| Hotline: 0983.970.780

Không phải mẹ chồng nào cũng công bằng hoặc là giỏi giang...

Thứ Sáu 12/08/2016 , 06:50 (GMT+7)

Đứa cháu ngoại mà bà ôm năm nay lên lớp 6. Cháu cũng có đứa con gái út năm nay cũng lớp 6. Nhưng hai đứa một trời một vực về suy nghĩ, tác phong, và nếp sống. Con cháu được dạy tự lập...

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu lấy chồng không làm dâu nhưng trong ba nàng dâu của mẹ chồng, cháu được tin yêu nhất. Cháu chỉ là dâu thứ, trên cháu là chị dâu cả, dưới chồng cháu là cô em rồi mới em trai út. Ba người con đó sống quanh khu phố với ba mẹ chồng, người có ki-ốt, người thắng thầu bãi gửi xe, cô em thì làm công chức.

Cháu ở TP, nơi chứa khách ở quê lên, chứa người đi khám bệnh, là trạm trung gian khi đi thi đại học (hồi mấy năm trước). Không phải ba mẹ chồng, các em các cháu ruột mà còn có bà con của bên ba bên mẹ rất đông.

Việc của nhà chồng cháu là mẹ cháu chỉ có một con gái, lại lấy chồng gần nên bà rất ôm đồm bao cấp cho cháu ngoại. Mẹ chồng cháu là nhà nông, lấy chồng ở thị xã rồi xa quê gốc, mọi việc làm ăn đã có chồng và các con trai lo, bà thuần túy nội trợ. Bản tính bà cũng nặng gái nhẹ trai nữa, vì con trai tới ba đứa mà con gái chỉ có một. Mẹ không sống công bằng, như con dâu thì bà bắt bẻ, khó khăn còn thằng rể duy nhất thì nói gì, có bạo hành con gái bà cũng coi như lỡ, không dám giận.

Đứa cháu ngoại mà bà ôm năm nay lên lớp 6. Cháu cũng có đứa con gái út năm nay cũng lớp 6. Nhưng hai đứa một trời một vực về suy nghĩ, tác phong, và nếp sống. Con cháu được dạy tự lập, phải biết việc nhà, biết quan tâm tới ba mẹ và chị gái. Đằng nầy, từ mẹ cháu quá bao biện, nhiều việc bao che nên đứa con của em chồng cháu là cái gai trong mắt các cậu các mợ và cả các anh các chị mỗi khi quần tụ trong căn hộ của ba mẹ.

Làm sao để cho mẹ cháu hiểu làm vậy là hư con hư rể, hư cả cháu? Mọi người hay đùn đẩy cho cháu, nói đi, nói mẹ không dám giận, nói đi. Nhưng cháu nói làm gì đúng không cô? Vấn đề là chồng cháu mặc nhiên, nhiều việc cháu nói anh còn gạt đi, nói kệ nó, kệ cả mẹ đi, đừng làm anh đau đầu. Kế hoạch của ba mẹ và cả cô em gái ấy là năm cấp III sẽ cho đứa bé lên thành để có điều kiện trau dồi tiếng Anh, tốt nghiệp xong sẽ du học. Cháu nghe mà oải, làm sao cháu ôm một người mà mình không được rèn từ bé, quá khác với cách sống của mình?

--------------------

Cháu thân mến!

Trước hết cô khen cháu. Làm dâu “gián tiếp” mà có uy tín thì thật đáng khen. Cháu nói cháu ở TP, vựa chứa khách, đủ dạng khách đến không phải để thăm mình mà là vì những việc thiết thân của họ. Dù với lý do nào thì cháu cũng phải tiếp, giúp đỡ, làm tròn vai trò con dâu. Và cháu đã làm tròn, rất tròn nên người ta mới trọng và quý.

Không phải mẹ chồng nào cũng công bằng hoặc là giỏi giang, thấu đáo như cháu. Rõ rồi. Thậm chí họ không chút nào như vậy mà còn muốn mình phải trọng và nể như thể bà tuyệt vời lắm lắm. Vậy thì làm sao? Cháu không ở gần như hai cô dâu kia, nói như chồng cháu, kệ cái tính và các phương án nọ kia của mẹ đi. Không ai điều chỉnh được mẹ chồng, chỉ có mình phải điều chỉnh mình mà thôi.

Nhưng, đúng là khi đứa cháu ngoại của bà sẽ gửi cho cháu thì lại là chuyện khác, chuyện rất lớn rồi đó. Làm sao một cô bé được nuôi dạy bao cấp như thế mà vào nổi cái “lò” nhà cháu? Không phải gửi con là chỉ nấu cơm cho nó ăn mà cả ba năm cấp III là trông chừng, đưa đón học chính và học phụ và rèn nó. Có còn rèn được không? Với cô bé bình thường, ỷ lại chút thôi thì có thể được. Nhưng với một cô đua đòi, õng ẹo, siêng ăn nhác làm, mê smartphone, nhiều thói hư tật xấu khác ví như lấp liếm, ví như hỗn hào, ví như đố kỵ, ví như so bì... thì đúng là mình bó tay.

Riêng việc này cháu phải trao đổi trước với chồng. Làm gì lên cấp III mà phải học ở thành phố? Làm gì phải xa ba mẹ từ sớm như là đi du học vậy? Làm gì phải bắt cậu mợ cáng đáng trong khi cô em ấy cũng chỉ có mỗi một đứa con? Nói chung, kế hoạch ấy quá vô lý, lại có phần đẽo công đẽo sức (thậm chí đẽo tiền) của người khác? Phải bàn và tránh cho hai bên cảnh bằng mặt không bằng lòng, rồi cháu sẽ không còn như trước trong mắt người ta!

Nói thật mất lòng. Cháu là chị dâu, nên nói thẳng với cô dượng em chồng cái kế hoạch “điên rồ” ấy và nhất quyết không nhận ai cả. Mẹ chồng chỉ gián tiếp, cháu không đối thoại nếu bà không nêu vấn đề. Chỉ nói với cô em và chồng cô ấy nếu thực sự họ khởi động kế hoạch đó. Còn tới 4 năm cấp II nữa kia mà, kiểu ấy rồi có tốt nghiệp cấp II mà vào được lớp 10 không nữa.

 

 

 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.