| Hotline: 0983.970.780

Không tán thành tăng tuổi nghỉ hưu

Thứ Hai 16/06/2014 , 20:57 (GMT+7)

Dự thảo Luật BHXH không thể trái với Bộ luật Lao động vừa sửa đổi và không nên vì không quản lý được quỹ bảo hiểm xã hội mà phải tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động là nội dung được nhiều ĐBQH nêu trong phiên thảo luận Luật BHXH ngày 16/6.

Luật đè lên luật

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật BHXH, ĐB Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng) đề nghị QH nên xem xét lại quy định trong dự thảo về việc tăng độ tuổi nghỉ hưu bởi Bộ luật Lao động vừa mới sửa đổi đã quy định rõ độ tuổi lao động nhưng dự thảo Luật BHXH lại quy định độ tuổi nghỉ hưu khác, như vậy là Luật sau “đè” lên Luật trước.

Cùng quan điểm trên, ĐB Lê Thành Nhơn (Bình Dương) cho rằng Luật BHXH chỉ được bàn về điều kiện để nghỉ hưu chứ không nên bàn độ tuổi nghỉ hưu bởi đây là vấn đề thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động.

Phân tích về độ tuổi nghỉ hưu, ĐB Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) đề nghị dự thảo Luật phải đưa ra căn cứ khoa học dựa trên tuổi thọ lao động, sức khỏe lao động, số lượng lao động trong xã hội, khả năng thu, khả năng chi trả… chứ không thể chỉ căn cứ vào việc mất cân đối quỹ để quy định tuổi nghỉ hưu.

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) thẳng thắn phê phán quy định này trong dự thảo là “hạ sách” vì việc mất cân đối quỹ thì giải pháp đúng nhất là phải tìm cách để tăng thu, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng, trục lợi từ BHXH của các doanh nghiệp. Hiện số tiền nợ đọng BHXH lên tới hàng ngàn tỉ đồng và đây là nguồn thu lớn để giải quyết vấn đề này.

Vì vậy nhiều ĐBQH đề nghị nên đưa hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH vào đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Hình sự sửa đổi. Một số ĐB đề nghị nên có cơ quan thanh tra chuyên ngành cho BHXH và không nên coi BHXH là đơn vị sự nghiệp mà đây là tổ chức tài chính thuộc Chính phủ, có nhiệm vụ thực hiện an sinh xã hội.

Luật phải đảm bảo tính ưu việt xã hội

Đa số các ĐBQH cho rằng số lượng lao động trẻ thất nghiệp trong xã hội hiện nay còn nhiều, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu số liệu hàng năm có tới 400 ngàn sinh viên ra trường cần có việc làm và đây là lực lượng lao động đầy nhiệt huyết, được đào tạo bài bản, xã hội không thể bỏ phí nguồn lực này.

Trong khi những người lao động độ tuổi trên 55 – 60 tuổi thì sức khỏe đã yếu, sức ỳ lớn nên thiếu sáng tạo, không tạo được sức bật cho xã hội.

Quan tâm đến cách tính lương hưu cho người lao động, ĐB Y Khút Niê (Đăk Lăk) khẳng định cách tính lương mới đang làm “hụt” số tiền mà người lao động được hưởng so với cách tính hiện hành.

Ông Y Khút Niê nêu ví dụ người lao động đóng bảo hiểm 30 năm với mức lương trung bình 3,5 triệu theo luật hiện hành thì khi về hưu sẽ được hưởng 2,7 triệu/tháng nhưng nếu theo cách tính của dự thảo luật sửa đổi người lao động về hưu từ năm 2020 chỉ được trên 2,3 triệu. “Lương thấp đi, chất lượng cuộc sống thấp đi như vậy là làm giảm đi tính ưu việt của xã hội”, ông Y Khút Niê nói.

Liên quan đến cách tính lương, ĐB Phùng Đức Tiến cũng cho rằng dự thảo luật cần chứng minh cách tính lương bằng phương pháp khoa học.

Mở rộng đối tượng bảo hiểm bắt buộc

Về nội dung mở rộng đối tượng bảo hiểm bắt buộc, đa số ý kiến các đại biểu đồng tình.

ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận): Cần phải coi Bảo hiểm xã hội là cơ quan tài chính thuộc Chính phủ thực hiện nhiệm vụ xã hội. Tôi đề nghị nên đưa Bảo hiểm xã hội về Bộ LĐ-TB&XH quản lý để hạn chế việc sử dụng tiền không hiệu quả. Vừa qua, BHXH cho vay hàng nghìn tỉ đồng không thấy lãi đâu và đang có nguy cơ mất trắng. Bộ máy BHXH quản lý quỹ tốt thì không cần phải tăng tuổi hưu.

 ĐB Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng dự thảo nghiên cứu đưa ra nhiều gói bảo hiểm xã hội để phù hợp với nhiều đối tượng lao động. Một số ĐB yêu cầu dự thảo nên đưa thêm nhóm cán bộ chuyên trách ở các xã vào đối tượng bảo hiểm bắt buộc, được ngân sách chi trả.

 ĐB Phùng Đức Tiến đề nghị nhóm đối tượng bảo hiểm bắt buộc “mở rộng” có thể là sinh viên các trường công an, quân đội… là những người đang được ngân sách nhà nước chi trả. Riêng đối với quy định đưa những lao động hợp đồng dưới 3 tháng vào đối tượng bảo hiểm bắt buộc, cả ĐB Phùng Đức Tiến và ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh đều cho rằng quy định này không khả thi.

Bởi lao động dưới 3 tháng là lao động thử việc hoặc thường làm những công việc không ổn định, hơn nữa Bộ luật Lao động cũng cho phép người sử dụng lao động thời vụ có thể giao kết không bằng văn bản. “Cho nên chỉ có thể quy định người sử dụng lao động tạm thời dưới 3 tháng phải kê khai và trả tiền trực tiếp cho người lao động tự nộp BHXH”, ĐB Hạnh gợi ý.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.