| Hotline: 0983.970.780

Không biết làm gì thì làm… người mẫu

Thứ Hai 29/12/2008 , 11:30 (GMT+7)

Trong những căn phòng thực hành của Trường đại học nghệ thuật Huế, ông Lập vẫn phơi thân hình, co ro trên chiếc sập được trải bằng hai tấm vải màu xanh đỏ làm nền…

Ông Lập đang làm mẫu cho sinh viên vẽ
Cố đô cuối năm tê tái, từng cơn gió như muôn vàn mũi kim đâm vào da thịt. Trong những căn phòng thực hành của Trường đại học nghệ thuật Huế, ông Lập vẫn phơi thân hình, co ro trên chiếc sập được trải bằng hai tấm vải màu xanh đỏ làm nền… 

Vì miếng cơm manh áo 

Đội người mẫu nghiệp dư ở Trường đại học nghệ thuật khoảng 30 người và không có độ tuổi giới hạn. Già có, trẻ có, có người là sinh viên, có người là nông dân…. và họ có điểm chung đều là dân lao động và hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. 

Bản thân ông Huỳnh Lập đã có 7 năm gắn bó với nghề mẫu phục vụ sinh viên. Hai vợ chồng lấy nhau sinh được bảy người con. Con ông cũng đã lớn, chỉ có điều gia đình ông thuộc vào loại “nghèo truyền kiếp” nên mặc dù tuổi đã già, sức cũng đã yếu nhưng vì cái ăn, cái mặc luôn thiếu thốn nên ngày ngày ông để vợ bán hàng rong còn mình đến đây “ở trần” 9-10 tiếng đồng hồ mưu sinh. Bảy năm làm mẫu, chứng kiến bao thế hệ sinh viên ra trường, là từng ấy năm ông sống với nghề, cống hiến hết mình cho những họa sĩ, những nhà điêu khắc tương lai.  

Làm mẫu đối với ông gọi là một nghề cũng được và không phải về nghề cũng được, vì ông đến với nó không phải vì đam mê nghệ thuật mà là vì hoàn cảnh nghèo túng. Rít thêm hơi thuốc lá ông chiêm nghiệm rằng: “Cũng vì cái nghèo thôi chứ làm nghề này có sung sướng chi mô. Đi đâu cũng nhận được những câu mai mỉa đàn ông mà không biết xấu hổ, chỉ biết bán mình phơi thân kiếm sống…” 

Khác với ông Lập, vợ chồng bà Nguyễn Thị Gái đến với nghề mẫu là nhờ vào “truyền thống” của gia đình. Nghỉ giải lao sau hơn một tiếng đồng hồ “làm tượng”, bà Gái vội khoác chiếc áo lên người, rồi liền đưa đôi tay khua đi lại trên bếp lửa cho đỡ lạnh rồi chua chát: “Anh trai tui là người đầu tiên đến với nghề mẫu ở trường này, nhưng nay đã già yếu không theo được nữa. Vợ chồng tui đi làm mẫu đến nay đã 25 năm rồi, làm như ri bị người đời nói những lời miệt thị mình, vì hoàn nghèo khổ nên phải làm thôi”. 

Anh trai bà Gái là ông Phương "xíchlô", vốn trước đây vốn làm nghề đạp xíchlô ở chợ Đông Ba. Cái thời xích lô dần được thay thế bởi xe máy, taxi... ông Phương cũng chẳng đủ tiền để đổi nghề, thế nên cuộc sống của ông và gia đình túng thiếu. Có người bảo: Đi làm nghề mẫu có tiền hơn so với đạp xích lô, thế là ông vào nghề mẫu từ đó. Nhưng rồi cũng như bao phận mẫu khác khi tuổi đã xế chiều, ông Phương không được trọng dụng như lúc trước, thi thoảng ông chỉ được làm những vai mẫu người già. Thế nên thu nhập chẳng được khấm khá gì, ngày ông qua đời, người ta thấy thương ông, thương cái chết bạc bẽo nằm trên chiếc xích lô của một người mẫu không nhà. 

Hết buổi làm, theo chân ông Lập về căn nhà nằm bên cầu Bạch Yến bên đường Tăng Bạt Hổ. Đó là một ngôi nhà cấp bốn lụp xụp, vợ ông đang loay hoay dưới bếp lo bữa cơm trưa. Gọi là bữa cơm nhưng thực chất cũng chỉ có ít rau muống và mấy con cá khô: “Hôm ni ăn rứa là sướng rồi, chắc bà buôn bán suôn sẻ, chứ các bữa lấy đây ra mà ăn, chỉ ít rau muống cùng chén nước mắm thôi”. Ông Lập nghèn nghẹn. 

Đến với nghệ thuật vì cùng đường, thế nên họ “cống hiến” cho nghề chỉ với suy nghĩ giản đơn là kiếm miếng cơm manh áo. 

Nông dân… đi làm mẫu 

Được cái không cần mẫu đẹp, mẫu người cao, thấp, béo, gầy... đều làm được, chỉ cần mẫu toát lên một nét khác lạ để cho người vẽ có cảm xúc để vẽ. Chính vì vậy, đó là cái nghề dành cho những tất cả mọi người, chẳng có gì khó khăn, nếu ai vượt qua được sự ngại ngùng là làm mẫu được.

Cũng vì làm mẫu cho sinh viên vẽ không đòi hỏi độ tuổi, tiêu chuẩn hình thể nên đội mẫu nghiệp dư ở trường đại học nghệ thuật khá đa dạng. Có người mẫu là Hoa “sinh viên”, Phượng “lúa”. Quý “xích lô”… 

Ngoài những người mẫu bám trụ từ lâu ở đây, thì mấy năm gần đây có rất nhiều sinh viên đi kéo nhau đi làm thêm bằng nghề mẫu. Mỗi tháng các bạn có thêm mức thu nhập khoảng 4 - 450.000đ. Biết là bạc bẽo và phải gánh chịu những lời bàn tán xầm xì của bạn bè nhưng vì hoàn cảnh gia đình nghèo khổ không cung cấp đủ cho việc ăn học buộc phải đi làm mẫu để kiếm có tiền ăn học. Bạn Nguyễn Thị Hoa sinh viên trường Đại học Nông lâm Huế ngậm ngùi: “Là con gái em có muốn thế này đâu, khi nào cũng phải ở trần cho hằng trăm cặp mắt nhìn vào, rồi bị bạn bè nói những lời chua chát nào là cởi áo cho người ta xem… hàng, chua chát lắm chứ”.

Khi mùa màng đã thu hoạch xong, thay vì đi làm thuê, một số nông dân cũng gắng chen chân vào “làng mẫu”. Cũng có người tạo được “thương hiệu” nhờ những nét chân chất, quê mùa…Trong số đội người mẫu ở trường nghệ thuật khó ai có thể ngờ cô hoa khôi tên Phượng quê ở Phú Lộc lại là một nông dân chính hiệu. 

Hai vợ chồng thuần nông, bán mặt cho ruộng đồng quanh năm nhưng 7 sào ruộng không thể trang trải cuộc sống gia đình. Không đủ ăn thế nên cứ mỗi khi xong việc đồng áng là chị lại lên phố kiếm việc làm. Khi thì xin làm thợ nề, khi thì đi bán hàng rong…Cách đây 2 năm, trong một lần lên phố kiếm việc nhưng không thành, được một số người mách nước, Phượng đánh liều vào trường xin làm mẫu: “Làm mẫu tội lắm, nhiều lúc về nhà chồng đánh đập không cho đi làm nữa. Nhưng làm mẫu khoẻ hơn suốt ngày lam lũ với ruộng đồng và còn có tiền hơn”. Nuốt nước mắt chấp nhận những lời xầm xì bàn tán, Phượng tiếp tục “bám nghề”.  

Bạc bẽo 

Bà Gái:“Hai vợ chồng tui có muốn đi làm nghề này mô, nhưng nay già rồi không làm được nghề chi nữa. Cái nghề này bạc bẽo lắm”

Hiện ở trường Đại học Nghệ thuật Huế đội làm mẫu cả nam lẫn nữ có hơn 30 người. Mỗi tiết học họ làm mẫu 60 phút, nghỉ 15 phút và nhận được 17.000đ.

Do sinh viên học theo bài, theo trình khi thì cần mẫu nam, hay mẫu rồi mẫu đôi hay mẫu đơn…nên công việc ở đây lúc nắng, lúc mưa, không được liên tục. Mỗi ngày ngồi cật lực lắm thì những ông Lập, bà Gái cũng chỉ trụ được chừng chưa đầy 5 tiếng đồng hồ.

Tính ra mỗi buổi “biểu diễn” các người mẫu nghiệp dư được trả hơn 50 ngàn. Thế nhưng tiền bạc không phải là thứ bạc nhất của nghề mẫu. Những dư luận từ cái nghề ở trần này đã không ít lần nảy sinh những hệ lụy buồn. 

Hà một cô gái đẹp nghiêng nước nghiêng thành được nhiều chàng trai theo đuỗi và cô cũng đã có một người để gửi gắm tình cảm yêu thương. Cha mẹ già bị đau ốm nhưng nhà nghèo không có tiền thuốc thang chữa bệnh. Thân gái yếu ớt, việc làm không có nên cô đã bước vào nghề mẫu cho sinh viên kiếm chút tiền thuốc thang và trang trải cuộc sống gia đình. Trớ trêu thay, chỉ mới vào làm được hai tháng thì Hà liên tục bị những lời dèm pha cay đắng của mọi người. Không vượt qua được “tiếng xấu”, người yêu Hà đã bỏ cô ra đi.

Ở tuổi 35, cha mẹ không còn nên Hà có một ước nguyện làm mẫu cho hết đời nuôi thân. Chung cảnh ngộ với Hà là Lan. Trong tất cả những người làm mẫu ở đây ai nấy đều biết đến mối tình “sét đánh” của cô gái Quảng Bình với chàng sinh viên Đại học Ngoại ngữ Huế. Nhưng cũng giống như Hà: “Chúng em đều cùng quê, học với nhau từ nhỏ và cả hai cùng thi vô đây. Bọn em yêu nhau từ thời học sinh cho đến ngày biết em đi làm mẫu, anh ấy liền chia tay bởi một điều không chấp nhận việc em làm mẫu”, Lan chua xót. 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm