| Hotline: 0983.970.780

Không dạy nghề theo phong trào

Thứ Năm 12/01/2012 , 10:04 (GMT+7)

Trong tổng số gần 800.000 người được học nghề, hơn 70% có việc làm ngay, gần 1/2 chọn học nghề nông nghiệp...

Ảnh minh họa
Trong tổng số gần 800.000 người được học nghề, hơn 70% có việc làm ngay, gần 1/2 chọn học nghề nông nghiệp. Đó là kết quả sau 2 năm thực hiện “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được công bố hôm qua (11/1) tại hội nghị tổng kết 2 năm triển khai QĐ 1956 của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi đi vào thẳng vấn đề bất cập khi triển khai dạy nghề nông nghiệp. Mặc dù đã có 41 địa phương áp dụng mô hình dạy nghề trồng trọt, 38 địa phương dạy nghề chăn nuôi, nhưng chưa thể lựa chọn làm thí điểm phạm vi rộng. Các nghề trồng cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, thú y... chưa sát với nhu cầu người học. Một số nghề chưa bám sát quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi ở địa phương nên sau khi học xong, khó tổ chức SX.

Thống kê cho thấy, với địa phương áp dụng mô hình dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, 90% người học xong có việc làm; thu nhập trung bình từ 0,8 - 2 triệu đồng (thậm chí nghề đúc đồng, chạm khảm tranh đồng tới 10 triệu đồng/tháng) nhưng bất cập ở chỗ người dạy nghề ít kinh nghiệm giảng dạy, xây dựng tài liệu và quản lý lớp không đạt yêu cầu.

Thứ trưởng Phi nhận định: Phải chọn nghề một cách nghiêm túc chứ không thể làm theo phong trào. Dạy nghề chỉ hiệu quả nếu như có sự phối hợp chặt chẽ 4 nhà (Nhà nước- người đặt hàng- nhà trường- người đào tạo).

Nghề nông là “nhóm chủ lực” triển khai đề án, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, khuyết điểm đầu tiên là việc phối hợp giữa các cơ quan thuộc ngành NN-PTNT với ngành LĐ-TB&XH và các địa phương chưa theo đúng tinh thần chỉ đạo. Một bộ phận lao động chưa được học đúng nghề, đúng cơ sở đào tạo theo nhu cầu, do không đủ người tổ chức 1 lớp học, đi xa, kinh phí thấp. Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề còn lúng túng trong việc xin cấp ứng kinh phí dạy nghề và thủ tục thanh quyết toán kinh phí sau khi kết thúc lớp học.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng nhiều văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, nội dung khó thực hiện. Các cơ sở dạy nghề còn lúng túng với hình thức cấp thẻ, phải ứng trước kinh phí tổ chức nhưng khi quyết toán khó...

+ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Sau 2 năm triển khai đào tạo nghề theo hình thức phát thẻ thí điểm, tỉnh Bến Tre đã cấp 4.689 thẻ, Thanh Hóa gần 2.000 thẻ. Tại Bến Tre, đến cuối năm 2011 tổng số lao động nông thôn được đào tạo là gần 3.600 người (đạt 75,8%), 70% học viên có việc làm. Còn tại Thanh Hoá, 90% lao động có việc làm, chủ yếu làm nghề trồng mía, rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm...

+ Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT: Cách đây 3 tuần, tôi đi kiểm tra một cơ sở dạy nghề ở tỉnh Bắc Giang đã phát hiện có sự cắt xén thời lượng chương trình học nghề từ 3 tháng xuống chưa đầy 1 tháng. Nguyên nhân bởi giữa kinh phí được phân bổ với thời lượng chương trình học nghề chưa “bằng nhau”.

Đại diện tỉnh Bắc Giang cho biết: Tỉnh triển khai thí điểm 4 mô hình đào tạo nghề gồm chăn nuôi gà rừng (240 lao động, 100% có việc làm, 15% có việc làm mới, thu nhập tăng 6 lần), nuôi thỏ (1.550 lao động). Nghề sửa chữa xe máy (250 lao động, 100% có việc làm sau học). Nghề may công nghiệp tại các DN (1.150 lao động, 90% có việc làm ngay). Ngoài ra, Bắc Giang đã tổ chức 546 lớp cho hơn 15.000 lao động nông thôn học nghề ngắn hạn.

Khó khăn là nhiều nơi chưa nhận được ngân sách nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, kinh phí cấp cho cán bộ xã thấp. Đề nghị quy định độ tuổi tham gia học nghề nhằm hạn chế đối tượng lợi dụng để lấy kinh phí. Đồng thời tăng độ tuổi học nghề dành cho nam trên 65 tuổi, nữ trên 60 tuổi.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với 800 nghìn lao động nông thôn được học nghề, là đạt yêu cầu. Tuy nhiên không vì thành tích mà dạy nghề theo kiểu phong trào, chất lượng thấp. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phấn đấu trong 2012 có 600.000 lao động nông thôn cả nước được học nghề. Ngoài ra, những địa phương không dự báo được lao động sau khi học nghề làm ở đâu, thu nhập như thế nào thì không nên tổ chức học.

"Tôi yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH tổ chức rà soát lại các chính sách có liên quan đến đào tạo nghề. Các địa phương phải có hướng dẫn để Bí thư, Chủ tịch xã, huyện ít nhất tham quan, học tập kinh nghiệm tại nơi tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất