| Hotline: 0983.970.780

Không làm nông thì làm... giám đốc

Thứ Ba 15/05/2012 , 10:42 (GMT+7)

Không còn ruộng canh tác, bà con thôn Đại Tự, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức tự phát triển nghề làm két bạc kiếm kế sinh nhai rồi tiến tới làm giàu.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế cho khu vực phía Tây Hà Nội, người dân thôn Đại Tự, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức phải nhượng trên 100 ha đất nông nghiệp của mình cho Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. Không còn ruộng canh tác, bà con nơi đây tự phát triển nghề làm két bạc kiếm kế sinh nhai rồi tiến tới làm giàu.

>> Cái khó ló... đất đa nghề

NGÀY MẤT RUỘNG

Có lẽ Đại Tự là làng duy nhất ở Hà Nội làm nghề két bạc. Hiện cả làng có hàng chục Cty, DN quy mô lớn, nhỏ, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các vùng lân cận. Mỗi ngày, tại đây hàng nghìn chiếc két bạc, tủ hồ sơ… được xuất bán ra thị trường, thu lại cho làng quê này hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Quay trở lại cách đây hơn chục năm, khi nghề làm két bạc manh nha ở Đại Tự do vợ chồng ông Đỗ Văn Bản người sống tại thôn đưa về. Vào thời điểm đó, vào làm tại xưởng két bạc của vợ chồng ông Bản là mơ ước của nhiều thanh niên nông thôn, bởi thu nhập hàng tháng tới 3 - 4 triệu đồng.

Nhưng làng nghề két bạc Đại Tự thực sự thịnh vượng, lớn mạnh bắt đầu từ năm 2008, khi tỉnh Hà Tây sáp nhập với TP. Hà Nội. Sau khi có địa giới hành chính mới, đất tại những khu vực giáp danh Thủ đô bỗng dưng trở nên có giá nên liên tục được các DN đầu tư xây dựng khu đô thị, công nghiệp, trung tâm thương mại…

Xã Kim Chung cũng không nằm ngoài guồng phát triển đó. Sau khi mất ruộng, người dân nơi đây đã xoay xở sang làm nghề két bạc, dần dần hình thành nên cụm làng nghề két bạc nổi tiếng không chỉ ở Hà Nội mà cả miền Bắc.


Những ông chủ tại thôn Đại Tự đều xuất thân từ nông dân

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng khu làng nghề két bạc với hệ thống nhà xưởng san sát, ô tô vào ăn hàng dập dìu nằm khuất phía sau Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, Trưởng thôn Đại Tự Cấn Nhật Tân tự hào cho biết, hàng chục ông chủ tại thôn ông đều xuất thân từ nông dân chân lấm tay bùn, nhưng nhờ dám nghĩ, dám làm mà thành đạt giàu có như ngày hôm nay. “Toàn thôn Đại Tự có 450 hộ thì gần 50 hộ có xưởng sản xuất, phần lớn là làm két bạc, trong đó hầu hết đều đứng lên thành lập DN. Vì két bạc ở Đại Tự có giá cả khá bình dân nên được thị trường rất ưa chuộng", ông Tân tâm sự.

Giờ thôn Đại Tự đã trở thành một trong những làng quê giàu có nhất xã Kim Chung nhưng trong ký ức của ông Cấn Nhật Tân và người dân nơi đây chưa thể quên được những khó khăn ngày mới nhường "bờ xôi ruộng mật" cho Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. Ông Tân cho biết, trước còn ruộng người dân quê ông dù không giàu có nhưng cũng khá giả nhờ thu nhập từ nghề trồng rau màu bán cho khu vực nội thành Hà Nội. Nhưng sau khi đất bị thu hồi, năm đầu tiên không còn ruộng với người dân Đại Tự vô cùng chật vật.

Nhà nào nhà nấy tất bật chạy ngược, chạy xuôi buôn bán chuyển nghề kiếm tiền lo cuộc sống hàng ngày rồi lo cho con cái học hành. Sau, một số gia đình thấy công việc chạy chợ vất vả mà thu nhập chẳng được là bao nên về nhà tự mở xưởng làm két bạc. Người này theo chân người kia, dần dà thôn Đại Tự có hàng chục người theo nghề của vợ chồng ông Đỗ Văn Bản. Nhờ cần cù chịu khó, chất lượng két bạc tốt cộng giá cả phải chăng nên chỉ vài ba năm trở lại đây, két bạc Đại Tự trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường két bạc tại Việt Nam.

NĂNG ĐỘNG

Đến Đại Tự bây giờ, không thấy người dân bàn chuyện cày bừa, cấy hái nữa, mà thay vào đó là giá sắt thép, giá vận tải, giá cát hiện lên hay xuống. Điều đặc biệt, trong khi hầu hết các làng quê khác, tình trạng dư thừa lao động sau thu hồi đất nông nghiệp trở nên phổ biến, nhức nhối thì Đại Tự luôn trong tình trạng thiếu lao động.

Ông Đinh Doãn Lởi, Giám đốc Cty TNHH Sản xuất Việt Đức, một trong những DN SX két bạc lớn nhất nhì Đại Tự cho biết, hiện Cty của ông có 40 - 50 công nhân, làm việc thường xuyên với thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Lởi tâm sự việc đến với nghề làm két bạc với ông là điều tất yếu. Học hết lớp 7, bôn ba đủ nghề, chợ búa khắp nơi nhưng thấy cuộc sống vẫn khó khăn, năm 2009 ông Lởi quay về quê học nghề sản xuất két bạc và mạnh dạn đầu tư hết vốn liếng mở xưởng tại nhà. May mắn gặp thời cơ nên chỉ mấy năm sau, cơ sở của ông Lởi vươn lên thành những cơ sở làm két bạc lớn nhất nhì xã Kim Chung, đem lại thu nhập cho ông mỗi năm vài tỷ đồng.

Ly nông bất ly hương, người dân Đại Tự đang thực hiện có hiệu quả phương châm làm giàu cho mình, cho quê hương, góp phần xây dựng NTM. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển những làng nghề như Đại Tự, rất cần chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt bằng để các DN có thể phát triển ngày càng lớn mạnh song song với việc gìn giữ tốt môi trường sống.

Tiếp xúc với các DN ở Đại Tự, có một điều khiến chúng tôi bất ngờ nữa là các chủ DN ở đây không kêu ca phàn nàn việc thiếu vốn mà chỉ đề nghị được mở rông thêm mặt bằng SX vì hiện nay đã quá chật chội và ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Thi, chủ xưởng két bạc Sơn Hà cho hay, để làm ra một cái két bạc phải trải qua rất nhiều công đoạn nên đòi hỏi diện tích mặt bằng lớn. Trước đây, các cơ sở đều tận dụng mặt bằng trong khu đất ở của gia đình để sản xuất.

Bên cạnh việc đầu tư công nghệ, kỹ thuật, những giám đốc xuất thân từ nông dân ở Đại Tự còn không ngừng tự nâng cao trình độ quản lý của mình. Nghe các giám đốc làng tại đây kể chuyện từng theo học các lớp về quản trị, kinh doanh, chúng tôi rất khâm phục sự năng động, sáng tạo, không ngừng học hỏi của các anh, chị nông dân chính hiệu. Được biết, một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan đã từng về đây giúp đỡ mở các lớp về quản lý, quản trị DN. Không cần hô hào, vận động, các "giám đốc làng" đều tự giác tham gia học và thi rất nghiêm túc. Bản thân những giám đốc chân đất không muốn dừng lại ở những thành công trước mắt mà còn quyết tâm xây dựng tương lai lâu dài bền vững cho con em và làng quê của họ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm