| Hotline: 0983.970.780

Rau bẩn từ vườn đến bàn ăn

Không phải cứ rau xấu, có sâu là rau sạch

Thứ Năm 08/05/2014 , 10:15 (GMT+7)

Lý do bởi người ta phun nhiều quá, sâu bị nhờn thuốc không chết hoặc người bán cố tình bắt sâu thả vào rau. Còn muốn ăn rau cằn xấu ư, đơn giản thôi, chỉ cần “đánh thuốc” đậm một chút là xong.

Trời vừa chập choạng tối, cả vùng trồng rau xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TP.HCM) đã sáng rực đèn điện. Những chủ vườn đang hối hả nhổ và đóng hàng rau để kịp buổi chợ đêm.

Phóng viên NNVN đã theo chân một chủ rau ra tận chợ đầu mối ghi nhận thực tế những sản phẩm rau “GAP” này sẽ đi về đâu…

“CĂN” RAU CHẠY CHỢ

Với kinh nghiệm của những chủ vườn có thâm niên ở đây, nghề trồng rau quan trọng nhất là phải biết “căn” được nhu cầu thị trường đang cần gì là có ngay loại rau đó thì mới “ăn”.

Đồng thời, cũng phải biết cách “xử lý” các hàng rau cho thật tươi ngon bóng đẹp mới bán chạy và được giá cao.

Đêm nay theo N (người dẫn PV đi xem thực tế các vườn rau trên địa bàn xã Tân Phú Trung) nhận định: Chắc chắn rau sẽ có giá vì mấy bữa trước vừa có trận mưa lớn khủng khiếp gây ngập vườn, lượng rau bị giảm mạnh.

Do vậy, N kêu người nhà ra vườn nhổ thêm rau tăng cường vài chuyến nhằm gỡ vốn, bù lại những hôm ế chợ bị thất thu. N cũng vội đi ra vườn pha thuốc rồi đeo bình phun nốt cữ thuốc “dưỡng lá” cho mấy liếp rau cải xanh, cải ngọt để ngày mai kịp có rau ra chợ.

Tôi theo N ra vườn nghe anh giải thích: “Ở đây các vườn rau thường chỉ dám phun thuốc vào buổi tối hoặc đêm thôi, vì phun ban ngày vừa không hiệu quả mà lại dễ bị lộ…”.

N bắt đầu bật vòi phun, thuốc bay mù mịt trên vườn rau, tôi đứng từ xa nhưng vẫn ngửi mùi thuốc nồng nặc không thể thở nổi. Tôi để ý trong sân, chiếc xe máy cà tàng chuyên để chở rau của N đã được lắp dàn khung sẵn, đống rau mồng tơi và cải xanh, cải ngọt vừa nhổ về chất thành đống để “xử lý” trước khi đem ra chợ.

Khi thấy N đổ mấy chất gì đó vào thùng nước, tôi gặng hỏi mãi thì N chỉ bảo là chất giữ cho lá rau tươi lâu và tẩy mùi hôi trên rau (!?).

Qua cách nói chuyện, tôi hiểu N là một tay có thâm niên làm vườn từ rất lâu, đến nay cũng chẳng còn lạ gì các kiểu mánh khóe của dân trồng và buôn bán rau chợ. N tâm sự: “Vẫn biết nghề trồng rau vừa vất vả lại độc hại, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên cũng đành phải chịu thôi. Thú thực, mình chỉ ráng làm một thời gian ngắn nữa kiếm thêm ít vốn rồi bỏ, chứ ôm vườn rau mãi chắc cũng “đi” sớm!”.

Theo N, rau ăn lá hay ăn củ, quả muốn giữ cho tươi ngon hay nhanh thu hoạch đều phải “đánh thuốc” thường xuyên. Một trong những loại “thần dược” mà dân rau thường hay dùng để kích thích rau, củ quả có tên là thuốc Mo (N giải thích, thuốc Mo có nghĩa là loại thuốc không tên, không nhãn hiệu bao bì chỉ biết của Trung Quốc).

Đặc biệt, khi sử dụng thuốc này cho rau, củ, quả chúng sẽ phát triển cực nhanh, ví thử như hái quả dưa leo (dưa chuột) trên vườn mới nhỏ bằng ngón tay rồi đem nhúng vào thùng nước có pha thuốc Mo, chỉ vài tiếng sau quả dưa sẽ bự lên bằng cổ tay rồi. Do vậy, sẽ rút ngắn được thời gian thu hoạch một cách… siêu tốc.

Cầm cây rau vừa nhổ trên tay, N chẳng ngại chia sẻ: “Kinh nghiệm của mấy bà nội trợ thường cứ nghĩ rau mà bị sâu ăn lá sẽ an toàn, hay có người cứ tìm mua những cây rau nào thấy cằn lá thì bảo chắc chắn rau sạch không phun thì mới xấu. Vậy nhưng họ sai lầm hết, vì đối với rau bị sâu ăn lá hay thậm chí có hẳn con sâu đang bò trên lá rau thật có thể đó lại là rau bẩn nhiễm độc nặng.


Những nhà vườn đang bán rau cho thương lái tại chợ đầu mối Hóc Môn

Lý do bởi người ta phun nhiều quá, sâu bị nhờn thuốc không chết hoặc người bán cố tình bắt sâu thả vào rau. Còn muốn ăn rau cằn xấu ư, đơn giản thôi, chỉ cần “đánh thuốc” đậm một chút là rau dù đang xanh mơn mởn cũng lập tức bị cằn xoăn tít lá lại ngay”.

Theo N, bây giờ ra chợ nhìn hàng thật - giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của N, chỉ cần nhìn màu sắc hay gân lá rau sẽ biết ngay loại rau đó sạch hay bẩn. Vậy nhưng, hàng ngày anh đưa rau ra chợ đầu mối bán chẳng ai thèm quan tâm đến chất lượng hàng sạch hay bẩn mà họ chỉ cần nhìn mẫu mã rau đẹp, tươi ngon là “ôkê” mua liền.

N nhìn đồng hồ đã sắp đến giờ “đi rau”, anh thúc tôi chuẩn bị lên đường rồi vội bước ra sân cầm vòi nước xịt rửa lại đống rau, sau đó đem nhúng qua vào thùng nước có hóa chất giữ tươi trước khi chất lên xe. N bảo: “Ngoài việc “xử lý” rau cho cọng bóng, tươi rói, mình còn phải biết cách xếp rau cho ngon lành đẹp mắt thì khi ra chợ mới bán được hàng nhanh.

Thậm chí có khi còn phải cầm theo chai nước để ra đến chợ tưới thêm cho rau láng tươi thì mối lái xem hàng mới khoái mua…”.

RA CHỢ RAU GÌ CŨNG “ĂN” HẾT

Đúng 10 giờ đêm, chiếc xe rau cồng kềnh cõng tới hơn tạ rau gồm mồng tơi, cải xanh, cải ngọt vừa “xử lý” xong đã xếp gọn gàng. N leo lên xe ra hiệu cho tôi chạy bám theo sau rồi anh nổ máy kéo ga chồm lên lao vút ra quốc lộ 22 hướng về chợ đầu mối.

Tôi cũng nhanh chóng chạy theo, trên đường giờ này vắng người, xe rau của N cứ lao vun vút khiến nhiều lúc tôi phải ráng mới đuổi kịp.

Chạy khoảng 20 phút thì tới chợ đầu mối Hóc Môn, lúc này cảnh chợ đã rất đông với đủ các mặt hàng rau củ quả. Những dãy xe tải lớn, nhỏ của các chủ vựa từ các tỉnh lên có đến hàng trăm chiếc đậu san sát từ ngoài cổng vào đang sẵn sàng chờ “ăn” hàng rau đêm.

Càng về khuya không khí ở chợ đầu mối càng tấp nập, những chuyến xe rau của nhà vườn từ khắp nơi cứ ùn ùn phóng đến chợ.

Tôi quan sát, tại một khu vực “tập kết” đủ các loại xe rau đứng chào hàng, những chủ vựa đang lật xem từng loại rau. Họ chẳng cần biết rau sạch hay bẩn, cứ thấy xe nào có hàng tươi ngon không sâu, lá to, cây cứng là chốt giá mua liền. N chạy xe rảo quanh chợ vài vòng để khảo giá rồi cuối cùng anh quyết định quăng hàng bán cho xe của tỉnh Bình Dương.

Tâm sự với tôi, anh Hùng, chủ vựa rau này cho biết: “Chúng tôi chờ thu mua đầy xe sẽ chạy về chợ tỉnh đổ hàng cho các lái, sau đó mới phân chia ra các sạp chợ bán lẻ cho người tiêu dùng. Đêm nào nhiều rau đẹp thì mua nhanh, bằng không gặp toàn rau xấu cũng khó “ăn” hàng về sớm…”.

Theo anh Hùng, các sản phẩm rau tươi từ khi chủ vườn nhổ đem ra chợ đổ thì chỉ khoảng trưa hôm sau rau sẽ bán đến tay người tiêu dùng. Thậm chí một số mặt hàng rau tươi sống mới thu hoạch đêm (còn đầy thuốc) ngay sáng sớm hôm sau đã lên bàn ăn rồi!

Xong việc, N ngồi nghỉ và trao đổi với tôi: “Ở chợ đầu mối này rất nhiều mặt hàng rau buôn bán suốt đêm nhưng thực tế làm gì có ngành chức năng nào kiểm tra chất lượng. Từ các loại hàng dưa, củ quả, hành tỏi kia mang tiếng được có kho, xe lạnh nhưng nghe nói làm gì có tí điện lạnh nào, toàn bảo quản bằng hóa chất không đấy!”.

Anh cũng quả quyết, đã ra đến đây thì hàng rau nào chẳng giống nhau, làm gì có rau GAP, cứ thấy hàng đẹp là người mua “ôkê”. “Do vậy, dân rau tụi tôi trồng rau sạch làm gì cho mệt. Chẳng qua người ta kêu đi học thì mình tham gia cho vui chứ làm rau VietGAP đem ra chợ bị chê xấu chỉ có bán cho… trâu ăn!”, N phân trần.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm