đuổi ra bãi biển Đồng Châu thả vì hồi đó chỉ có mấy chục hộ nuôi ngao lẻ tẻ cho vui. Nhưng cái sự nuôi vịt thì như ông Điệp đúc rút cứ 2 năm trúng lại 1 năm bại, thành ra cũng...huề.

Đúng lúc đó thì năm 2006, UBND xã Đông Minh tổ chức đầu thầu bãi triều, tổ chức cho các hộ nuôi ngao, rồi chia đất bãi biển dựng nhà sàn làm du lịch. Từ một bãi biển hoang chẳng ai nhòm ngó, chỉ sau vài năm người nuôi ngao trúng đậm. Thế là bỗng có giá hàng trăm triệu. Đận ấy ông Điệp cũng liều bán tất cả trâu, lợn, vịt được 60 triệu, thầu được 1 hecta đất bãi trong 5 năm. Còn đâu ông dựng ngôi nhà sàn làm dịch vụ du lịch.

Tính liều làm cho vui vậy, ai ngờ chỉ sau 1 mùa du lịch, ông đã thu đủ vốn trả nợ. Bãi ngao năm 2008 dân Đông Minh 40% khóc ròng vì ngao chết, nhưng nhà ông may mắn thoát, thu cũng kha khá. Ông bảo, sắp đến dịp lễ 30/4-1/5 rồi, dịp hút khách nhất cuả mấy hộ dân làm du lịch. Năm ngoái thu vài ba chục triệu vào dịp này khỏe re. “Dù ở đây còn vắng khách nên thu nhập chưa cao. Nhưng đúng là chẳng ai ngờ, mấy cái bãi hoang chỉ dăm ba năm giờ lại đẻ ra tiền lắm thế!” – ông Điệp hài hước.

Đem lời ông Điệp nói chuyện với Chủ tịch UBND xã Đông Minh- ông Vũ Đức Thiện, ông Thiện tán thành: “Nếu không có chủ trương dựa vào thủy sản để phát triển, không cho đấu thầu bãi triều chuyển sang vùng ngao, rồi cho thuê mặt bằng làm du lịch thì tôi nghĩ không bao giờ Đông Minh có thể tiến nhanh như vậy. Mấy năm nay hơn 100 hecta vùng đất chuyển đổi từ đồng muối sang đầm nuôi tôm hùm tuy hay dịch bệnh, dân khó khăn nhiều nhưng nói thật, quy ra vẫn hơn 5 lần làm muối là chắc”.

+ Anh Trương Văn Huấn, chủ nuôi ngao xã Nam Thịnh.

“Những năm 2000, bọn tôi còn đi đào ngao tự nhiên làm ngao giống thả bừa vào bãi. Còn bây giờ con ngao giống đã...đi máy bay rồi. Hầu hết dân Tiền Hải đều muan ngao giống trong Bến Tre, Bạc Liêu chuyển bằng máy bay ra Bắc và tự ươm giống trước khi đưa ra nuôi thương phẩm. Năm 2009, trại giống của ông Vũ Công Đình ở xã Đông Minh đã SX thành công ngao giống nên dân đỡ khó khăn vì mua được nguồn giống đảm bảo chất lượng. Nuôi ngao nếu không có dịch bệnh thì một vốn 10 lãi, chắc làm chắc thằng vì không lo thị trường. Cái lo lắng nhất là nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm”. 

Năm 2009, sản lượng ngao thương phẩm của Tiền Hải đạt trên 20 nghìn tấn. Năng suất bình quân 40 tấn/hecta. Thu nhập bình quân 500-700 triệu đồng/hecta. Hầu hết ngao được các thương lái mua để cung cấp cho các DNXK lớn tại miền Nam. Số còn lại bán sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Mới đây, một cơ sở chế biến ngao thương phẩm đã khởi động xây dựng tại xã Nam Thịnh.

 

 

+ Anh Phạm Văn Thiêm, thôn Ngãi Châu, xã Đông Minh:

 

“Đầu tư cho 1 hecta bãi nuôi ngao thương phẩm tốn hàng trăm triệu đồng. Nhà tôi không có vốn nên chỉ đấu thầu khoanh nuôi gion tự nhiên với diện tích 5.000m2. Mỗi năm không cần đầu tư nhưng cũng thu được 30-40 triệu đồng. Nhờ vậy đời sống cũng đỡ. Nếu các ngân hàng tạo điều kiện cho gia đình khó khăn vay vốn dễ dàng hơn thì cơ hội làm giàu của dân biển chúng tôi là rất chắc chắn”.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm