| Hotline: 0983.970.780

Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang:

Không bỏ rơi khuyến nông, thú y cơ sở

Thứ Hai 14/05/2018 , 13:45 (GMT+7)

Liên quan đến chủ trương “khai tử” chức danh khuyến nông, thú y cơ sở cấp xã, thôn, GĐ Sở Nội vụ Bắc Giang Bùi Ngọc Sơn cho biết: Tỉnh xác định đội ngũ này là cần thiết. Nhưng...

Nhưng trong giai đoạn hiện nay, phải chuyển đổi mô hình hoạt động sao cho hiệu quả.

09-42-24_thuycoso-1
Ông Bùi Ngọc Sơn – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang

Ông Sơn cũng cho biết: Để xử lý đội ngũ cán bộ này thì còn “nhiều chuyện”, chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều. Vì nó liên quan đến chế độ, chính sách, các quy định của pháp luật. Các đối tượng bị tác động có phần hoang mang, vì Sở chưa tính được phương án đề xuất tối ưu, nên vẫn đang đi khảo sát nắm tình hình, sau đó mới đề xuất lên UBND tỉnh để ra kế hoạch hành động cụ thể.

Phải chăng tỉnh Bắc Giang cho rằng đội ngũ khuyến nông, thú y cơ sở cấp xã, thôn đang hoạt động không hiệu quả?

Chúng tôi xác định đội ngũ khuyến nông và thú y cơ sở không phải là không cần thiết. Nhưng trong giai đoạn hiện nay phải chuyển đổi mô hình hoạt động cho hiệu quả. Chính vì vậy, Sở Nội vụ phối hợp với các ngành tham mưu với UBND tỉnh không bố trí chức danh này nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi bỏ nhiệm vụ khuyến nông và thú y. Theo kế hoạch, Bắc Giang sẽ sáp nhập Trạm Khuyến nông; Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Thú y cấp huyện thành Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp (trực thuộc cấp huyện). Và trung tâm này sẽ vươn lên làm những dịch vụ công đó.

Cái khó là khi triển khai tham mưu xây dựng kế hoạch này cũng có những ý kiến khác nhau. Và đặc biệt là nó tác động đến đối tượng là cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở. Họ đã gửi tâm thư lên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đặc biệt là lãnh đạo Sở Nội vụ - cơ quan tham mưu trực tiếp.

Nhìn chung các ý kiến đều muốn tiếp tục cống hiến. Và chúng tôi cũng nhận thấy rằng, đội ngũ này được đào tạo rất là cơ bản. Nhiều đồng chí đã tốt nghiệp thạc sĩ. Những người khác cũng được đào tạo đúng chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, thú y.

Giai đoạn trước, đội ngũ này rất phát huy. Nhưng với cơ chế như hiện nay, nhà nước còn tiếp tục bao cấp, không thực hiện cơ chế đặt hàng thì rất khó kiểm soát, đánh giá cụ thể. Do đó, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp sẽ chậm đổi mới, hiệu quả hạn chế.

Vậy Sở Nội vụ có phương án gì để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng khi bị xóa bỏ chức danh khuyến nông, thú y cơ sở?

Chúng tôi sẽ rà soát lại đội ngũ này, lựa chọn, sắp xếp, bố trí làm sao cho phù hợp. Và khi thành lập Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp trực thuộc cấp huyện thì chức năng này sẽ được giao. Nhà nước sẽ đặt hàng các dịch vụ khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật. Để tăng doanh thu, trung tâm này cũng phải từng bước tự chủ theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Trong các ý kiến từ cấp xã, huyện gửi lên, đa phần đều mong muốn giữ lại chức danh khuyến nông, thú y cơ sở như hiện tại. Sở Nội vụ lý giải vấn đề này thế nào?

Như chúng tôi đã nói từ trước, do thông tin hai chiều chưa đầy đủ. Có thể là bản thân các xã, thị trấn thấy rằng nếu sắp xếp lại thì rất khó khăn. Ví dụ như số lượng biên chế có hạn. Các vị trí công tác khác của xã cũng không nhiều. Trong khi đó, nếu có đội ngũ này hoạt động thì vẫn có tác dụng, vẫn có thể trực tiếp giúp cấp ủy chính quyền chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ (như phòng dịch...). Nếu giảm bớt đội ngũ này đi thì chính quyền phải thêm nhiệm vụ, nên không muốn bỏ chức danh này. Thậm chí nhiều nơi còn đề xuất tăng thêm một công chức xã nữa để thực hiện nhiệm khuyến nông, thú y.

09-42-24_thuycoso-2
Thú y cơ sở đang thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh

Vậy lộ trình “khai tử” hai chức danh này ở cấp xã, thôn được thực hiện như thế nào?

"Bắc Giang còn có một Nghị quyết giảm gần 40 đơn vị sự nghiệp công. Và đợt này giảm nữa thì coi như tỉnh vượt chỉ tiêu giảm 10% số lượng biên chế và 10% tổ chức bộ máy. Nếu không làm như thế thì thu nhập của cán bộ rất thấp, ví dụ như cán bộ thôn nhiều người chỉ có phụ cấp 160 – 180 ngàn đồng/người/tháng", ông Bùi Ngọc Sơn.

Bây giờ chúng tôi mới tổng hợp ý kiến, sau đó xin ý kiến các ngành từ đó đề xuất lên UBND tỉnh. UBND tỉnh thảo luận sau đó mới có phương án chính thức. Còn bây giờ mới chỉ là kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nhưng Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã được thông qua bằng văn bản hay chưa?

Hiện nay mới có chủ trương như vậy. Chúng tôi đã xây dựng 4 – 5 phương án, nhưng chưa dám đề xuất vì chưa có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các huyện đang rà soát, tổng hợp xem có thể bố trí bao nhiêu người làm công chức xã? Bao nhiêu người chuyển thành cán bộ không chuyên trách? Bao nhiêu người được chuyển ngạch viên chưc khi đủ điều kiện phù hợp với chuyên ngành đào tạo? Bao nhiêu người có nguyện vọng nghỉ? Một phương án nữa, nếu được tỉnh chấp thuận thì chúng tôi sẽ đưa hết đội ngũ này về Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp của các huyện. Nhưng mà đưa số lượng quá nhiều về đây thì trung tâm không nuôi nổi.

Chúng tôi đi tiếp xúc thì thấy cán bộ thú y rất yên tâm, nhưng cán bộ khuyến nông thì thấy rằng thả ra là khó làm (?!).

Hiện tại tỉnh Bắc Giang cần khoảng 300 công chức xã. Nếu các xã sử dụng tốt đội ngũ này thì sẽ phát huy được hiệu quả vì họ có năng lực thực sự. Khi làm việc tại cơ sở, chúng tôi cũng phải “gây sức ép” để chính quyền phải bố trí được công việc cho họ.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.