| Hotline: 0983.970.780

Không ngừng mơ rộng chăn nuôi từ bốn đôi heo rừng

Thứ Năm 15/11/2018 , 09:10 (GMT+7)

Từ bốn đôi heo rừng mua được của người dân ở huyện miền núi, sau 10 năm gây đàn, số lượng đàn heo của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (trú thôn An Bình, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) tăng lên tới trên 100 con.

Hiện mỗi năm chị xuất bán ra thị trường trên dưới 100 con heo thương phẩm, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.

17-25-45_1
Heo rừng lai của chị Hoa thả rong nên thịt thơm ngon, giá bán cao

Những năm gần đây, khi nhu cầu thị trường ngày càng ưa chuộng các sản phẩm sạch, chất lượng nên nhiều người dân đã lựa chọn các loại vật nuôi mới để đầu tư, chăm sóc, trong đó có giống heo rừng lai (heo sọc dưa). Có lợi thế đất vườn rộng lớn, phù hợp với chăn thả, lại tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên ở gần nhà nên chị Hoa đã mạnh dạn đầu tư nuôi giống heo lai này. Ngay từ đầu, chị đã xác định phát triển quy mô trang trại theo kiểu bán thả rông để phù hợp với tập tính chạy nhảy, kiếm ăn gần giống như heo rừng tự nhiên.

Năm 2008, chồng chị Hoa mang giống heo từ xã Sơn Bua, Sơn Long (Sơn Tây) và huyện Nam Trà My (Quảng Nam) về nuôi thử nghiệm. Thời gian đầu nuôi gặp không ít khó khăn vì chưa am hiểu được đặc tính của heo rừng lai nên vật nuôi phát triển chậm. Sau đó, chị bắt đầu tìm hiểu kinh nghiệm nuôi heo từ sách báo và trên mạng cùng với quyết tâm đầu tư, chăm sóc nên số heo giống mà chị mua về đã thích nghi và lớn nhanh, sinh sản tốt.

17-25-45_2
Sau 10 năm nhân đàn, số lượng heo rừng lai của chị Hoa có trên 100 con

Từ số heo giống ban đầu sinh sản, chị Hoa không bán mà để dành gây đàn, để lại những con giống tốt và đào thải những con kém chất lượng. Đến nay, số lượng đàn heo của chị luôn duy trì khoảng trên dưới 100 con ở các độ tuổi khác nhau. Trong đó ở khuôn viên diện tích hơn 1.000m2 vườn của gia đình, chị đầu tư làm 4 - 5 chuồng, với diện tích từ 50 - 70m2/chuồng để nuôi tổng cộng 10 con heo rừng lai sinh sản.

“Heo rừng lai tuy vóc dáng bên ngoài giống heo rừng nhưng đặc tính rất thuần, giống hệt như heo nhà nên nếu tâm huyết thì sẽ không đến mức khó nuôi. Loài này lúc mới sinh ra có bộ lông sọc dưa, qua 3 tháng thì các vệt sọc dưa mất dần. Sau thời gian nuôi khoảng từ 7 – 8 tháng, heo có thể trọng 30 – 50kg”, chị Hoa cho biết.

Cũng theo chị, dù đã được thuần hóa nhưng loài vật này luôn cảnh giác và hay bỏ chạy mỗi khi nghe âm thanh lạ nên cần phải chú ý để tránh ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của chúng. Ngoài ra, một đặc điểm mà chị nhận thấy được trong thời gian nuôi là heo rừng lai có sức đề kháng cao và rất ít bị dịch bệnh nên hạn chế được rất nhiều rủi ro.

17-25-45_3
Mỗi năm, chị Hoa xuất bán 100 con heo rừng thương phẩm

Được biết heo rừng lai thường sinh sản mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa trung bình 7 - 8 con, heo sơ sinh có trọng lượng 0,5 – 0,9kg/con. Nhờ được chăm sóc đúng cách nên đàn heo của gia đình chị phát triển tốt. Từ số heo đẻ ra, tận dụng nguồn thức ăn là các phế phẩm nông nghiệp mà chị mua từ những người dân trong vùng như chuối cây, bắp, cám... nên vừa giảm chi phí vừa giúp thịt heo luôn thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.

“Với số heo rừng lai giống khoảng 10 con, bình quân mỗi năm đẻ được 2 lứa được từ 100 – 120 con, tôi xuất bán hơn 100 con thương phẩm. Thấy hiệu quả ổn định, trong thời gian tới tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường”, chị Hoa tâm sự.

 

Xem thêm
Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.