| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 21/11/2011 , 10:17 (GMT+7)

10:17 - 21/11/2011

Không thể bắt người dân gánh lỗ!

Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang rốt ráo thực hiện việc tăng giá điện, và dồn khoản lỗ hơn 10 nghìn tỷ đồng từ đầu năm 2010 đến nay vào cơ cấu giá điện mới. Bằng chứng cho việc này là một cuộc họp báo được “ông nhà đèn” và bộ chủ quản tổ chức rầm rộ tại Hà Nội chiều ngày 19/11 để “dọn đường dư luận”.

Theo phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, đã đến lúc chúng ta phải “thắt lưng buộc bụng” để lo cho tương lai bằng cách tiết kiệm điện, và lẽ dĩ nhiên, tăng giá là một trong những biện pháp này. Còn TGĐ EVN Phạm Lê Thanh thì nói rằng, ngành điện luôn luôn bị mang tiếng là tăng giá gây ra lạm phát. Nhưng điện chưa tăng thì giá cả đã tăng rồi. Thời điểm này, giá điện bình quân nếu tăng đến 1.600 đồng/kWh vẫn là rẻ (?!).

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn ra sức phản bác chủ trương tăng giá điện của các cơ quan liên quan. Chứng cứ được đưa ra là ở thời điểm này, đáng lẽ giá điện phải hạ mới đúng. Bởi lẽ, nếu EVN nói tăng vì phải chạy phát điện bằng dầu nhiều thì dầu đang xuống giá, còn thủy điện thì nước về các sông năm nay rất tốt, tại sao phải tăng giá?

Còn theo lý lẽ của EVN, tăng giá điện một phần bù vào chi phí phát điện, một phần “gánh” thêm khoản lỗ của DN từ đầu năm 2010 đến nay cũng được nhiều chuyên gia “tố” rằng phi lý. EVN đưa ra con số lỗ khổng lồ, song không thấy nói cụ thể lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh nào? Liệu trong số lỗ này có từ các hoạt động đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả mà EVN Telecom là một dẫn chứng về hoạt động đầu tư dàn trải và không hiệu quả của tập đoàn này?

Như vậy, khó có thể tìm thấy lý lẽ thuyết phục khi EVN “bắt” thượng đế của mình chịu chi phí cho khoản lỗ do chính EVN gây ra. Chừng nào chưa công khai, làm rõ cơ cấu giá điện thì chưa nên cho tăng giá. Chi phí đầu vào của EVN có tăng nhưng tăng bao nhiêu thì phải làm rõ. Nếu đặt trong bối cảnh lạm phát thì việc tăng giá của EVN là đi ngược lại mục tiêu chống lạm phát của Chính phủ.

 Cái nữa là nếu tăng giá để lấy tiền trả nợ và đầu tư là vi phạm nguyên tắc thị trường. “Anh không thể độc quyền, ép người ta mua giá cao để lấy vốn đầu tư cho chính mình. Trong trường hợp này, anh phải xã hội hóa hoặc phát hành trái phiếu để lấy vốn từ các nhà đầu tư khác. Ở đây có gì đó không trung thực về mặt giá cả”, một chuyên gia nhận xét.

Cũng trong cuộc họp báo, TGĐ EVN Phạm Lê Thanh có than thở rằng, lương bình quân của cán bộ công nhân viên ngành điện chỉ có khoảng… 7,3 triệu đồng/tháng. “Tôi thấy thu nhập của anh em chỉ có thế mà xót xa quá. Như vậy làm sao đủ trang trải cho cuộc sống trong thời buổi lạm phát này”, ông Thanh phân bua. Trời đất, trong lúc lương công nhân các nông lâm trường có 400 ngàn đồng, công nhân dệt may làm tới 12 giờ đồng hồ mỗi ngày chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng mà lương công nhân ngành điện gần 7 triệu vị TGĐ đã xót xa thế sao?

Cũng như chuyện của “ông độc quyền” khác là Petrolimex thì điều người tiêu dùng bức xúc không phải là tăng giá mà chính là sự minh bạch. Không minh bạch được giá điện thì ai biết được rằng số tiền thu được từ việc tăng giá có được EVN đầu tư một cách hiệu quả hay không.

Muốn tăng giá, trước hết phải minh bạch hóa giá điện. Mà điều này thì EVN chưa, hoặc có thể “không làm được”.

Bình luận mới nhất