| Hotline: 0983.970.780

Không lối thoát

Thứ Năm 26/06/2014 , 10:07 (GMT+7)

Hóa ra, ở những ngôi làng ven biển, có những bi kịch còn lớn hơn cả cái chết./ Xương dâu đầu gáo!

Những ngày lang thang dọc dải biển Quỳnh Lưu (Nghệ An), tôi nghe ngư dân đúc kết: Tỷ lệ đàn ông miền biển chết trẻ nhiều nhất, đàn bà góa nhiều nhất, trẻ con thất học đông nhất, số gia đình mắc nợ cao nhất... Buồn đến não nề. Bức tranh làng biển toàn những gam màu xám .

Đầy rẫy bi kịch

Hóa ra, ở những ngôi làng ven biển, có những bi kịch còn lớn hơn cả cái chết. Phụ nữ miền biển thủy chung, chịu khó, thanh niên miền biển chí thú làm ăn, trẻ con làng chài ham học... Nhưng giống như nghiệp chướng, giống như trò đùa tai quái của ông trời, họ không thoát ra được khỏi những nỗi đau làng biển, không có tương lai.

Trong số hàng trăm người đàn bà làm nghề buôn bán cá tôm ở cảng cá Lạch Quèn có gần 1/3 là góa phụ. Họ phải kiếm sống ở chính cái nơi mà người thân của mình ra khơi rồi không quay về nữa.

Tôi theo chân chị Bùi Thị Đào về căn nhà nằm ở rìa đê thôn Thành Công (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Giống như nhiều ngôi nhà khác ở miền biển này, chỉ xây thô lên rồi căng bạt ở. Lụp xụp, rách rưới như tổ đỉa.

Những căn nhà không có đàn ông. Nhà chị Đào có 5 người. 3 đứa con và một bà cụ đã ngoài 80 nữa. Người có sức vóc nhất, trụ cột của gia đình là anh Bùi Văn Bình thì đã chết ngoài biển năm 2010, khi mới 39 tuổi.

Chị Đào ngồi kể cho tôi nghe về những chuyện hết sức đau buồn của gia đình mình mà không hề rơi một giọt nước mắt. Chị cũng là con gái miền biển, người bên xã Quỳnh Phương, có lẽ khi bước chân lấy một người chồng đi biển thì chị đã biết trước cuộc đời mình phải chấp nhận những điều không may rồi.

 “Đàn bà con gái ở cái làng này xấu duyên nên đàn ông đi biển chết nhiều, mà toàn là chết trẻ. Mất mát nhiều quá nên dần cũng quen luôn. Ừ thì đau đớn đó. Nhưng biết làm sao được”. Người đàn bà nói giọng vừa buồn tủi vừa chấp nhận.

Vừa nói chị vừa nhìn sang bà cụ Lê Thị Mua, một người đàn bà mất cả chồng lẫn con ngoài biển. Chồng mất đúng thời điểm bà đang mang thai đứa út, khi đẻ ra, cả mẹ lẫn con đều lẩn thẩn. Hai người đàn bà, một ngoài 80, một gần 40 nhưng chung một nỗi đau của những người đàn bà miền biển: Chồng mất khi còn trẻ, một thân một mình gồng gánh cả gia đình.

Xóm chài này vì thế cứ như một thế giới khác. Thế giới của những góa phụ, con côi, của những nỗi đau âm ỉ nhưng không bao giờ thấy kêu ca, oán hận. “Ai cũng như ai thì kêu làm gì hở chú”, họ bảo vậy.

Cái ăn của 5 con người trông vào những buổi chạy chợ hú họa của chị Đào. Nhiều thì được khoảng trăm ngàn, có bữa về không. Khoản nợ ngân hàng từ ngày anh Bình mất, mấy năm nay chưa trả nổi một đồng.

Đứa con gái lớn chị Đào vừa thi tốt nghiệp lớp 12. Con bé rất ham học, năm nào cũng học sinh tiên tiến. Nó cũng làm hồ sơ thi đại học, giấc mơ của nó là đậu trường thủy sản để có điều kiện giúp đỡ người dân quê mình.

Nhưng chị Đào không dám cho con đi thi, dù con bé năn nỉ xin đi thi một lần cho biết chứ nếu đậu cũng không đi học. Không có tiền. Cả hai mẹ con đều biết hoàn cảnh ấy.

Đợi nó đi nấu cơm dưới bếp, mẹ nó mới thở dài: Mẹ nào mà nỏ muốn con cái mình học hành để kiếm cái nghề. Khổ cái là không nuôi nuổi chú à. Một mình tui nuôi được chúng nó ăn đã vàng mắt ra rồi. Ở miền biển này, có mấy đứa con gái học hành lên cao được mô chú.

Nói xong, người mẹ ấy nhìn xa xăm ra biển. Tôi đoán, chị đang nghĩ về tương lai của nó. Chắc là nó lại lấy một người chồng đi biển. Hi vọng đời nó không lặp lại bi kịch của mẹ, của bà. Nhưng e là khó.

Cạnh nhà chị Đào là nhà chị Lý, chị Lê, chị Tám, chị Đoài, chị Lượng, chị Hương... Người nào cũng mất chồng ngoài biển, cũng một thân một mình nuôi con cái cả đấy thôi. Một sự chấp nhận đớn đau đến mức bình thản của những người đàn bà làng biển.

14-01-02_nhbien4
Rất nhiều phụ nữ góa bán cá ở Lạch Quèn

Nghề chính của họ là buôn mớ cá, mớ tôm hoặc bước đường cùng như chị Phạm Thị Lê thì đi làm người ở cho người ta. Tôi không hình dung được họ đã vượt qua những nỗi đau cuộc sống thế nào, chỉ thấy lạ là không thấy người nào tái giá, đi bước nữa.

Có phải họ sợ cảnh lấy chồng đi biển, sợ một ngày lại ngất lên ngất xuống khi nghe tin một chiếc tàu nào đó không trở về hay không? Thật khó trả lời.

Khi trưởng thôn Thành Công, ông Nguyễn Công Khai dẫn tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Lòn thì bà đã bỏ đi miền Nam với đứa cháu được mấy ngày rồi. Nhà nhìn như bỏ hoang.

Ông Khai tỏ ra tiếc cho tôi, bởi nếu viết về đàn bà miền biển thì phải gặp được bà Lòn. Bố bà mất ngoài biển, chồng bà mất ngoài biển, con bà cũng chết ngoài biển. Tất cả họ đều không tìm thấy xác, phải lấy “xương dâu đầu gáo” đem chôn...

“Ở cái làng này không có nghề gì ngoài biển. Mà đã làm nghề đi biển rồi thì không làm nghề khác được nữa. Thành thử có chết chóc, có tai nạn thì cũng phải ra khơi. Ông chết thì bố đi, bố chết thì con đi. Kể cả nhiều gia đình có 2-3 người chết thì những người còn lại có sợ đến mấy cũng không bỏ biển được”, ông Khai đúc kết bằng cái giọng của một người nhiều lần chứng kiến sự mất mát ở làng chài này.

Thành Công có 216 hộ dân, 19 hộ nghèo trong thôn hầu hết rơi vào những gia đình mất mát người thân ngoài biển cả. Ông Khai cũng nói với tôi rằng, con số ấy chưa được một nửa. Nếu chính xác phải gấp đôi. Đó là những gia đình “cháo húp quanh, nợ trả dần”.

Vòng luẩn quẩn đáng sợ

Đi qua nhiều làng chài, tôi đã cố gắng tìm những điểm sáng, những niềm hi vọng của nghề đi biển, nhưng không có. Thanh niên làng biển cần cù, chịu khó có lẽ khó ai bằng nhưng rồi vẫn cứ bị biển khơi bạc đãi, vẫn cứ chết chóc, nợ nần...

Ngẫm ra rằng, sống ở miền biển, hết tuổi đi học, nếu không thoát ly được thì bám biển mưu sinh. Nghề đi biển, một năm 12 tháng, mỗi tháng ở nhà độ vài ngày mùa trăng, còn lại lênh đênh hết nơi này sang nơi nọ.

14-01-02_nhbien5
Trẻ con làng biển

Thời gian sống ở đất liền chỉ tính bằng ngày, có lẽ vì thế mà con trai miền biển cũng thường cam chịu cái nghề truyền kiếp, cam phận với suy nghĩ tù túng của vùng quê. Những trò làm ăn ma mãnh, gian trá cũng về đến những làng biển heo hút này rồi. Máy móc, dụng cụ đi biển kém chất lượng bị đội giá lên gấp ba gấp bốn lần bình thường nhưng không ai biết.

Tất cả những gia đình đi biển mà tôi gặp ở dọc dải biển Quỳnh Lưu không có thanh niên nào đi học đại học. Hoặc là đi biển, hoặc là bỏ làng đi làm công nhân.
Lý do cũng dễ giải thích: Thực ra nếu cố vay mượn thì cũng cho con đi học đại học được, nhưng học xong rồi không có tiền chạy chọt xin việc làm. Chiều ra cảng Lạch Quèn có không ít cử nhân tốt nghiệp đại học hẳn hoi đang vác cá.

Ở thôn Thành Công, gia đình bà Lê Thị Tám và Phạm Thị Lê ở gần nhau và cùng chung một bi kịch như được lập trình sẵn.

Họ là hai chị em dâu trong gia đình ông Hồ Do. Chồng của họ, Hồ Văn Minh và Hồ Sỹ Dự đều chết mất xác trong một vụ chìm tàu hơn chục năm trước để lại cho vợ con khoản nợ gần cả trăm triệu đồng. Những khoản nợ mà tôi đồ rằng, với hoàn cảnh hiện tại có khi sống đến hết đời họ chưa chắc trả nổi.

Sau cái nạn mất chồng, những người như bà Tám, bà Lê từng thề sẽ cố sống cố chết nuôi con ăn học để chúng kiếm cái nghề. Nhưng với công việc của họ, một người buôn cá, một người đan lưới, ngày khá mới được tiền trăm nên nửa đường đứt gánh.

Bà Lê có 4 người con, hai trai hai gái, bà Tám có 2 thằng con trai, tổng cộng là 6. Bốn thằng con trai đi bạn với các chủ tàu có vốn, hai cô con gái cũng lấy chồng đi biển. Lúc tôi đến tìm, hai thằng con nhà bà Tám đang chuẩn bị ra khơi. Hồ Văn Thành (20 tuổi), Hồ Văn Trung (17 tuổi). Hỏi chúng có sợ không? Cả hai lắc đầu trả lời kiểu: Sợ cũng có khác được mô anh.

Ở một số thôn như Thành Công, Minh Thành (xã Quỳnh Long) tôi đã nhờ các vị trưởng thôn tìm một vài trường hợp thoát ly nghề biển nhưng họ đều lắc đầu. “Cũng có một vài thanh niên bỏ biển thoát ly, nhưng được một thời gian lại thấy quay về xin đi bạn ngang”, các ông trưởng thôn bảo thế.

Rồi cả trẻ con nữa. Nếu nhìn vào đám trẻ nheo nhóc mà người mẹ góa Mai Thị Phương (29 tuổi) đang nuôi bằng nghề nại muối thì có lẽ không ai dám tin tưởng vào tương lai của chúng. Tôi mua cho mỗi đứa vài cái kẹo, Phương bảo rằng, đó là những cái kẹo đầu tiên chúng được ăn kể từ dịp tết đến giờ.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất