| Hotline: 0983.970.780

Không hoãn thi hành Nghị định 36 về cá tra

Thứ Năm 19/06/2014 , 20:07 (GMT+7)

Đó là khẳng định của ông Phạm Anh Tuấn- PTCT. Tổng cục Thủy sản:  từ ngày 20/6/2014 các tổ chức, cá nhân liên quan phải có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

PV: Đề nghị ông cho biết ý kiến của Tổng cục Thủy sản về việc gần đây một số doanh nghiệp đề nghị lùi thời hạn thi hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP?

Ông Phạm Anh Tuấn- PTCT. Tổng cục Thủy sản:

Theo quy định của Chính phủ, ngày 20/6/2014, Nghị định 36/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Tổng cục Thủy sản khẳng định không có việc hoãn thi hành Nghị định. Theo đó, từ ngày 20/6/2014 các tổ chức, cá nhân liên quan phải có trách nhiệm thi hành Nghị định. Các quy định về quy hoạch nuôi, chế biến cá tra; điều kiện nuôi cá tra thương phẩm; điều kiện cơ sở chế biến cá tra; điều kiện chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến… có hiệu lực thi hành ngay. Riêng quy định về đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra cần có văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính.

Hiện nay việc soạn thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Bộ Nông nghiệp và PTNT đang ở giai đoạn cuối cùng (đang lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan). Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn phương pháp tính giá thành cá tra nguyên liệu.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân xuất khẩu sản phẩm cá tra trong thời điểm các Bộ chưa ban hành các văn bản như đã nêu trên, ngày 18/6/2014 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành công văn số 1976/BNN-TCTS gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Hiệp hội cá Tra Việt Nam và các hiệp hội ngành hàng có liên quan nêu rõ: việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra thực hiện bắt đầu từ thời điểm Thông tư nói trên của Bộ Nông nghiệp và PTNT có hiệu lực thi hành. Do đó, thời điểm ngày 20/6/2014 đến khi Thông tư hướng dẫn Nghị định 36/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì việc xuất khẩu sản phẩm cá tra vẫn diễn ra bình thường (thủ tục đăng ký và xác nhận vào Giấy đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra chưa thực hiện từ ngày 20/6/2014 như dự kiến).

PV: Một số doanh nghiệp đang băn khoăn việc bắt buộc đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra sẽ làm lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Phạm Anh Tuấn:

Gần đây, một số doanh nghiệp lo ngại bị lộ bí mật thông tin trong hợp đồng xuất khẩu (hợp đồng ngoại thương) khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội cá tra Việt Nam. Đây là cách hiểu chưa đúng với quy định Nghị định. Mục đích của việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu là để kiểm soát, điều tiết điều kiện sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm cá tra theo chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó có giá sàn cá tra nguyên liệu, tránh tình trạng hạ giá mua cá tra nguyên liệu, dẫn đến người nuôi cá tra bị thiệt hại, thua lỗ như trong thời gian vừa qua.

Theo Điều 8 Nghị định, khi đăng ký hợp đồng thương nhân không phải xuất trình hợp đồng xuất khẩu, do đó không thể lộ bí mật về giá xuất khẩu. Mặt khác, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 36/2014/NĐ-CP Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng quy định khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu thương nhân chỉ phải khai báo khối lượng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu... không bắt buộc khai báo bên nhập khẩu, giá xuất khẩu.

PV: Gần đây một số báo mạng có nêu “Nghị định cá tra: vẽ quy định để thu phí”. Đề nghị ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ông Phạm Anh Tuấn:

Nghị định 36/2014/NĐ-CP quy định cá tra là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện (điều kiện nuôi cá tra thương phẩm – Điều 4; điều kiện cơ sở chế biến cá tra – Điều 5; điều kiện về chất lượng – Điều 6; điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá tra– Điều 7).

Việc Chính phủ quy định phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra nêu là phù hợp với quy định của Pháp lệnh phí, lệ phí và Danh mục chi tiết phí, lệ phí tại Nghị định 24/2006/NĐ-CP, Nghị định 115/2011/NĐ-CP.

Bộ Tài chính hiện đang gấp rút xây dựng, chuẩn bị ban hành quy định về phí theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương nhân xuất khẩu cá tra. Hiệp hội cá Tra Việt Nam là tổ chức quản lý, sử dụng phí thẩm định kinh doanh thương mại cá tra theo quy định của pháp luật. Như vậy, không có nghĩa là Hiệp hội cá Tra được sử dụng toàn bộ nguồn thu từ loại phí nêu trên.

PV: Theo quan điểm của một số tổ chức ngành hàng liên quan đến chế biến, xuất khẩu cá tra: Tỷ lệ mạ băng được đưa ra bởi cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu, hoặc bởi nhà nhập khẩu, nếu nước nhập khẩu không có quy định. Do đó, chỉ cần quy định doanh nghiệp phải ghi rõ tỷ lệ mạ băng trên nhãn hàng hóa, không cần quy định cụ thể về tỷ lệ mạ băng tại Nghị định. Quan điểm của ông về nội dung này?

Ông Phạm Anh Tuấn:

Tại mục b, khoản 3, Điều 6 Nghị định quy định: Tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của thị trường nhập khẩu. Các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10%.

Theo ý kiến của đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Bộ Nông nghiệp và PTNT (NAFIQAD) tại hội nghị triển khai Nghị định 36/2014/NĐ-CP (tổ chức tại Cần Thơ ngày 9/6/2014): Mục đích công nghệ của việc mạ băng là để bảo vệ sản phẩm nhằm giảm thiểu khả năng mất nước, cháy lạnh gây suy giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình bảo quản đông lạnh.

Trong thực tế quản lý, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã nhận được nhiều phán ánh về việc doanh nghiệp chế biến và nhà nhập khẩu có thể tự thỏa thuận, quyết định tỷ lệ mạ băng, lợi dụng mục đích công nghệ để có những gian dối về chất lượng, giá thành đối với người tiêu dùng. Hậu quả của việc làm này gây khó khăn cho công tác quản lý, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp gian dối và ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thông qua việc hạ giá thành dẫn đến nguy cơ bị cáo buộc và áp thuế chống bán phá giá, sản phẩm thủy sản bị bôi nhọ tại các thị trường nhập khẩu (như sự việc đã từng xảy ra Hoa Kỳ, Ucraina, Liên bang Nga và các nước thuộc Liên minh Châu Âu: Anh, Pháp, Đức, Italia,...), gây mất uy tín chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản Việt Nam nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng.

Như vậy, quy định này là cần thiết để chấn chỉnh tình trạng mạ băng vượt quá mức cho phép thời gian qua, ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh sản phẩm cá tra Việt Nam tại một số thị trường xuất khẩu.

PV: Một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra cho rằng: quy định hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% tại khoản 3 Điều 6 Nghị định là thiếu cơ sở khoa học và thương mại. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Phạm Anh Tuấn:

Đây là quy định có đủ căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn. Trong quá trình xây dựng Nghị định, Ban soạn thảo đã tham vấn, sử dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp cơ sở về “Nghiên cứu, xây dựng phương pháp phát hiện nước ngoại lai trong sản phẩm cá tra tại Việt Nam” do Hội đồng khoa học cấp cơ sở của Bộ Nông nghiệp và PTNT (bao gồm đại diện của NAFIQAD, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, Vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam-VASEP) thẩm định và nhất trí với kết quả nghiên cứu.

Các phương pháp phân tích, thực nghiệm trong quá trình triển khai Đề tài đều là các phương pháp quốc tế, được thừa nhận rộng rãi. Thông số chất lượng của cá tra tươi nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long- hàm lượng nước: 79,73%, hàm lượng đạm tổng số: 17,63%, hàm lượng Phospho: 0,45% tính theo thành phần về khối lượng. Dữ liệu này cũng tương đồng với cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia cập nhật tháng 11/2013 (SR26) của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ-USDA, trong đó hàm lượng nước đối với cá da trơn (channel catfish) nuôi là: 79,06% và tự nhiên là: 80,36%.

Như vậy, để kịp thời có biện pháp kiểm soát hiệu quả việc tuân thủ các quy định về chất lượng của thị trường nhập khẩu, hạn chế tình trạng gian lận về mặt chất lượng sản phẩm, bảo vệ uy tín sản phẩm cá tra Việt Nam, việc áp dụng quy định về mức trần hàm lượng nước trong cá tra đông lạnh xuất khẩu như quy định tại Nghị định 36/2014/NĐ-CP là có cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn quản lý ngành hàng cá tra. Quy định này chấn chỉnh tình trạng lạm dụng quá mức hóa chất ngậm nước trong sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh thời gian qua của một số doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai thi hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP tổ chức ở Cần Thơ vẫn còn một số ý kiến của doanh nghiệp băn khoăn về quy định này. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiếp thu, xem xét, tham mưu, đề xuất. Nhưng trước mắt đề nghị các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định của Nghị định.

PV: Xin cảm ơn ông !

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm