| Hotline: 0983.970.780

Không có việc đốn dừa hàng loạt

Thứ Sáu 03/08/2012 , 09:51 (GMT+7)

Dừa đang rớt giá trầm trọng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng đâu là vấn đề cốt lõi? Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã trả lời cụ thể với NNVN vấn đề này.

* Người trồng tin giá dừa sớm hồi phục 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

Dừa đang rớt giá trầm trọng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng đâu là vấn đề cốt lõi? Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã trả lời cụ thể với NNVN vấn đề này.

Ông nhận định gì về giá dừa trong thời gian qua, cụ thể là trước và sau Festival Dừa lần III tại Bến Tre (tháng 4/2012)?

Giá dừa trong thời gian qua có những diễn biến theo những cung bậc khác nhau và làm "thót tim" người trồng. Có những lúc nó làm cho con tim vui rộn ràng với giá cả mỗi ngày một tăng lên đến mức không ngờ. Nhưng cũng có lúc nó xuống thấp đến mức nao lòng, làm khổ những người nhiều năm gắn bó với cây dừa.

Sau một thời gian dài ở mức 2.400-2.800 đ/trái, giá dừa vượt lên mức trên 3.000 đ/trái trong năm 2009. Trong năm này và những tháng đầu năm 2010, giá dừa bình quân trên địa bàn tỉnh dao động trong khoảng 3.050-3.500 đ/trái. Nhưng từ tháng 4/2010 giá dừa có bước tăng cao liên tục, lên đến 8.175 đ/trái vào cuối năm 2010 và đến đỉnh điểm 12.000 đ/trái vào tháng 10/2011.

Sau đó là giai đoạn xuống giá đến cuối năm 2011, chỉ còn 7.000 đ/trái. Đầu năm 2012, giá dừa tiếp tục lao dốc, có lúc khoảng 1.000-1.500 đ/trái. Giá rớt thê thảm kiểu này khiến cho đời sống người trồng dừa rơi vào cảnh vô cùng khó khăn, nhất là những hộ có diện tích canh tác dưới 0,5 ha; mà đa số hộ trồng dừa ở Bến Tre, có diện tích đất trồng ít, dưới 0,5 ha (khoảng 123.000 hộ).

Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rớt giá?

Nguyên nhân quyết định, chi phối trực tiếp làm giảm giá dừa là do yếu tố cung cầu và ảnh hưởng của tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới. Hiện nay, nguồn cung dừa trái lớn (do thời tiết thuận lợi và tập trung thâm canh nên trong năm 2012 sản lượng dừa trái các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tăng trên 20%, Bến Tre tăng khoảng 27%).

Lý do Bến Tre có sản lượng tăng cao hơn còn bởi thời gian qua giá dừa cao, bà con nông dân tỉnh đã đổ công chăm sóc tốt, đúng kĩ thuật nên góp phần làm tăng năng suất. Như vậy, yếu tố “được mùa” ít nhiều cũng làm lệch thêm cán cân cung cầu mà vốn cung đã vượt cao cầu.

Mặt khác, khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng đến tình hình SXNN làm giá nông sản bị tác động. Không phải chỉ có dừa bị giảm giá mà toàn bộ những sản phẩm nông nghiệp đều bị ảnh hưởng, như cà phê, thanh long, cá tra, khoai lang...

Nói riêng cây dừa, sức mua và giá cả các sản phẩm chế biến từ dừa trên thị trường thế giới giảm mạnh (kể cả sản phẩm chính và sản phẩm phụ). Đây là tình hình chung của nhiều nước trồng dừa, chứ không chỉ riêng ở Bến Tre. Sự sụt giảm có yếu tố khách quan, như do nhu cầu cần phải tiết kiệm của người tiêu dùng.

Rồi sự cạnh tranh dầu cọ cũng khiến nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm dừa chậm lại. Sự giảm giá do nhu cầu giảm lần này rõ ràng là ảnh hưởng mạnh đến đời sống người trồng và DN kinh doanh dừa.

Tâm lý của người dân trồng dừa ở Bến Tre thế nào, thưa ông?

Bến Tre có 163.083 hộ trồng dừa, chiếm khoảng 40% dân số toàn tỉnh. Giá trị SX ngành dừa trong nông nghiệp khoảng 3.500 tỷ đồng, chiếm 20% tổng giá trị SXNN của tỉnh. Việc giá dừa xuống thấp trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân ở địa phương. Nhân dân rất lo lắng và băn khoăn vì nếu giá dừa tiếp tục rớt giá kéo dài thì nhiều hộ gia đình sẽ lâm vào khó khăn.

Còn nói về chuyện do giá giảm mà nông dân Bến Tre đốn dừa hàng loạt như một số báo, đài gần đây có nêu, theo chúng tôi (đã cho khảo sát) thì hoàn toàn không có chuyện nông dân đốn dừa hàng loạt đâu! Vì dù cây dừa có giảm đến mấy chăng nữa, khi đốn một cây, chắc chắn nhà nông nào cũng rất cân nhắc, biết suy tính thiệt hơn; chứ không vì khó khăn trước mắt.

Lý do? Để trồng một cây dừa có trái cũng phải mất 7-10 năm, mặt khác cây dừa đã gắn bó bao đời ở đất Bến Tre, chuỗi giá trị và tính lợi ích bền vững của nó so với các loại cây trồng khác đã được người dân thấu hiểu.

Nếu có hiện tượng đốn hạ một số cây dừa, đấy chẳng qua là do trong thời gian giá cao, những cây “dừa lão” năng suất thấp, nông dân vẫn để lấy trái, được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu. Nay giá dừa giảm mạnh, là lúc họ đốn để trồng lại hoặc lấy ít đất trồng cây khác có giá hơn. Cũng có thể do nhu cầu lấy đất thực hiện một số hoạt động khác, như cất nhà, làm đường, xây dựng công trình công cộng... thì đây là thời điểm để thực hiện.

Nói chung, chỉ số ít hộ ở những vùng có điều kiện, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Còn đa số, người dân vẫn tin tưởng vào sự hồi phục của giá dừa, giá trị kinh tế tổng hợp của vườn dừa mà tiếp tục chăm sóc vườn dừa hiện có. Mặt khác, tỉnh cũng đã quán triệt được cho nhà vườn phải nâng cao hiệu quả canh tác dừa bằng cách trồng xen ca cao, bưởi, điều…

Nâng cao năng suất bằng cách chọn giống và kĩ thuật canh tác. Kết hợp nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa để tăng hiệu quả kinh tế. Vì thật ra, ở Bến Tre người dân không có nhiều đất để trồng dừa, mỗi hộ chỉ trung bình 4,5 công đất. Nếu chỉ dựa đơn thuần vào cây dừa thì dù giá dừa có cao, người nông dân cũng không khá được.

Tỉnh đã có giải pháp gì để đối phó thực trạng bất lợi này?

Trước mắt và lâu dài tỉnh sẽ áp dụng nhiều giải pháp. Về giải pháp ngắn hạn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20/2012/NQ-HĐND ngày 10/7/2012 về việc thông qua chính sách hỗ trợ cho người trồng dừa trên địa bàn tỉnh, nhằm tiếp sức người dân chăm sóc vườn dừa, ổn định diện tích trồng dừa với định mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha. Thời gian hỗ trợ chia làm 2 đợt quý 3/2012 và quý 1/2013.

Mặt khác, tỉnh sử dụng vốn sự nghiệp khoa học (khoảng 3,5 tỷ đồng) để hỗ trợ DN đầu tư đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, triển khai dự án nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa... Ngoài ra, trong năm 2012, tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho DN tham gia xúc tiến thương mại quốc gia ở nước ngoài theo hướng chuyên nghiệp, nhằm tìm kiếm khách hàng mới, tham gia hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASIAN 9 (Quảng Châu, Trung Quốc), Sial Paris 2012, Sial Trung Đông...

"Bến Tre sẽ kịp thời bổ sung, điều chỉnh các chính sách thu hút đầu tư; đơn giản hóa thủ tục để thu hút mạnh hơn nữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là cây dừa; tiếp tục chuyển giao TBKT vào việc cải tạo, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng dừa; nhân rộng các mô hình trồng xen, nuôi xen có hiệu quả" (ông Trần Anh Tuấn).

Còn giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ phân bón trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh cho tất cả hộ dân trồng dừa trong năm 2013, với định mức 100 kg/ha nếu giá dừa không tăng, đời sống người dân trồng dừa tiếp tục gặp khó khăn. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 100% giống ca cao trong dự án được phê duyệt năm 2012 sang năm 2013 (nếu các hộ dân có nhu cầu đăng ký sẽ tiếp tục được hỗ trợ) và hỗ trợ 100% giống tôm càng xanh cho người dân phát triển mô hình liền canh, liền cư trong vườn dừa với diện tích khoảng 2.000 ha.

Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí đào tạo về công tác quản lý, kĩ thuật sơ chế cho HTX, tổ hợp tác thu mua và sơ chế dừa tại các địa phương; đồng thời hỗ trợ DN áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như: ISO 9001-2008; ISO 22000, HALAL, HACCP... vào SX các sản phẩm từ dừa;

Tỉnh còn có chương trình vận động xây dựng các mô hình liên kết dọc-ngang trong ngành dừa, cụ thể là liên kết DN chế biến với cơ sở thu gom, sơ chế; liên kết người trồng dừa với cơ sở thu mua sơ chế; liên kết DNSX cùng mặt hàng để hỗ trợ nhau trong quá trình SX và tiêu thụ sản phẩm. Nhất là việc ban hành chính sách ưu đãi đặc biệt cho ngành công nghiệp chế biến dừa, để thu hút DN đầu tư chế biến các sản phẩm từ dừa...

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm