| Hotline: 0983.970.780

Không nên "đóng cửa rừng"

Thứ Tư 28/11/2012 , 11:08 (GMT+7)

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có nhiều cuộc hội thảo về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên toàn quốc...

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có nhiều cuộc hội thảo về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên toàn quốc, trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Mà trọng tâm là nên hay không nên đóng cửa rừng và những hệ lụy...

Trong mấy năm gần đây tình trạng khai thác gỗ bừa bãi ở một số địa phương làm cho diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, nguyên nhân không chỉ là hành vi khai khác gỗ lậu, cũng như việc lợi dụng chủ trương, chính sách của Nhà nước để gây hại rừng như: khai thác khoáng sản, làm thủy lợi, thủy điện, lấy đất làm nương rẫy, vv…

Do vậy, nhiều ý kiến đề xuất việc tạm thời không khai thác gỗ tự nhiên trên phạm vi toàn quốc, nhưng cũng không ít ý kiến phản đối và cho rằng việc đóng cửa rừng sẽ nảy sinh ra nhiều hệ lụy, hàng triệu lao động sống bằng nghề rừng sẽ mất việc làm. Cũng như các thiết bị máy móc, phương tiện phục vụ cho việc khai thác, chế biến gỗ trị giá hàng triệu USD sẽ phải “đắp chiếu”, hàng trăm công ty lâm nghiệp, công ty chế biến lâm sản sẽ phải đóng cửa, hoặc phá sản. Trước tình hình trên Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN-PTNT xây dựng phương án nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, đưa ra phương án phù hợp về khai thác gỗ rừng tự nhiên từ nay đến năm 2020.

Trong cuộc họp trung tuần tháng 11 vừa qua, đã có nhiều ý kiến cho rằng: Vấn đề quan trọng là ở công tác quản lý khai thác chứ không phải đóng cửa rừng, hơn nữa rừng đang “sống” mà không khai thác thì sẽ trở thành rừng “chết”. Hiện nay trên cả nước còn khoảng 10,3 triệu ha, tổng trữ lượng gỗ là 862 triệu m3 gỗ, trong đó có 4,3 triệu ha rừng tự nhiên sản xuất với trữ lượng 350 triệu m3 gỗ, nhưng mỗi năm chúng ta chỉ khai thác 110 ngàn m3.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lung – Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp VN: việc cắt giảm khai thác đến không khai thác gỗ là trái với các nguyên lý khoa học về lâm sinh, kinh tế xã hội, làm tăng chênh lệch giá, tăng khan hiếm gỗ tự nhiên, tất yếu làm bùng phát nạn buôn lậu, chặt lậu gỗ và tham nhũng. Nhưng việc khai thác phải gắn với việc phát triển rừng bền vững, bởi có khai thác thì mới điều chỉnh được cấu trúc lâm học, mật độ (trẻ hóa lâm phần), chuyển đổi thế hệ cây già cỗi sâu bệnh phải được khai thác để tận dụng tài nguyên làm giàu cho đất nước, tăng chất lượng rừng ngày một tốt hơn. Thông qua biện pháp vệ sinh rừng cho các loài cây xung quanh phát triển đúng với phương thức tái sinh của rừng.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang xây dựng thủy điện là một trong các nguyên nhân khiến diện tích rừng bị thu hẹp. Từ năm 2006 đến nay cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích 19.792 ha. Trong đó, rừng đặc dụng hơn 3.000ha, rừng phòng hộ 4.400 ha, rừng sản xuất hơn 12.300ha. Trên thực tế, số diện tích đất rừng chuyển đổi sang làm thủy điện còn lớn hơn con số nêu trên do quá trình xây dựng thủy điện sẽ kèm theo nhu cầu về đất tái định cư, đất sản xuất của người dân bù vào diện tích rừng đã bị ngập nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 8/29 tỉnh đã thực hiện việc trồng lại rừng sau chuyển mục đích sử dụng rừng sang làm thủy điện. Diện tích trồng đạt 735 ha, bằng 3,7% diện tích đã chuyển đổi. Trong bài phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (ngày 23/10), nêu rõ: Đối với các dự án nhà máy thủy điện, kiên quyết thực hiện cơ chế trồng rừng bù cho diện tích rừng bị mất do xây dựng dự án. Trường hợp địa phương nào chưa bố trí được đất thì có thể áp dụng cơ chế thu tiền. Đối với các dự án mới phương án trồng rừng bù là yếu tố bắt buộc để xem xét phê duyệt.

Hiện nay trên toàn quốc đã có một số Cty lâm nghiệp thực hiện phương án quản lý sử dụng rừng bền vững và đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, theo chu kỳ 35 năm. Sau khi được cấp phép họ đã đầu tư xây dựng phương án phát triển và khai thác rừng theo một quy trình chặt chẽ theo từng giai đoạn, khai thác rừng phải đi đôi với việc đầu tư phát triển vốn rừng. Hơn nữa việc đóng cửa rừng chưa phải là giải pháp tốt nhất để hạn chế việc mất rừng. Muốn làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng phải chăng phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thì việc làm đó mới khả thi, kết hợp với việc tuyên truyền ý thức pháp luật trong việc quản lý và bảo rừng, ngăn ngừa, xử lý nghiêm những vụ vi phạm lâm luật.

Từ đó, cho chúng ta thấy để quản lý bảo vệ rừng một cách bền vững, phải tuân thủ theo sự phát triển tự nhiên của rừng, khai thác rừng phải gắn với việc phát triển vốn rừng, gắn trách nhiệm với lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng cư dân sống gần rừng, tạo cơ hội cho cộng đồng tiếp cận kiểm soát tài nguyên rừng, bảo tồn và phát triển rừng, từng bước thực hiện xã hội hóa hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên. Như vậy việc đóng cửa rừng sẽ trái quy luật tự nhiên, đẩy hàng triệu lao động mất việc làm, làm cho nhiều tệ nạn xã hội sẽ xẩy ra…

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank bổ sung 35.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ nền kinh tế

Ngay đầu quý II/2024, Agribank bổ sung thêm 35.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.