| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 07/05/2019 , 09:01 (GMT+7)

09:01 - 07/05/2019

Không thể chấp nhận 'ma men' cầm lái trên đường phố

Từ lâu, những tai nạn giao thông do tác động của bia rượu đã khiến xã hội nhức nhối. Gần đây, liên tục nhiều tài xế say xỉn gây ra nhiều cái chết thương tâm, thực sự làm thức dậy làn sóng căm phẫn mạnh mẽ trong cộng đồng.

Ảnh minh họa

Những logo mang khẩu hiệu “Đã uống rượu bia, không lái xe” được chính những người tình nguyện in vào áo thun đi trên phố hoặc dán vào ảnh đại diện trên mạng, một lần nữa cho thấy, đã đến lúc phải triệt để ngăn chặn những ma men cầm lái ô tô hoặc xe máy!

Ai cũng biết, pháp luật nghiêm cấm hành vi lái xe khi có nồng độ cồn trong máu. Biết thì biết vậy, nhưng hầu hết đều xem nhẹ, thậm chí xem thường. Khi đời sống kinh tế phát triển, xe hơi nhiều hơn thì tai nạn do tài xế say xỉn cũng nhiều hơn.

Điều trớ trêu là, khi đã có chút men bừng bừng thì chủ phương tiện càng hung hăng cầm lái. Ở trạng thái mất thăng bằng, tài xế đã uống bia rượu không cách nào làm chủ được tay lái. Cứ thế phóng bạt mạng, cứ thế lạng lách và cứ thế… thảm kịch. Tỉnh ra, thì mọi chuyện đã muộn. Ăn năn hoặc hối hận cũng không thể nào cứu chuộc lỗi lầm.

Người phụ nữ lái xe tông thẳng vào những người đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Hàng Xanh - TP.HCM, hoặc gã thanh niên đụng hai người ở hầm chui Kim Liên - Hà Nội, hoặc người đàn ông lao xe vào đám tang ở Quy Nhơn - Bình Định, đều có một điểm chung: Họ đã uống rượu bia trước khi lái xe. Và lúc gây ra đau thương cho người khác, họ vẫn đang trong tình trạng chập chờn hưng phấn cơn say. Trừng phạt những kẻ phạm pháp ấy là chuyện tất nhiên. Thế nhưng, sự mất mát của bao nhiêu nạn nhân, thì không cách nào an ủi được. Người bị mất mạng vì tài xế say xỉn, để lại xót xa khôn nguôi. Người bị thương tật vì tài xế say xỉn, để lại hệ lụy khó lường.

Đền bù bằng tiền bạc ư? Chua chát lắm, tiền bạc làm sao mua được sức khỏe và cuộc sống của con người. Sự bẽ bàng ấy, không chỉ người thân của các nạn nhân, mà những người xung quanh cũng cảm nhận rất rõ ràng. Vấn đề cần làm ngay là phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng ma men cầm lái trên đường phố như những kẻ hủy diệt đáng sợ.

Xe hơi là một phương tiện được xem như nguồn nguy hiểm cao khi điều khiển. Vì vậy, mọi quốc gia đều đưa ra quy chuẩn để kiểm soát tài xế, từ thể lực cho đến kỹ thuật. Tuy nhiên, cái bằng lái hợp pháp cũng trở nên thừa thãi, nếu tài xế thoải mái uống rượu bia.

Mặt khác, đừng nghĩ chạy xe máy thì vô tư rượu bia. Bởi lẽ, người say xỉn khi ngồi trên xe máy thì cũng không khác gì sát thủ. Hơn nữa, một khi người đi xe máy loạng choạng lưu thông thì tất yếu dẫn đến va chạm với xe máy và xe hơi đồng hành.

Do đó, không cần phải phân biệt xe máy hay xe hơi khi đưa ra những biện pháp chế tài nghiêm khắc để khống chế những ma men cầm lái. Bởi lẽ, lái xe khi đã uống bia rượu là một tội ác, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức làm người quan trọng nhất: xem thường tính mạng đồng loại mình!

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm