| Hotline: 0983.970.780

Không khai ấn đền Trần Thái Bình

Thứ Tư 16/02/2011 , 10:30 (GMT+7)

“Lễ hội đền Trần Thái Bình” do UBND huyện Hưng Hà tổ chức. Sẽ không tổ chức “khai ấn” như năm ngoái nữa...

"Năm ngoái là “Tuần văn hóa tại khu di tích các vua Trần ở Thái Bình (đền Trần Thái Bình)” do ngành Văn hóa tỉnh tổ chức. Còn năm nay là “Lễ hội đền Trần Thái Bình” do UBND huyện Hưng Hà tổ chức. Sẽ không tổ chức “khai ấn” như năm ngoái nữa", ông Nguyễn Hồng Chuyên, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho hay.

Lời khẳng định của ông chủ tịch khiến chúng tôi yên lòng. Câu chuyện về chiếc ấn nhái của một người tận bên Tàu, chẳng liên quan gì đến triều đại nhà Trần và văn hóa Việt Nam, được đưa vào đền Trần Thái Bình như một di vật của vua Trần rồi được mang ra “khai”, phát tứ tung, gây dư luận không hay gần cả năm qua, giờ đây đã không mấy ai nhắc đến nữa. Khắp tỉnh lúa đang náo nức một không khí chuẩn bị cho lễ hội lớn nhất tỉnh này. Trước và sau Tết Tân Mão, người tứ xứ đã về đền chiêm bái rất đông, và lượng người cứ tăng dần, đến ngày 12 tháng Giêng thì dòng người trẩy hội càng nhộn nhịp, dù ngày 13 mới bắt đầu…

Toàn bộ khu di tích các vua Trần ở Thái Bình rộng 24 ha, đã được xây dựng khá hoàn chỉnh. Đền nằm ở phía Bắc con đường xuyên làng Tam Đường, xã Tiến Đức (tên thời Trần là xã Thái Đường, thuộc hương Đa Cương, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng), hướng kiến trúc quay về phía Nam, trước mặt là 3 gò ấn kiếm (phần Đa, phần Bụt, phần Trung) mà nhân dân vẫn gọi là mả vua, phía sau tựa vào làng Tam Đường, nơi trước đây có 7 gò đất như chòm sao “Thất tinh” . Câu “tiền Tam Thai, hậu Thất tinh” có nguồn gốc từ đó.

Hai bên tả hữu (Đông và Tây) đền có sông Thái Sư (sông do Thái sư Trần Thủ Độ đào) và sông Nhị Hà, như hai vòng tay ôm ấp. Hơn bẩy thế kỷ đã ầm ầm lướt qua với không biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nhưng ở đây, anh linh cổ nhân như vẫn còn hiển hiện. Chính vì phát hiện ra vùng “đất nhiều gò” (Đa Cương hương) này là một vùng đắc địa, mà cụ Trần Hấp đã từ Tức Mặc (nay là ngoại thành Nam Định) chuyển cư sang đây rồi “giờ lành, ngày Tân Dậu, tháng Đinh Tỵ, năm Quý Sửu” cụ đã dời mộ thân sinh mình là Trần Kinh từ Tức Mặc sang an táng tại gò Hỏa tinh, để rồi mấy chục năm sau, chắt của cụ là Trần Cảnh đã trở thành vị Hoàng đế thiếu niên của một triều đại mới, nhờ một cuộc “chuyển giao quyền lực” một cách hết sức nhẹ nhàng, êm thấm.

 Hãy thử tưởng tượng xem, nếu không có cuộc chuyển giao đó, thì số phận đất nước ta, số phận dân tộc ta sẽ ra sao trước họa xâm lăng của giặc Nguyên - Mông? Chính vì xem đất này là quê hương, là nơi phát tích, phát nghiệp của mình, nên theo gương triều Lý, các vua Trần cũng chọn đất Thái Đường làm nơi đặt tôn miếu. Theo sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn thì “Xã Thái Đường huyện Ngự Thiên có 4 lăng: Thái Tổ (Trần Thừa), Thái Tông (Trần Cảnh), Thánh Tông (Trần Hoảng), Nhân Tông (Trần Khâm) nhà Trần, lại có lăng của 4 hoàng hậu". Chính vì là tôn miếu, nên tại đây đã diễn ra nhiều sinh hoạt có tính chất quốc gia.

Ngày 15 tháng 5 năm Ất Dậu (1285), ngay sau khi tiêu diệt đạo quân Nguyên ở Trường Yên, trên đường tiến về Chương Dương, thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã về Thái Đường làm lễ bái yết tại lăng vua Thái Tổ và Thái Tông để báo tin thắng trận. Và ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (1288), một lễ dâng tù trọng thể đã được diễn ra cũng tại hai lăng Thái Tổ, Thái Tông. Các tướng giặc Nguyên cao cấp bị bắt như Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi, Sầm Đoạn… cùng hàng trăm tướng tá cấp thấp khác đã được hai vua Thánh Tông, Nhân Tông đưa về Thái Đường dâng lên tổ tiên…Tại lễ dâng tù đó, vua Trần Nhân Tông đã xúc cảm hai câu thơ để đời: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu”.

Không chỉ có lăng tẩm, mà theo sử sách, thì đương thời, ở đây còn rất nhiều công trình kiến trúc và hành cung lộng lẫy do nhà Trần xây dựng như Bến Ngự, vườn Màn, điện Thiên An, điện Diên Hiền, thềm Thiên Trì… Hàng trăm hiện vật rất phong phú thuộc niên đại nhà Trần do ngành khảo cổ phát hiện trong các đợt khai quật đã nói lên điều đó.

Lễ hội đền Trần Thái Bình năm nay mở đầu bằng lễ rước nước từ sông Hồng về đền Trần, tiếp theo là lễ bái yết các vua Trần, ban phúc ân và dâng hương. Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà Nguyễn Hồng Chuyên nói với chúng tôi bằng một giọng đầy tin tưởng: "Bằng lễ hội này, chúng tôi mong muốn khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, qua đó giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, động viên nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống, đẩy mạnh phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đồng thời tạo điểm nhấn về văn hóa".

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất