| Hotline: 0983.970.780

Không được thỏa mãn, để chững lại đầu nhiệm kỳ

Thứ Hai 16/09/2019 , 08:32 (GMT+7)

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được tổ chức tại Bạc Liêu cuối tuần qua.

Thành tựu đáng ghi nhận

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là nước nông nghiệp, từ quá khứ đến hiện tại, vấn đề đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng, quan tâm. Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề tam nông xác định, xây dựng NTM là căn bản, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể quyết định.

16-25-55_1hoi_nghi_dien_r_duoi_su_chu_tri_cu_pho_thu_tuong_vuong_dinh_hue_truong_bn_chi_do_cc_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gi_2
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng BCĐ các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, Hội nghị là dịp đánh giá kết quả đã đạt được sau 10 năm triển khai, thực hiện công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Triển khai xây dựng NTM, cả hai vùng đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện và vững chắc, thu nhập tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Hiện nay, vùng Đông Nam bộ gồm 6 tỉnh, thành phố, dân số hơn 17 triệu người, là đầu tàu kinh tế năng động, trung tâm công nghiệp, dịch vụ trọng điểm, đóng góp hơn 40% thu ngân sách và 45% GDP cả nước. Vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố, dân số 17,5 triệu người, với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, thủy hải sản, công nghiệp thực phẩm, du lịch nông thôn, là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp và giữ vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế.

Với 1,5 triệu ha đất trồng lúa, vùng ĐBSCL luôn giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước.

Qua gần 10 năm nỗ lực triển khai thực hiện, cả 2 vùng đã có 874/1.731 xã (50,49%) được công nhận đạt chuẩn NTM (cả nước 50,8%). Trong đó, Đông Nam bộ có 311/445 xã (69,89%) đã được công nhận, bình quân đạt 17,16 tiêu chí/xã, dự kiến đến hết năm 2020 có khả năng đạt tỷ lệ 80%, hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. ĐBSCL có 563/1.286 xã (43,78%) đã được công nhận đạt chuẩn, bình quân đạt 15,43 tiêu chí/xã, dự kiến đến hết năm 2020 có khả năng đạt 51%.

Đến nay, vùng Đông Nam bộ đang dẫn đầu cả nước về số tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong đó, Đồng Nai có 100% số xã đạt chuẩn và 100% đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn. Bình Dương đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện nay, 2 vùng có 12 đơn vị cấp huyện thuộc 8 tỉnh Bình Phước, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2019.

Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM từ 2010 đến 2019 của 2 vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL khoảng 932.498 tỷ đồng, cao nhất so với cả nước, tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng. Nổi bật là kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được các địa phương chú trọng đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, đã và đang hỗ trợ tốt cho việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất và nâng cao chất lượng đời sống, sinh hoạt cho người dân.

Về tiêu chí thu nhập, vùng Đông Nam bộ có 352 xã đã hoàn thành, đạt 79,1%, vùng ĐBSCL có 953 xã đã hoàn thành, đạt 74,1%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng Đông Nam bộ có 352 xã đã hoàn thành, đạt 91% và ĐBSCL có 980 xã đã hoàn thành, đạt 76,2%, cao hơn đáng kể so với mức hoàn thành của cả nước (69,2%).
 

Những mô hình hay

 Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Lê Quốc Doanh, đánh giá, ở cả 2 vùng về phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập thì các xã đạt chuẩn các tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở khu dân cư đều cao hơn so với bình quân cả nước. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung có quy mô lớn, thứ hạng cao không chỉ trong nước mà vươn tầm thế giới.

Vùng Đông Nam bộ nổi bật là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trên quy mô lớn, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn vào chế biến nông sản, xuất hiện những mô hình nông nghiệp sinh thái khép kín tuần hoàn, vùng nông nghiệp ven đô. Toàn vùng đã hình thành 404 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, với 160 sản phẩm.

ĐBSCL đã xoay trục sang “thuỷ sản - trái cây – lúa”, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với chế biến, nâng cao giá trị gia tăng. Hình thành nhiều vùng nuôi tôm tập trung (Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng), cá tra (An Giang, Đồng Tháp) theo phương pháp thâm canh hiện đại, áp dụng công nghệ cao và bền vững về môi trường sinh thái, đạt giá trị sản xuất trên 10 tỷ đồng/ha.

Đồng thời có nhiều mô hình canh tác nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu theo hướng “thuận thiên”, như lúa- tôm (Kiên Giang, Bạc Liêu), tôm- rừng sinh thái ven biển (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng), đa canh kết hợp lúa- màu- chăn nuôi… Toàn vùng ĐBSCL có 200 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, với 336 sản phẩm.

Vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL đã có 13/19 tỉnh đã phê duyệt đề án Mỗi xa xmootj sản phẩm (OCOP), với mục tiêu đến năm 2020 có 369 sản phẩm OCOP được chuẩn hoá theo bộ tiêu chí. Riêng tỉnh Bến Tre đã triển khai phân hạng sản phẩm OCOP, với 45 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên và đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn.

16-25-55_3pho_thu_tuong_vuong_dinh_hue_v_di_bieu_thm_cc_gin_hng_trung_by_sn_phm_ocop_cu_cc_di_phuong_ti_hoi_nghi_5
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đại biểu thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP.

Trong quá trình xây dựng NTM, nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, mang đậm dấu ấn riêng. Điển hình như tỉnh Đồng Tháp với mô hình “Hội quán Nông dân” thu hút được đông đảo người nông dân tham gia, làm thay đổi nhận thức, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ: “Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển được 80 Hội quán, với khoảng 4.300 thành viên và 17 hợp tác xã kiểu mới đã được hình thành trên nền tảng của mô hình này. Người nông dân đã chấp nhận bước ra khỏi ngôi nhà riêng của mình để hòa chung vào ngôi nhà của Hội quán, đó là một sự thay đổi đáng mừng của người nông dân Đồng Tháp đất Sen hồng”.

Tỉnh Đồng Tháp đang phối hợp với các các Học viện, trường Đại học nghiên cứu đề tài khoa học về mô hình Hội quán và nghiên cứu phát triển mô hình “Làng thông minh” từ mô hình Hội quán nông dân tại Đồng Tháp, giai đoạn 2019-2021. Với mục tiêu là xây dựng Làng thông minh từ mô hình Hội quán phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và điều kiện kinh tế- xã hội trong nước. Từ đó, ứng dụng mô hình Làng thông minh ở một số địa phương trên địa bàn.
 

Còn nhiều việc phải làm

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả đã được được trong 10 năm qua của 2 vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL, với trên 50% số xã được công nhận đạt chuẩn. Vùng này đang dẫn đầu về số tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Về kết quả chung, đang đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Đồng bằng sông Hồng.

Vùng ĐBSCL có kết quả chung thấp hơn nhiều so với cả nước, mới chỉ có 43,78% số xã được công nhận đạt chuẩn (cả nước 50,8%). Tuy nhiên, về bình quân số tiêu chí/xã thì cả 2 vùng đều cao hơn so với cả nước (Đông Nam bộ 17,16 tiêu chí/xã, ĐBSCL 15,43 tiêu chí/xã, so với cả nước là 15,26 tiêu chí/xã) và có sự đồng đều hơn.

Theo Phó Thủ tướng, cốt lõi của chương trình xây dựng NTM là giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân thì 2 vùng này đều làm tốt. Đông Nam bộ đang có thu nhập bình quân khá cao, đạt 68,52 triệu đồng/người/năm, ĐBSCL đạt 46,68 triệu đồng, trong khi cả nước là 43 triệu đồng. Nhiều địa phương đã rút ngắn mức chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn.

Kết quả 10 năm xây dựng NTM đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, về đích sớm gần 2 năm so với mục tiêu đề ra. Vì vậy, cần có hội nghị tổng kết sớm các vùng miền và toàn quốc (dự kiến vào trung tuần tháng 10 tại Nam Định) để đánh giá mặt được, cũng như hạn chế.

16-25-55_4xy_dung_ntm_d_gop_phn_lm_thy_doi_bo_mt_nong_thon_cung_nhu_phuong_thuc_sn_xut_cu_nguoi_nong_dn_2
Xây dựng NTM đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn cũng như phương thức sản xuất của người nông dân.

Từ đó sớm đề xuất để ban hành chính sách, thể chế. Phải xác định chương trình xây dựng NTM là có điểm khởi đầu nhưng không có kết thúc. Không được thỏa mãn với kết quả đã đạt được, không để xảy ra tình trạng bị chững lại đầu nhiệm kỳ do chờ ban hành chính sách thể chế.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt hạn chế và chỉ đạo các địa phương phải có quyết tâm thực hiện, thay đổi trong thời gian tới. Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng kích lệ nhưng vùng Đông Nam bộ vẫn chưa thực sự phát huy hết vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế, trong khi ĐBSCL có dấu hiệu chững lại so với mặt bằng chung. Hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền còn hạn chế, kết quả đạt được giữa các địa phương còn chênh lệch quá lớn.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chưa phát huy hết hiệu quả, nhanh xuống cấp, ô nhiễm môi trường nông thôn ởđáng báo động. Tiến độ triển khai Chương trình OCOP nhằm giúp quảng bá, tiêu thụ tốt các mặt hàng nông sản chưa được quan tâm đúng mức và chậm so với cả nước. Hiện cả nước còn 9 tỉnh, thành chưa phê duyệt Đề án OCOP cấp tỉnh thì 2 vùng này đã chiếm tới 6 tỉnh, gồm Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, có ít nhất 8/19 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Vùng Đông Nam bộ có ít nhất 70%, ĐBSCL có ít nhất 50% đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM, trong đó mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Cấp xã, vùng Đông Nam bộ có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Vùng ĐBSCL có ít nhất 75% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 30% số xã đạt chuẩn nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn kiểu mẫu.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm