| Hotline: 0983.970.780

"Không khéo sau này, kiểm lâm có súng mà không dám dùng"

Thứ Năm 15/04/2010 , 07:15 (GMT+7)

Liên quan đến vụ một kiểm lâm bị lâm tặc tấn công buộc phải nổ súng tự vệ dẫn đến cái chết một lâm tặc ngày 13/4, Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp - ông Hà Công Tuấn - đã có cuộc trao đổi nhanh với NNVN.

Ông Hà Công Tuấn

Liên quan đến vụ một kiểm lâm viên Vườn quốc gia Yok Đôn bị lâm tặc tấn công buộc phải nổ súng tự vệ dẫn đến cái chết một lâm tặc ngày 13/4, Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp - ông Hà Công Tuấn - đã có cuộc trao đổi nhanh với NNVN.

>> Tan nát rừng cấm Yok Đôn

Ông nhận được tin này trong hoàn cảnh nào?

Mới 5h sáng ngày 13/4, tôi nhận được điện thoại từ anh Trương Văn Trưởng- GĐ Vườn quốc gia Yok Đôn thông báo trong lúc rạng sáng cùng ngày, Trạm kiểm lâm số 7 và số 8 của đơn vị phối hợp tuần tra trên địa bàn rừng giáp ranh giữa 2 Trạm, anh em có phát hiện một số đối tượng khai thác gỗ hương. Kiểm lâm phục chặn 7 xe máy, bắt được 4 xe còn 3 xe chạy thoát. Thấy lực lượng kiểm lâm không đông, những xe lâm tặc đã chạy thoát bèn trút bỏ gỗ lậu rồi quay lại tấn công. Trong lúc đó, tại hiện tường lực lượng kiểm lâm phân công 3 đồng chí ở lại giữ xe, còn lại về Trạm huy động thêm người, phương tiện đưa tang vật về.

Rồi diễn tiến sự việc tiếp theo ra sao thưa ông. Vì sao kiểm lâm phải nổ súng?

Sự việc bất ngờ diễn ra theo chiều hướng xấu cho kiểm lâm. Lợi dụng đêm tối, lâm tặc vừa hô to: “Nó chỉ có ba thằng thôi. Chém chết đi” vừa tập trung quây 3 anh em kiểm lâm tại hiện trường. Chúng tấn công trực diện bằng mã tấu, gậy gộc trong đó có Đinh Văn Bằng sinh năm 1990 (người bị bắn chết). Thấy lâm tặc áp đảo có thể nguy hiểm đến tính mạng, 3 anh em kiểm lâm rút chạy nhưng vẫn bị chúng truy đuổi khiến anh Ngô Tiến Thành phải vừa chạy vừa nổ mấy phát súng cảnh cáo, ngăn chặn. Một viên đạn đã trúng vào người Bằng. Cơ quan pháp y giám định, viên đạn làm đối tượng chết tại chỗ. Hiện bên điều tra đang tiến hành làm rõ vụ việc.

Vụ xung đột này nói lên điều gì thưa ông?

Nó nói lên tình trạng chặt phá, nhất là gỗ quý hiếm đã và đang diễn ra rất phức tạp ở VQG Yok Đôn mà chính báo NNVN đang phản ánh. Cùng với hành vi phá rừng là những kẻ lâm tặc cực kỳ hung hãn khiến lực lượng kiểm lâm phải kiên quyết đấu tranh, thậm chí đổ xương máu. Có thể nói lâm tặc ngày càng ngang nhiên thách thức kiểm lâm.  

Kiểm tra những cây gỗ bị lâm tặc tàn phá

Quan điểm của ông trong vụ việc cụ thể này như thế nào?

Cần phải bảo vệ kiểm lâm trong lúc thi hành công vụ. Bảo vệ ở đây bằng chế độ chính sách mà quan trọng nhất theo tôi phải sửa đổi cơ chế, chính sách về quy định sử dụng súng. Trong trường hợp thi hành công vụ mà sử dụng vũ khí để tự vệ một cách chính đáng phải được xem xét khách quan, bảo vệ anh em để họ không chịu những hậu quả bất lợi về mặt pháp lý. Bản thân anh em kiểm lâm thức đêm, thức hôm bảo vệ rừng, bị lâm tặc dùng mã tấu, gậy gộc tấn công rất nguy hiểm nên dùng vũ khí tự vệ là cần thiết.

Trường hợp này tương tự như trường hợp kiểm lâm Hoàng Minh Huệ ở Quảng Bình năm 2002 khi bị lâm tặc tấn công, đã nổ súng bắn chết lâm tặc đó rồi bị giam giữ gần 2 năm mới được giải oan. Mà nói thật đến lúc chờ được giải oan thì còn gì nữa. Anh em kiểm lâm nhìn vào cũng nhụt chí.

Cơ quan điều tra đã vào cuộc vụ việc ở Yok Đôn chưa?

Đương nhiên cơ quan pháp luật địa phương phải điều tra làm rõ vấn đề. Tuy nhiên trao đổi qua điện thoại với với Chủ tịch UBND tỉnh Đăklăk, đồng chí Bí thư Huyện uỷ Buôn Đôn tôi đều nói rõ quan điểm là chúng ta phải dứt khoát đấu tranh và phải bảo vệ được lực lượng kiểm lâm nếu đó là tự vệ chính đáng. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này dễ dẫn đến hệ luỵ, kiểm lâm được trang bị vũ khí mà không dám sử dụng, dẫn đến chuyện lâm tặc ngày càng lộng hành còn kiểm lâm thì sợ hãi không dám làm gì.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án VFBC

Dự án đã huy động và ghi nhận đầu tư hơn 33 triệu USD từ các doanh nghiệp thân thiện bảo tồn, giúp hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất