| Hotline: 0983.970.780

Không mâu thuẫn giữa giữ đất lúa và phát triển kinh tế

Thứ Năm 09/12/2010 , 10:47 (GMT+7)

Trên thực tế, những thửa đất “bờ xôi ruộng mật” thường có lợi thế về địa lý, nhà đầu tư nếu chuyển mục đích thì sẽ có hiệu quả kinh tế. Vả lại, vì muốn tăng thu ngân sách nên các địa phương cũng dễ chấp nhận chuyện thu hồi đất lúa cho DN. Như vậy cả hai bên đều gặp nhau.

Việt Nam đang nằm trong vòng xoáy của tác động tăng dân số, đất nông nghiệp bị suy giảm. Do đó, an ninh lương thực là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Giữ được đất lúa chính nhằm mục đích này.

>> Đã có ''hàng rào'' bảo vệ đất lúa
>> Khiếu kiện sẽ phức tạp hơn?

Mục tiêu chính - an ninh lương thực

Dự thảo Nghị định về quản lý đất lúa được Bộ NN-PTNT lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành để trình Thủ tướng phê duyệt, trong đó chú trọng đặc biệt đến việc đấu giá đất lúa khi chuyển mục đích sử dụng, đang được dư luận quan tâm đặc biệt. Theo dự thảo, đất lúa là đất có điều kiện phù hợp để có thể gieo trồng từ một vụ lúa nước trở lên trong một năm, không bao gồm đất trồng lúa nương. Trong khi đó, “đất chuyên lúa hai vụ” là đất hiện đang được trồng hoặc có đủ điều kiện trồng từ hai vụ lúa trở lên trong năm.

Ngoài ra, việc chuyển mục đích sử dụng đối với đất lúa được quy định hết sức chặt chẽ. Theo đó, dự thảo quy định, không được phép chuyển đất chuyên canh lúa hai vụ để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu dịch vụ vui chơi giải trí, nếu tại địa phương còn quỹ đất khác để bố trí cho các mục đích sử dụng này.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, giá đất, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất lúa là một rào cản thật sự cho DN. Cụ thể, nếu giao, cho thuê đất để thực hiện các dự án khu đô thị và các dự án sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp khác thì sẽ thực hiện phương thức đấu giá quyền sử dụng đất theo cơ chế sát giá thị trường. Tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất sau khi trừ các chi phí hợp lý cho việc tổ chức đấu giá, được chi trả 70% cho người có đất bị thu hồi và 30% thu vào ngân sách các cấp để phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng và các mục đích kinh tế - xã hội khác.

GS Tô Duy Hợp, chuyên gia nghiên cứu nông thôn, trao đổi với NNVN, cho rằng, thử thách thật sự sẽ đến với các nhà đầu tư nếu soi chiếu các quy định này vào tình hình thực tế hiện nay. Chẳng hạn, tại Hà Nội, hầu hết các dự án bất động sản mới ở vùng ngoại thành đều ít nhiều “dính” vào các vùng đất lúa. Lấy ví dụ dự án khu đô thị thương mại và du lịch Ecopark của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng, hiện đang triển khai tại Hưng Yên, giáp ranh Hà Nội, thì phần lớn diện tích sẽ được “khai thác” từ việc thu hồi đất lúa. Tương tự, hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh đồng bằng Bắc bộ hiện nay đã được xây dựng trên một phần hoặc toàn bộ trên đất lúa “bờ xôi ruộng mật”.

Mục đích sử dụng công cụ đấu giá chính là giữ cho bằng được diện tích 3,8 triệu ha đất lúa mà Bộ NN-PTNT đề ra.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hợp, mục đích sử dụng công cụ đấu giá chính là giữ cho bằng được diện tích 3,8 triệu ha đất lúa mà Bộ NN-PTNT đề ra, qua đó đảm bảo an ninh lương thực. Tuy Việt Nam từ một nước nhiều năm thiếu lương thực trở thành một nước XK gạo lớn nhất nhì thế giới, nhưng không thể chủ quan bởi hạn hán, thiên tai, dịch bệnh những năm gần đây rất khó kiểm soát. Nếu không giữ được đất lúa, e rằng mục tiêu ổn định đã khó, chưa nói đến chuyện XK. Ngoài ra, giữ đất lúa còn đảm bảo một mục tiêu nữa là an sinh xã hội, yên lòng nông dân.

Không mâu thuẫn lợi ích

Muốn thực hiện tốt công tác đấu giá đất lúa, chính quyền địa phương phải làm tốt việc giám sát, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nông dân. Như vậy, đòi hỏi cán bộ phải có tầm nhìn. “Bộ NN-PTNT đề xuất việc đấu giá đất lúa, coi đó là một biện pháp, kể cả trước mắt và lâu dài, giữ được diện tích ít nhất 3,8 triệu ha. Sắp tới, Chính phủ cũng sẽ có những phân cấp cụ thể cho các địa phương để làm việc này”, ông Ngọc nói.

Lý giải việc cần phải đấu giá đất lúa, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, trong khi các địa phương còn quỹ đất khác để làm công nghiệp, đất ở, đất đô thị… mà không lấy, chỉ tập trung khai thác vào nguồn đất lúa, nguồn bờ xôi ruộng mật là thực tiễn đã và đang xảy ra. Trên thực tế, những thửa đất “bờ xôi ruộng mật” thường có lợi thế về địa lý, nhà đầu tư nếu chuyển mục đích thì sẽ có hiệu quả kinh tế. Vả lại, vì muốn tăng thu ngân sách nên các địa phương cũng dễ chấp nhận chuyện thu hồi đất lúa cho DN. Như vậy cả hai bên đều gặp nhau. “Muốn hạn chế chuyện này thì việc đấu giá đất là cần thiết”, ông Ngọc khẳng định.

Như NNVN đã phản ánh, câu chuyện ở tỉnh Bắc Ninh, khi áp dụng Nghị định 69, nhiều nhà đầu tư đã “không chịu được nhiệt” về giá đền bù nên “một đi không trở lại”, theo lý giải của ông Ngọc, đấy là bài toán mâu thuẫn trên thực tế mà các địa phương đang gặp phải. “Khi Nghị định 69 ra đời, các địa phương cũng kêu trời lên vì giá đền bù cao quá, ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính của các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước. Không thu hút được đầu tư đồng nghĩa với việc thu ngân sách bị hạn chế”, ông Ngọc cho hay. Theo ông Cục trưởng thì khi thực hiện việc đấu giá đất, chuyện tương tự chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng mà có một vấn đề phải giải quyết giữa bài toán phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài, giữa thu ngân sách trước mắt với phát triển kinh tế bền vững.

Theo các chuyên gia, sau cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, bài học rút ra là muốn phát triển bền vững, không có gì thay thế được việc cần thiết phải đầu tư cho nông nghiệp. Minh chứng rõ nét nhất là những nước tiên tiến trên thế giới đã bắt đầu nhận thức được vấn đề này. “Như vậy, chúng ta cần thiết phải đặt lên bàn cân để tính toán thiệt hơn giữa chuyện giữ đất lúa và phát triển công nghiệp, đô thị. Và rõ, ràng, xét về tầm nhìn, thì việc giữ đất lúa là hoàn toàn cần thiết”, ông Ngọc nói.

Trả lời câu hỏi của NNVN về tính khả thi khi thực hiện việc đấu giá đất lúa, ông Ngọc cho rằng, hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi lẽ, việc đấu giá phải thực hiện một cách công khai, minh bạch thì mới hạn chế được sự tùy tiện trong chuyển đổi của các địa phương, hạn chế được thay đổi kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trong những năm tới và hàng chục năm tiếp theo. Mục đích cuối cùng là chúng ta giữ được ổn định diện tích đất lúa cho tương lai. Theo ông Ngọc, xét cho cùng, việc thu hút đầu tư, làm công nghiệp, đô thị hay việc giữ đất lúa không hề mâu thuẫn với nhau, vì cùng chung mục đích là phát triển kinh tế.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất