| Hotline: 0983.970.780

Không nên nóng vội

Thứ Sáu 14/02/2014 , 10:20 (GMT+7)

Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2014...

Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014, tổ chức ngày 13/2 tại Hà Nội.

20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển báo cáo những điểm mới của phương án điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014 và những năm trước mắt. Theo đó, ngoài các đối tượng được miễn thi theo quy chế hiện hành, sẽ có tối đa 20% học sinh được miễn thi và tỷ lệ này sẽ được xem xét, điều chỉnh trong các năm sau.

Nhóm đối tượng sẽ bao gồm các học sinh, học viên giáo dục thường xuyên xếp loại học lực và hạnh kiểm trong 3 năm học THPT từ khá trở lên, trong đó chú trọng kết quả ở lớp 12. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT cũng có thể xác định tỷ lệ miễn thi cụ thể riêng cho từng trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên dựa theo kết quả theo dõi, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học của các trường; thành tích nổi bật của nhà trường trong quá trình xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, kết quả tham gia hoạt động tình nguyện.

Ngoài ra, các trường phải thành lập Hội đồng xét miễn thi của trường, đảm bảo chính xác, khách quan, đồng thời công khai và xử lý các góp ý về danh sách những học sinh được miễn thi tốt nghiệp.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị của Bộ GD-ĐT ngày 13/2

Về môn thi tốt nghiệp năm 2014, học sinh sẽ có 4 môn gồm: hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. Ngoài ra, học sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ (đề thi theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Cụ thể, bài thi được điểm 9 trở lên được cộng 2 điểm; đạt điểm 7 trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt điểm 5 trở lên được cộng 1 điểm...

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, những đổi mới trên nhằm giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực cho học sinh phấn đấu trong 3 năm học tập, rèn luyện.

Ngoại ngữ có bị xem nhẹ?

Phần lớn ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị tán thành chủ trương giảm số môn thi tốt nghiệp từ 6 môn xuống còn 4 môn. Tuy nhiên, tỷ lệ miễn thi tối đa 20% lại không ổn bởi hiện nay chất lượng dạy học giữa các tỉnh, thành không đồng đều, nhưng Bộ GD-ĐT lại quy định đồng loạt tỷ lệ tối đa miễn thi 20% là không hợp lý.

Thêm vào đó, tình trạng bệnh thành tích trong ngành giáo dục chưa thể đẩy lùi nên không ai dám chắc để đạt tỷ lệ miễn thi, nhiều trường có thể xuất hiện tình trạng nới lỏng để có nhiều thí sinh được miễn thi không thực chất.

Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình Đoàn Đức Liêm góp ý: Bộ GD - ĐT nên nắm vai trò quyết định trong việc xác định các tiêu chí miễn thi, từ đó nêu ra các tiêu chí cứng để các địa phương lấy làm căn cứ xét, như thế sẽ đảm bảo không có chênh lệch giữa các địa phương.

Còn với ông Nguyễn Sỹ Thư, Giám đốc Sở GD - ĐT Kon Tum cho biết, tỷ lệ miễn thi được xác định theo từng trường thì sẽ dẫn đến mất cân bằng, gây thiệt thòi cho những trường có lượng học sinh giỏi lớn. Nếu không có tiêu chuẩn cụ thể cần có những tiêu chuẩn cơ bản để từ đó, các Sở cụ thể hóa tiêu chí cho địa phương mình, không xác định theo từng trường mà lập Hội đồng xét của tỉnh.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cũng cho rằng, môn ngoại ngữ không nên chỉ là môn khuyến khích mà cần đưa vào môn bắt buộc hoặc tự chọn.

Theo lãnh đạo Sở GD - ĐT Vĩnh Phúc và Thừa Thiên - Huế có chung nhận định, hiện nay các tỉnh thành, các trường đều đang nỗ lực để nâng cao chất lượng môn học này. Đó là chưa kể, nếu là môn thi khuyến khích thì học sinh sẽ có tâm lý cứ đăng ký khiến trường phải tổ chức phòng thi.

Thế nhưng đến lúc thi có thể các em không dự thi và gây lãng phí. Bên cạnh đó, lâu nay ngoại ngữ vẫn là môn bắt buộc, chúng ta cũng đang đẩy mạnh đề án dạy ngoại ngữ, vì thế ít nhất phải thi tự chọn môn này. Nếu chỉ đưa thành môn thi khuyến khích thì việc học ngoại ngữ sẽ bị coi nhẹ rất nhiều. Và nó không phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Tránh học tủ, học lệch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là hội nghị đặc biệt quan trọng bởi liên quan đến sự đổi mới, phát triển của cả ngành giáo dục. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục không thể làm một lúc, làm ngay nhưng phải thật khẩn trương, có lộ trình cụ thể, nhất là việc đổi mới thi cử không được để học sinh rơi vào tình trạng “học tủ, học lệch”.


Đại biểu tham dự Hội nghị ngày 13/2

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục có nhấn mạnh đến cải tiến và đổi mới thi cử. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2014, Bộ GD-ĐT đưa ra và đã được lấy ý kiến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân.

Theo những phương án được đưa ra, bắt đầu từ năm nay, học sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ phải thi 4-5 môn. Rõ ràng, đây là một bước tiến trong đổi mới thi cử nhằm giảm áp lực cho học sinh, tốn kém kinh phí cho xã hội, thời gian tổ chức thi.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT không  nên nóng vội mà hãy tiếp thu ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân đối với việc giảm các môn thi tốt nghiệp THPT để làm sao vẫn đảm bảo giảm tải thi cử nhưng học sinh không “học lệch, học tủ”.

Bởi vì nếu các em học sinh chỉ thiên về học những môn đi thi mà sao nhãng các môn khác thì sẽ dẫn tới việc chúng ta sẽ đào tạo ra những thế hệ tương lai lệch chuẩn về nhiều thứ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, việc giảm áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT phải gắn với việc xóa bỏ bệnh thành tích khi mà trong những năm gần đây, vẫn còn rất nhiều trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao đến 98%. Theo đó, cần cân nhắc đến việc giao cho các địa phương tỷ lệ 20% miễn thi tốt nghiệp.

“Nếu việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà chất lượng, hiệu quả thì cho dù các địa phương có mất nhiều công sức vẫn nên làm. Còn nếu tổ chức thi, miễn thi không hiệu quả thì cần phải xem xét lại”, Phó Thủ tướng nói.

Chia sẻ với phóng viên, nhiều đại biểu nói rằng, họ ấn tượng với câu hỏi thẳng thắn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Tôi cũng băn khoăn và cần Bộ GD- ĐT giải thích: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đang là 98%, tại sao bây giờ lại đưa tiếp quy định cho miễn thi 20% để làm gì?”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất