| Hotline: 0983.970.780

Không muốn là một người khách

Thứ Tư 29/01/2014 , 22:03 (GMT+7)

Sau khi lấy bằng tiến sĩ, Nguyễn Bá Hải đã được mời ở lại Hàn Quốc làm việc với mức lương cao. Nhưng anh đã quyết định trở về để có thể đóng góp công sức xây dựng đất nước và làm những công việc cộng đồng đầy ý nghĩa...

Sau khi lấy bằng tiến sĩ, Nguyễn Bá Hải đã được mời ở lại Hàn Quốc làm việc với mức lương cao. Nhưng anh đã quyết định trở về để có thể đóng góp công sức xây dựng đất nước và làm những công việc cộng đồng đầy ý nghĩa. 

Lúc chưa gặp, tôi không nghĩ Nguyễn Bá Hải trông còn trẻ đến thế. Nếu nói chàng trai này chưa phải là ông nghè, mà mới chỉ đang là một cậu sinh viên, chắc sẽ có khối người tin. Càng trò chuyện càng thấy ở chàng trai này có nhiều điều thú vị.

Thì ra, Hải với tôi là chỗ đồng hương, đều là dân xứ Thanh. Nhà tôi ở thành phố Thanh Hóa, còn gia đình Hải ở huyện Đông Sơn. Nhà Hải không xa thành phố Thanh Hóa là bao, nhưng suốt thời thơ trẻ, Hải gần như chưa có cơ hội nào về thành phố chơi. Vậy mà sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hải đã lặn lội vào tận một thành phố xa hơn rất nhiều là TP HCM để thi vào trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật.

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu ở thành phố phương Nam này, Nguyễn Bá Hải luôn trở thành một sinh viên xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa của chuyên ngành theo học, Hải được nhà trường giữ lại làm công tác giảng dạy. Ở trường chưa ấm chỗ, Hải đã được sang Hàn Quốc để học lên cao. Trong thời gian học ở Hàn Quốc, Hải đã tích cực tham gia nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm của một giáo sư danh tiếng.

Không phụ sự kỳ vọng vủa thày, anh đã trở thành một trong những người có nhiều sáng chế nhất của phòng thí nghiệm này. Bởi thế, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2010, Hải đã được giáo sư mời ở lại làm việc. Các phòng thí nghiệm ở Hàn Quốc phải chịu nhiều áp lực. Họ phải có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị để chứng minh năng lực của mình, qua đó có cơ hội gắn kết nhiều hơn với các tổ chức, doanh nghiệp. Vì thế, phải là những người được đánh giá cao về năng lực mới được giáo sư mời ở lại tiếp tục làm việc ở phòng thí nghiệm.

Với vinh dự ấy, cộng với khoản thu nhập cao khi được ở lại Hàn Quốc làm việc, thật khó để từ chối đối với một chàng tiến sĩ trẻ. Nguyễn Bá Hải tâm sự: “Lúc đầu khi mới được đi ra nước ngoài học hành, chắc ai cũng muốn được ở lại vì điều kiện làm việc, cuộc sống ở nước ngoài tốt hơn trong nước. Đó là phản xạ bình thường của bất cứ ai”.


TS Nguyễn Bá Hải (đeo kính, ngồi) và các học viên lớp họp 1 đô la

Chắc hẳn Hải cũng đã từng có suy nghĩ ấy. Thế nhưng, khi có cơ hội quá tốt để ở lại, anh lại quyết định trở về nước. Tôi hỏi vì sao. Hải khẽ khàng: “Việt Nam đang phát triển, cần có sự đóng góp của tất cả mọi người. Được đóng góp công sức của mình vào sự phát triển của đất nước, cho cộng đồng, chính là niềm vui của tôi. Vả lại, bao năm ở Hàn Quốc, tôi vẫn cứ cảm thấy mình chỉ là một người khách. Có lẽ vì ở đó không có những thứ thân thuộc với mình từ thơ bé đến giờ như tiếng nói, thức ăn, văn hóa truyền thống”.

Trở về nước, Nguyễn Bá Hải tiếp tục gắn bó với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Ngoài công việc ở trường, anh tích cực tham gia vào những công việc cộng đồng. Mà nổi bật nhất là tổ chức những lớp học sáng tạo khoa học kỹ thuật được gọi vui là lớp học 1 đô la. Sở dĩ Hải tổ chức lớp học 1 đô la là vì anh nhận thấy nhiều bạn trẻ bây giờ không có tính bền bỉ, kiên trì và không có định hướng rõ ràng cho tương lai. Vì thế, ngoài việc giúp khơi dậy tiềm năng sáng tạo kỹ thuật trong cuộc sống thường ngày, lớp học còn giúp định hướng đam mê cho các học viên. Bởi nếu có đam mê, thì các bạn trẻ sẽ có định hướng tốt hơn cho nghề nghiệp của mình.

Về cái tên lớp học 1 đô la, Hải kể, thực ra là muốn tạo một lớp học cho mọi người có thể học tập miễn phí, gồm cả phần cứng và phần mềm. Nhưng rồi, anh phải thu lệ phí tương đương với 1 đô la để mọi người đã phải mất một ít tiền đi học, thì học hành sẽ nghiêm túc hơn là không mất đồng nào. Từ đó, lớp học sáng tạo kỹ thuật của TS Nguyễn Bá Hải đã được các học viên yêu mến gọi với cái tên “Lớp học 1 đô la”.

Lớp học 1 đô la, dù ban đầu chỉ hoạt động bằng tiền túi của thày giáo trẻ Nguyễn Bá Hải đã cho những kết quả tích cực. Nhiều học viên đã có thể tự sáng chế ra những thiết bị tự động rất hữu ích khi sử dụng trong mỗi gia đình như đèn tự bật tắt, thiết bị tự báo động khi có người lạ vào nhà…

Nhưng quan trọng hơn, sau khi tham gia lớp học, nhiều bạn trẻ đã có thể làm được một công việc kỹ thuật nào đó nên đã tìm được chỗ làm ổn định. Thậm chí, một số bạn trẻ đã cùng nhau thành lập doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ về giải pháp sáng tạo kỹ thuật cho các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp này được chính TS Nguyễn Bá Hải làm cố vấn nên hoạt động khá tốt.

Đến nay, TS Nguyễn Bá Hải đã tổ chức được 24 khóa học của lớp học 1 đô la. Ngoài tổ chức ở ngay Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, anh còn tổ chức lớp ở nhiều quận, huyện thuộc TP HCM và các tỉnh lân cận. Thấy được hiệu quả thiết thực của lớp học này, nhiều doanh nghiệp đã xin được tham gia tài trợ thầm lặng (không quảng bá tên tuổi doanh nghiệp).

Để duy trì được mục tiêu phi lợi nhuận và ý nghĩa tốt đẹp của lớp học, TS Hải đã phải cân nhắc rất kỹ và chỉ lựa chọn nhà đồng hành là những doanh nghiệp có tính dân tộc, nhân văn cao trong hoạt động của họ. Để tạo cơ hội tham gia lớp học 1 đô la cho nhiều bạn trẻ nữa, sắp tới, TS Nguyễn Bá Hải sẽ tổ chức mô hình lớp học online.

Ngoài công việc giảng dạy, hoạt động cộng đồng, nghiên cứu khoa học, sáng chế ra những thiết bị, công cụ hữu ích cũng là một niềm đam mê của chàng tiến sĩ trẻ này. Một trong những sáng chế tiêu biểu nhất của Nguyễn Bá Hải và các học trò của anh là chiếc mắt kính giúp cho người mù có thể đi lại dễ dàng hơn. Chiếc kính này dùng bộ cảm biến laser để xác định vật cản. Khi bộ cảm biến quét thấy vật cản trước mặt người mù trong khoảng cách đến 1,5 met, hệ thống sẽ xử lý và chuyển thành tín hiệu rung nhẹ để báo cho người mù biết.


TS Nguyễn Bá Hải hướng dẫn cho 1 người mù cách sử dụng bộ kính giúp di chuyển dễ dàng

Càng đến gần vật cản, độ rung càng mạnh hơn. Khi chuyển hướng sang phía không có vật cản, thiết bị sẽ hết rung. Sau nhiều lần thử nghiệm, TS Hải và các học trò đã tạo được bộ kính và pin xạc nhỏ gọn (pin xạc có thể bỏ trong túi áo), giúp người mù có thể sử dụng một cách dễ dàng, thuận tiện. Sản phẩm của nhóm đã được chính những người mù đánh giá cao sau khi được dùng thử. Đến nay, nhóm của anh đã tặng hàng chục bộ kính cho Hội Người mù ở nhiều địa phương và đang làm 1.000 bộ kính đầu tiên để chuyển tới các Hội Người mù trong cả nước.

Tài năng và nhiệt tình, nên tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải thường xuyên được các doanh nghiệp mời đến tư vấn về kỹ thuật để tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, doanh thu. Khoản thù lao mà các doanh nghiệp trả cho anh không hề nhỏ chút nào. Nhưng Hải không đặt nặng chuyện kiếm tiền vì anh muốn dành thời gian nhiều hơn cho các công việc cộng đồng.

Nguyễn Bá Hải chia cuộc sống làm 2 phần: nghề và nghiệp. Nghề là công việc giảng dạy, nghiên cứu ở trường, đi làm tư vấn cho các doanh nghiệp. Nghiệp là những công việc cộng đồng. Những công việc cộng đồng đang chiếm tới 1 nửa thời gian của Hải, nhưng làm việc cộng đồng với anh luôn là niềm vui vì không phải vướng bận gì chuyện tiền bạc. Anh tâm sự: “Mỗi ngày được sống theo quan niệm sống của mình, làm được gì mà mình nghĩ. Vậy là hạnh phúc”.

Ước mơ của Nguyễn Bá Hải là TP HCM có một “khu rừng kỹ thuật”. Khi có “khu rừng” này, gia đình nào có đồ đạc cũ không dùng nữa, cứ đem bỏ ở đấy. Những thứ đó sẽ được phân loại riêng ra, để cho mọi người có thể tìm đến, dựa vào những món đồ cũ mà sáng tạo một cách hồn nhiên.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.