| Hotline: 0983.970.780

Không có cách nào khác là phải tăng cường giám sát con

Thứ Hai 26/12/2016 , 06:50 (GMT+7)

Những gia đình đám bạn cháu cũng vậy. Có con gái đầu lòng còn đỡ, con gái lớp 9 mẹ nhờ cậy được, chăm em, đi siêu thị với mẹ, làm bếp với mẹ… Con trai đầu lòng ở giai đoạn dở ương này...

Cô kính mến!

Con trai của cháu năm nay lớp 9. Không biết tả sao cho hết nỗi phập phồng của vợ chồng cháu với nó đó cô. Chúng cháu đều là công chức, bữa ăn, buổi học của con đều nhờ cậy người giúp việc. Cô ô-sin này rất tận tình, tin cậy được nhưng làm sao bằng mẹ được, cháu biết chứ. Nhưng cháu chỉ có hai ngày cuối tuần, có tuần bận luôn cả sáng thứ Bảy, lại còn em gái nó còn nhỏ, phải chăm sóc, cháu không đủ thời gian cho con.

Cái khó của vợ chồng cháu khi con ở lứa tuổi này là con học trên Internet, rồi nó phải có smartphone (vì nó tự đi xe đạp điện đến trường) và nó tự lập facebook. Vợ chồng cháu thì làm cái nghề mà khó có tài khoản trên phây như người ta, cô hiểu chứ. Chúng cháu chỉ lướt web xem báo như mọi người, còn thời gian đâu nữa mà xem những thứ khác. Vậy là con trai của cháu như ở ngoài luồng, luôn bí ẩn và ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ.

Những gia đình đám bạn cháu cũng vậy. Có con gái đầu lòng còn đỡ, con gái lớp 9 mẹ nhờ cậy được, chăm em, đi siêu thị với mẹ, làm bếp với mẹ… Con trai đầu lòng ở giai đoạn dở ương này thật lạ lẫm mà cũng thật rắc rối đúng không cô? Nó ngồi học, điện thoại trước mặt, máy nhá sáng liên tục, nó giải thích là bạn nhắn tin trên phây. Đêm nào nó cũng ngủ khoảng 11 giờ đêm, phòng riêng, máy lạnh, cửa đóng then cài, chúng cháu làm sao biết nó học hay chơi phây?

Cháu phải gần gũi con ra sao để giúp đỡ nó trưởng thành nhận thức và hành vi? Con ở giai đoạn bước ngoặt, nó văng ra khỏi lớp 10 chắc cháu chết luôn. Chồng cháu thì như mọi người chồng trong đám bạn cháu, lừng khừng, ỷ lại vợ quán xuyến, thời gian dành cho bạn bè anh ấy quá nhiều. Cháu lo lắng quá. Điểm trung bình năm lớp 8 của nó là 8,5, học kỳ này vừa thi, chưa biết ra sao. Cháu cho con đi học thêm mấy môn chính, khi nó bước vô nhà mới yên tâm không thì lên ruột đó cô. Sao bây giờ nuôi chỉ có hai đứa con mà nặng nề quá cô.

--------------------

Cháu thân mến!

Quả là nuôi một hoặc hai đứa con bây giờ không dễ tí nào. Không phải vấn đề kinh tế mà sự học của chúng làm cả gia tộc mệt mỏi theo chứ đâu chỉ có mỗi cha mẹ chúng. Học hành trong lớp căng thẳng, cô thầy lại ép học thêm và ra đường thì đủ thứ tệ nạn ngoài đông đúc xe cộ. Đúng, con trai dạy đã nặng mà nuôi nó đến tuổi trưởng thành dài quá, chí ít cũng xong lớp 12 mới tạm thở ra được một chặng.

Có một cột mốc mà chắc cháu cũng nhận thức được nó quan trọng hơn cả, ấy là lớp 9. Cô thấy có nhiều gia đình chểnh mảng một vài năm là con họ không vào được lớp 10, nguy hiểm vô cùng. Lâng châng dở người lớn dở trẻ con, không vào đời được mà ở nhà cũng không xong. Tuổi đó hầu như đứa trai nào cũng mê game, thích tóc kiểu nọ kiểu kia, không được kiểm soát thì nó còn xăm mình nữa chứ. Và thời trang, đeo khuyên, la cà, chửi thề, khinh khỉnh, đủ thứ. Rồi chớp mắt không để ý là có thể bập vào hít hút, ở ngay cổng trường đã có bọn mồi chài chờ để tóm. Và trên mạng là phim đen, là game, không biết làm sao với chúng.

Không có cách nào khác là phải tăng cường giám sát con. Chồng và vợ phải đồng thuận ít nhất cũng trong thời gian con ở lớp 9 này. Sao chồng không đưa đón con, cháu lo cho đứa con gái thôi? Nó tự đi thì có biết nó có đi học đều không, có đến chỗ học thêm không? Có những gia đình họ kỹ, họ thuê xem ôm gia đình đưa đón con như người nhà, ít nhất cũng đến khi con vào được lớp 10 đã.

Cô thấy biện pháp của vợ chồng cháu không nghiêm. Học mà điện thoại thông minh trước mặt, rồi lên phây thì học nỗi gì? Biết bao nhiêu chuyện hay mà cũng đầy những chuyện tầm phào trên phây, cháu không có facebook cháu không biết. Nó nghiện thì hết cứu luôn, cũng như nghiện những thứ khác vậy thôi. Đáng lý nó chỉ nên có điện thoại “cục gạch”, Internet cháu tắt mở có giờ để con nó tập trung học và ngủ nghỉ nữa chứ. Ở nước ngoài cáp truyền hình còn tắt mở theo ý cha mẹ để con nó đừng mê ti vi và xem phim đen. Phải có cách ngay từ đầu, tránh được hậu quả.

Cô không biết đã quá muộn chưa, cứ tin là chưa đi để còn lạc quan mà làm ăn và nuôi con chứ. Uốn nắn con dần dần, tâm tình, cho nó lắng nghe, nó nhận thức được tầm quan trọng hơn hết của thời điểm này. Đừng quá hoang mang, nhưng cũng đừng lơ là, coi như từ đây đến hè 2017 và hết thi tuyển lớp 10, “nhiệm vụ chính trị” của nhà cháu là đứa con đang cuối cấp II đó thôi. Cần thì vợ chồng thay nhau nghỉ phép khi nó gần thi cuối năm để lo, nấu ăn, đưa đón, để mắt đến con từng ngày một. Nín thở qua cầu cháu nha.

 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.